Đóng mới
Trả lời trước truyền thông, ông Victor Doskin, phó tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu Vympel cho biết: “Chúng tôi hài lòng về việc hợp tác với Việt Nam và hy vọng tiếp tục việc này, vì thoả thuận chung đã ký trước đó là sẽ cung cấp linh kiện để Việt Nam tự đóng 10 tàu Molniya.
Hiện Việt Nam đã đóng 6 chiếc, và chúng tôi hy vọng sớm ký hợp đồng đóng tiếp 4 chiếc nữa”.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên hãng đóng tàu Vympel tiết lộ thông tin về bản hợp đồng này.
Hồi tháng 3/2015, ông Oleg Belkov - Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Vympel nói với hãng tin Interfax-AVN rằng hãng này đang thảo luận về bản hợp đồng để Việt Nam đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya nâng cấp.
Theo một hợp đồng được ký kết trong năm 2013, Việt Nam đã nhận được 2 tàu tên lửa Molniya đầu tiên do Nga sản xuất và thêm 6 tàu cùng loại được đóng và lắp ráp theo giấy phép tại nhà máy đóng tàu Ba Son ở trong nước.
"Phía Việt Nam muốn tiếp tục duy trì một chu trình chế tạo lớp tàu tên lửa Molniya, họ không muốn hủy bỏ những cơ sở đã có.
Trong năm 2015, hai bên sẽ tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng và thực hiện việc mua bán các trang thiết bị cần thiết. Sang năm 2016, sẽ bắt đầu việc chế tạo", ông Belkov nói.
Theo ông Belkov, hợp đồng cho 4 tàu tên lửa Molniya phiên bản mới (nâng cấp các thiết bị trên khoang) có thể được Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2015.
Tàu tên lửa cao tốc Molniya HQ-378.
Về việc bảo đảm các động cơ tuabin khí trang bị cho 4 tàu tên lửa Molniya nâng cấp, nhà máy Zorya-Mashproekt ở Nikolayev (Ukraine) sẽ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam một cách độc lập mà không chịu ảnh hưởng nào bởi mối quan hệ giữa Nga - Ukraine hiện nay.
Bởi vì các động cơ này sẽ được công ty của Ukraine trực tiếp cung cấp cho Việt Nam. Ông Belkov cũng lưu ý rằng các tàu tên lửa này cũng có thể tùy chọn sử dụng động cơ do Nga sản xuất.
Vũ khí toàn năng
Ngay khi hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya chưa được Việt Nam và Nga ký kết, truyền thông Nga đã dự đoán về chủng loại vũ khí trang bị cho 4 chiếc tàu mới này.
Theo TASS ngày 16/6, tàu Molniya Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại Club có khả năng tấn công tàu nổi, tàu ngầm và trên đất liền.
Ông Alexander Shlyakhtenko, Tổng giám đốc Viện thiết kế hải quân Almaz (Nga) nói với hãng tin TASS rằng Việt Nam đang đóng các tàu tên lửa thuộc dự án 12418 theo giấy phép chuyển giao công nghệ của Nga, và muốn phía Nga cung ứng hệ thống tên lửa mới hơn.
Ông Shlyakhtenko cho rằng có thể đó là hệ thống tên lửa Club với loại tên lửa đi kèm là Caliber (phiên bản xuất khẩu).
Dù không tiết lộ phiên bản nào của hệ thống Club sẽ được trang bị trên tàu tên lửa Molniya của Hải quân Việt Nam nhưng căn cứ vào những sản phẩm của Tập đoàn OKB Novator (Nga) cho thấy, gần như chắc chắn hệ thống Club-N sẽ là lựa chọn.
Lý do là chỉ có phiên bản này được thiết kế để trang bị cho tàu nổi. Ngoài ra còn có Club-S cho tàu ngầm, Club-M bố trí trên đất liền (loại giàn phóng cơ động), và Club-K đặt trong container có thể bố trí trên tàu thuyền hay xe tải, xe lửa…
Nếu tàu tên lửa Molniya được trang bị hệ thống Club-N thì ngoài khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền, tấn công tàu nổi, tàu tên lửa Việt Nam còn có thể thể công tàu ngầm với những đòn đánh kinh hoàng.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, trong biên chế hệ thống Club-N có: Tên lửa chống tầu 3M-54E, 3M-54E1, tên lửa 3M-14E tấn công mặt đất, tên lửa chống ngầm 91RTE2; Hệ thống điều khiển tên lửa; Giàn phóng tên lửa ống phóng thẳng đứng 3S-14E hoặc nằm chéo 3S-14PE.
Cấu tạo tên lửa chống ngầm: tên lửa 91RTE2 là tên lửa đạn đạo có hai tầng động cơ phản lực nhiên liệu rắn, động cơ tầng thứ nhất là động cơ tăng tốc lấy độ cao, động cơ tầng thứ hai là động cơ hành trình nhiên liệu rắn.
Tên lửa được lắp đầu đạn là tên lửa chống ngầm APR-3ME (khối lượng 475 kg, đường kính 350 mm, chiều dài 3.500 mm, khối nổ 74 kg) hoặc ngư lôi chống ngầm MPT-1UME (khối lượng 300 kg, đường kính 324, chiều dài 3.000 mm và khối nổ 60 kg).
Định danh của NATO dành cho tên lửa Club là SS-N-27 "Sizzler”.
Khi phát hiện tọa độ khu vực hoạt động của tàu ngầm đối phương từ các phương tiện trinh sát. Các chiến hạm sẽ phóng tên lửa chống ngầm về phía khu vực mục tiêu. Khi tên lửa tiếp cận khu vực mục tiêu, các tên lửa và ngư lôi chống ngầm sẽ tiếp nước bằng dù.
Tên lửa chống ngầm APR-3ME và ngư lôi chống ngầm MPT-1UME đều có khả năng tự tìm mục tiêu dưới nước ở chế độ không gây ồn, tiếp cận mục tiêu bằng tốc độ cao và nổ phá tiêu diệt mục tiêu.
Tên lửa có đường kính 533 mm, chiều dài 6.200 mm, khối lượng phóng là 1.200 kg.
Động cơ đẩy tầng thứ nhất của tên lửa có công suất thấp, đủ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng và lấy độ cao thích hợp. Động cơ phản lực tầng thứ hai đẩy tên lửa bay với tốc độ Mach 2. Tên lửa đạt tầm bắn 40 km.
Điều khiển phóng tên lửa chống ngầm của hệ thống Club-N được tiến hành trên hệ thống điều khiển tên lửa đa năng 3R-14N. Hệ thống là một tổ hợp các thiết bị điều hành tác chiến ở chế độ tự động.
Thông tin điều khiển được cung cấp từ hệ thống thông tin tác chiến của chiến hạm nổi hoặc tàu ngầm CICS (mạng máy tính phân phối tương thích cấu hình mở).
Hệ thống điều khiển tên lửa được kết nối với CICS qua kênh thông tin truyền số liệu của mạng trên tàu bằng bộ phận kết nối đặc biệt.
Thông tin vũ khí như: số lượng tên lửa, kế hoạch sử dụng, mệnh lệnh điều khiển tên lửa được hiển thị tự động trên màn hình điều khiển của trắc thủ tên lửa.
Hệ thống CICS cho phép quản lý và sử dụng tập trung tất cả các loại vũ khí trên chiến hạm thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu với hiệu quả tối ưu nhất, trong đó có nhiệm vụ chống ngầm.
Ngoài khả năng chống ngầm cực mạnh, nếu được trang bị hệ thống Club-N, tàu tên lửa Molniya của Việt Nam còn khiến những mục tiêu trên biển và trên đất liền phải khiếp sợ với đòn tấn công bằng tên lửa 3M-54E, 3M-54E1, tên lửa 3M-14E.