Theo tỷ giá mới nhất vừa được Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố, 1 USD đổi được tới 77,5998 RUB. Nếu so sánh với con số 27,60 RUB thời điểm ngày 22/2/2009 thì rõ ràng đồng tiền Nga đã bị mất quá nhiều giá trị.
Việc đồng nội tệ một quốc gia trong tình trạng phá giá sẽ có xu hướng làm tăng xuất khẩu ròng, vì hàng xuất khẩu trở nên rẻ đi một cách tương đối trên thị trường quốc tế.
Vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự là một mặt hàng đặc biệt, tuy nhiên nó cũng không thể không tuân theo những quy luật kinh tế thị trường.
Đối với các hợp đồng mua vũ khí mà Việt Nam hay các nước khác ký kết với Nga, chúng ta thường nghe thông báo về giá với con số ước tính bằng đơn vị USD.
Tuy nhiên người Nga lại vẫn dùng đơn vị đồng RUB trong giao dịch, thậm chí thay đổi về tỷ giá còn gây ảnh hưởng ngược lại tới giá trị hợp đồng so với ban đầu.
Một trong những nguyên nhân khiến 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam bị giao chậm được cho là do sự tăng giá của đồng RUB
Lùi về quá khứ để nhìn lại thương vụ đặt mua 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Tháng 12/2006, Việt Nam ký hợp đồng đóng mới 2 chiếc tại Xưởng đóng tàu Zelenodolsk, dự kiến chiếc đầu giao sau 31 tháng (7/2009), chiếc thứ 2 giao sau 37 tháng (1/2010).
Nhưng theo yêu cầu của phía Việt Nam, lớp chiến hạm này đã được thiết kế lại, vừa tiến hành thi công vừa điều chỉnh thiết kế, nên phải đến đầu năm 2012 cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên mới được bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngoài khó khăn về kỹ thuật, theo nhận định của một số tạp chí quốc phòng nổi tiếng thế giới như Jane's Defence Weekly hay Reuters... thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng là Việt Nam bị yêu cầu chi thêm tiền do biến động tỷ giá RUB/USD theo hướng tăng lên.
Không riêng Việt Nam, Ấn Độ cũng phải chịu "quả đắng" tương tự trong quá trình hoán cải tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay Đô đốc Gorshkov lớp Kiev thành tàu sân bay INS Vikramaditya.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ mặc dù là một con tàu cũ nhưng có giá còn đắt hơn đóng mới
Như vậy trong tình trạng đồng RUB mất giá như hiện nay và với cách thức làm kinh tế của người Nga, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ tới việc đàm phán để đi tới ký kết những hợp đồng mua sắm vũ khí mà giá thành từng hạng mục rẻ hơn đáng kể so với trước kia.
Điều này không có gì là vô lý hay khó chấp nhận, nhất là khi trong quá khứ chúng ta đã từng là "nạn nhân" của việc đồng RUB tăng giá mạnh.
Dĩ nhiên vũ khí Nga sẽ không thể rẻ tương ứng với sự mất giá của đồng RUB, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không còn ở trong tình trạng tiệm cận, thậm chí là cao hơn cả một số dòng vũ khí phương Tây mà Việt Nam đã đặt mua.