Việt Nam mua gì nếu Mỹ dỡ lệnh cấm vận vũ khí?

An Nhiên |

Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phía Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị phía Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Năm 1984, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quản lý buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR), gồm các quốc gia bị Mỹ từ chối cấp phép bán trang thiết bị vũ khí và dịch vụ quốc phòng.

Viet Nam mua gi neu My do lenh cam vu khi?

Việt Nam nhiều lần đề nghị Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Theo quy định của ITAR, một công dân Mỹ muốn xuất khẩu các mặt hàng có trong danh mục USML tới cho một người nước ngoài phải được sự cho phép từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trước khi hoạt động diễn ra. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Kể từ năm 1999, chính quyền Mỹ đã tăng mạnh hoạt động chống các tổ chức, cá nhân vi phạm ITAR. Nổi tiếng nhất là lần Mỹ phạt 100 triệu USD nhằm vào công ty ITT, do bán lại khi chưa được cho phép, công nghệ kính nhìn đêm cho Trung Quốc vào năm 2007.

Các nhà thầu Mỹ khác từng bị phạt do vi phạm ITAR gần đây còn có Lockheed Martin, Motorola, Boeing, L-3 Communications và Northrop Grumman.

Trong phần lớn các trường hợp, những công ty vi phạm sẽ bị thanh tra, kiểm tra kỹ càng. Các trường hợp nghiêm trọng còn bị cấm xuất khẩu trong một thời gian.

Trở lại trường hợp của Việt Nam, Mỹ đã không hề đưa Việt Nam ra khỏi ITAR, ngay cả khi đã chấm dứt cấm vận thương mại vào năm 1994.

Phải tới tháng 4/2007, Bộ Ngoại giao Mỹ mới sửa ITAR để cho phép "cấp giấy phép trên từng trường hợp cụ thể, cho hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu các loại hàng hóa, trang thiết bị vũ khí và dịch vụ quốc phòng phi sát thương tới hoặc xuất phát từ Việt Nam".

Tới năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ lại sửa ITAR thêm lần nữa và cho phép xem xét trên từng trường hợp cụ thể, việc xuất khẩu một số loại vũ khí sát thương sang Việt Nam.

Với việc Mỹ từng bước nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Việt Nam, giới phân tích đánh giá ưu tiên hàng đầu của Việt Nam sẽ là mua linh kiện cho những chiếc trực thăng Huey và xe bọc thép M113 mà chúng ta thu được nhiều sau chiến tranh, báo Thể thao & Văn hoá viết.

Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, khi Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trao đổi với VTC News, Đại tá Lê Văn Vỵ, chuyên gia quân sự của Bộ Quốc phòng nhận định, đây là một bước đi mà Mỹ đã tính toán rất thận trọng.

"Tuy nhiên, để sử dụng một loại vũ khí mới cần có một quá trình. Bắt đầu từ nghiên cứu tính năng, khả năng vận dụng với yêu cầu của Việt Nam và quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng sau khi biên chế vào quân đội.

Sau khi có tuyên bố của Mỹ, Việt Nam ghi nhận sự chuyển biến tích cực này nhưng việc mua bán loại vũ khí nào thì cả hai bên phải bàn bạc kỹ hơn nữa.

Hiện nay, trên internet có một số thông tin về việc Việt Nam có thể mua máy bay P-3C Orion của Mỹ.

Điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ khi P-3C Orion là máy bay trinh sát biển rất tốt, khi Việt Nam sử dụng trên Biển Đông, Mỹ có thể yên tâm hơn về an ninh hàng hải qua tuyến đường biển này", ông Vỵ nói.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định: "Việt Nam mua vũ khí của Mỹ là để tăng cường sức mạnh quân đội chứ không nhằm vào bất kỳ nước nào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại