Việt Nam đóng tàu tên lửa hiện đại từ mẫu DN-2000 - Tại sao không?

GTS |

Có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể đóng tàu tên lửa hiện đại từ mẫu tàu tuần tra DN-2000. Vậy thực hư vấn đề này ra sao?

Nhu cầu cấp thiết

Là một quốc gia ven biển, với đường bờ biển dài 3.260km, cùng với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế có diện tích lên đến 1 triệu km2 nên vấn đề bảo vệ chủ quyền luôn được quan tâm hàng đầu.

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển và chiến đấu phòng thủ biển đảo khi có tình huống phát sinh, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) cần được trang bị và tái trang bị các loại tàu chiến đấu mặt nước hiện đại và có khả năng chiến đấu cao.

Được Đảng và Nhà Nước quan tâm đầu tư lớn, từ năm 2011 đến nay HQNDVN đã có bước phát triển lớn, theo hướng "Chính quy - tinh nhuệ - hiện đại".

Các biên đội tàu mặt nước đã có hỏa lực mạnh - tốc độ cao được trang bị phù hợp với phương châm tác chiến của ta. Các tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển xa bờ trong nhiều điều kiện thời thiết khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu tên lửa có trong trang bị của HQNDVN còn khá khiêm tốn.


Số tàu tên lửa hiện có trong trang bị của HQNDVn còn khá khiêm tốn.

Số tàu tên lửa hiện có trong trang bị của HQNDVn còn khá khiêm tốn.

Trước nhu cầu cần thiết phải trang bị thêm các tàu tên lửa có hỏa lực mạnh để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại trên biển, Việt Nam đang tiến hành đóng 6 tàu Molniya ở trong nước theo giấy phép của Nga, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hạ thủy thêm 2 tàu.

Thế nhưng cần phải lưu ý rằng giấy phép này chỉ áp dụng cho 6 chiếc Molniya, tức là nếu muốn đóng thêm tàu Việt Nam sẽ phải tiếp tục mua giấy phép, điều này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí.

Đây không phải là trường hợp ngoại lệ

Nhiều lực lượng hải quân trên thế giới từng hoán cải tàu pháo để trở thành tàu tên lửa mà đơn cử là hải quân Indonesia khi đã hoán cải tàu pháo lớp Lurssen PB Variant V, lắp thêm 2 tên lửa chống hạm C-802.

Đối với Hải quân Nga thì các loại tàu tuần tra duyên hải Svetlyak (đề án 10140) hay tàu tuần tra ven bờ Rubin (đề án 22460) đều có thể chuyển đổi thành các tàu tên lửa với các điểm gắn bệ phóng tên lửa chống hạm để hoán cải sang tàu tên lửa khi cần huy động.

Thậm chí, trước đây Việt Nam đã từng làm việc này. Đó là trường hợp của tàu tên lửa BPS-500. Tiền thân của thiết kế tàu BPS-500 là thiết kế tàu tuần tra biên phòng PS-500 (Патрульное Судно проекта ПС500).

Mẫu tàu này đã được Viện thiết kế đề án Phương Bắc (SPKB) giới thiệu cho lực lượng phòng vệ bờ biển thuộc FSB của Liên bang Nga hồi đầu những năm 1990, trang bị 01 pháo chính 57mm và 01 pháo tự động AK-630, không có tên lửa chống hạm.

Việt Nam đã yêu cầu SPKB cải tiến để gắn thêm 2 khối bệ giá phóng tên lửa ở 2 bên mạn tàu (8 đạn tên lửa Uran).


Tàu tên lửa BPS-500 số hiệu 381 của HQNDVN.

Tàu tên lửa BPS-500 số hiệu 381 của HQNDVN.

Lắp vũ khí cho tàu tuần tra lớp DN-2000 – vẹn cả đôi đường

Tàu tuần tra đa năng lớp DN-2000 là loại tàu có khả năng tuần tra xa bờ dài ngày, duy trì luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền. Tàu được trang bị hệ thống động lực tiên tiến có tính tự động hóa cao, hệ thống điện tử hàng hải tinh vi do công ty Thales chế tạo.

Tuy nhiên, do là tàu chấp pháp trên biển nên vũ khí của tàu chỉ dừng lại ở mức vũ khí hạng nhẹ gồm pháo phòng không 23ly và súng máy 14ly5.

Ngày 17/11/2015, Mỹ đã chính thức gỡ bỏ cấm vận vũ khí hải quân với Việt Nam, điều này sẽ mang đến lợi thế rất lớn trong việc biến DN-2000 thành 1 tàu chiến thực thụ.

Bởi lẽ việc lắp và tích hợp vũ khí của Nga lên tàu có hệ thống điện tử của Phương Tây là không hề dễ dàng nhưng với các loại vũ khí từ phương Tây khiến điều này trở nên đơn giản hơn, vấn đề còn lại chỉ là kinh phí mà thôi.

Tàu có trọng tải lớn (2000 tấn) nên có khả năng mang được nhiều loại vũ khí hạng nặng như pháo hạm, tên lửa chống tàu, ngư lôi, thậm chí là tên lửa phòng không…

Với việc sử dụng vũ khí Phương Tây, sẽ tạo ra bất ngờ lớn cho các đối thủ trong khu vực, điều này giúp nâng cao hiện quả chiến đấu, cũng như giúp ta tận dụng nguồn lực sẵn có trong nước, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ mạnh.


Tàu tuần tra đa năng 8005 của CSBVN lớp DN-2000 vừa được Tổng Công ty Sông Thu hạ thủy.

Tàu tuần tra đa năng 8005 của CSBVN lớp DN-2000 vừa được Tổng Công ty Sông Thu hạ thủy.

Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn liệu có dễ dàng?

Mặc dù có những ưu điểm đã kể trên nhưng, lớp tàu DN-2000 cũng có một số nhược điểm, nếu muốn trở thành tàu chiến thì DN-2000 phải khắc phục những điều đó nhưng vấn đề này đôi khi sẽ đi sang một hướng khác. Đó là, xuất hiện 1 con tàu hoàn toàn mới.

Thứ nhất, không phù hợp với mục đích thiết kế ban đầu: DN-2000 có mục đích thiết kế ban đầu là tàu tuần tra, cứu hộ cứu nạn trên biển. Nên các tính năng sống còn, tính ổn định của kết cấu trong trường hợp bị trúng hỏa lực của đối phương gần như là bị bỏ qua.

Thứ hai, tính ổn định của tàu khi sử dụng vũ khí hạng nặng: Xét về khía cạnh kĩ thuật, tính năng kĩ chiến – thuật của tàu phụ thuộc rất lớn vào mục đích thiết kế ban đầu.

Các loại vũ khí trên tàu chiến, khi sử dụng sẽ tạo ra các phản lực tác dụng lên mặt sàn bong và hệ thống kết cấu của tàu. Vì DN-2000 là tàu tuần tra nên các vấn đề này sẽ được giảm thiểu để có lợi về mặt kinh tế.

Cho nên, nếu muốn biến DN-2000 thành tàu chiến thật sự cần phải tính toán lại tính ổn định của kết cấu tàu khi sử dụng các loại vũ khí hạng nặng.

Thứ ba, nếu DN-2000 muốn trở thành tàu chiến thì việc đầu tiên là phải bố trí lại thiết bị trên tàu.

Qua đó, tạo không gian trống để lắp đặt vũ khí (tên lửa chống hạm, pháo, tên lửa phòng không, ngư lôi…) và các thiết bị điện tử đi kèm cùng các loại radar trinh sát, dẫn bắn, điều khiển hỏa lực, tác chiến điện tử …

Một diện tích lớn bị mất đi khi lắp đặt các trang bị vũ khí, cho nên việc tiếp theo cần phải làm là bố trí lại khu vực sinh hoạt của thủy thủ đoàn cùng việc bố trí các hệ thống khác phục vụ công tác đi biển xa bờ.

Tức là chúng ta gần như phải xây dựng lại hoàn toàn trên cơ sở thiết kế trước đó, điều này quả thật không đơn giản.

Thứ tư, giá thành của tàu sẽ bị đội lên cao. Hiện nay, Việt Nam chỉ tự chủ được công nghệ đóng tàu theo công nghệ chuyển giao. Nhưng các thiết bị bố trí trên tàu gần như động cơ, thiết bị điện tử phải nhập khẩu 100% với chi phí khá lớn.

Do vậy, về mặt lý thuyết, có thể lắp đặt và tích hợp vũ khí hiện đại cho các tàu DN-2000. Tuy nhiên, với những rào cản khá lớn như trên, có lẽ mong muốn biến lớp tàu tuần tra cỡ lớn này thành tàu tên lửa mặt nước còn quá xa vời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại