Tờ tin tức quân sự VPK của Nga cho hay, các nước châu Á đang tích cực hợp tác với Israel để hiện đại hóa quân đội.
Vũ khí Israel đang trở thành đối thủ trạnh canh với Nga, Mỹ trên toàn thế giới. Đặc biệt, nhiều nước trong đó là bạn hàng truyền thống của Nga như Việt Nam, Ấn Độ.
Nhà phân tích quân sự Yevgeny Satanovsky thuộc Viện Trung Đông đã tổng hợp dữ liệu hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Israel với hai bạn hàng lớn của Nga ở châu Á là Việt Nam và Ấn Độ.
Theo ông Satanovsky, các số liệu đã cho thấy tầm ảnh hưởng của vũ khí Israel đối với quá trình hiện đại hóa quân đội các nước này.
Việt Nam: Từ Galil ACE đến Spike NLOS
Một trong những dự án tiêu biểu về hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam - Israel là hợp đồng trị giá 100 triệu USD, trong đó Tập đoàn Israel Weapons Industries (IWI) cung cấp giấy phép và dây chuyền sản xuất súng trường tấn công Galil ACE 31/32 tại nhà máy Z111.
Trước đó trong năm 2011, Việt Nam đã thử nghiệm một số vũ khí cá nhân tiên tiến của Israel như súng trường tiến công TAR-21, súng máy hạng nhẹ IMI Negev, súng phóng lựu MATADOR, tiểu liên Uzi.
Kết quả tích cực thu được chính là điều kiện tiên quyết dẫn đến hợp đồng mua giấy phép sản xuất trong nước.
Đạn pháo phản lực dẫn hướng EXTRA (ống lớn) và ACCULAR (ống nhỏ) trong một cuộc diễu binh của Hải quân Việt Nam
Danh mục vũ khí Israel mà Việt Nam bày tỏ sự quan tâm ngày càng mở rộng theo thời gian.
Không lâu sau hợp đồng cung cấp giấy phép sản xuất súng trường tiến công, Tập đoàn Israel Military Industries đã chuyển giao cho Việt Nam pháo phản lực phóng loạt dẫn hướng ACCULAR, LAR-160, EXTRA.
Những vũ khí này được biên chế cho lực lượng phòng thủ bờ biển của Hải quân Việt Nam. Rocket EXTRA có đường kính 306 mm, tầm bắn 150 km, bán kính sai số (CEP) khoảng 10 m, mang theo đầu đạn nặng 120 kg. Bệ phóng lắp trên xe tải hoặc cố định với số lượng 2 - 8 đạn.
Trong khi đó, pháo phản lực phóng loạt ACCULAR cỡ 160 mm có tầm bắn 40 km, CEP < 10 m, mang theo đầu đạn nặng 35 kg. Đạn nằm trong ống phóng kiêm container bảo quản thời gian dài mà không ảnh hưởng đến độ tin cậy.
Ngoài những vũ khí đã được chuyển giao, Việt Nam còn đang bày tỏ sự quan tâm đến tên lửa chống tăng Spike NLOS. Với tầm bắn 25 km, phạm vi của Spike vượt xa các tên lửa chống tăng do Mỹ, Nga hay châu Âu sản xuất.
Tuy vậy, Spike NLOS có nhược điểm là trọng lượng lên tới 70 kg nên chỉ phù hợp để lắp trên trực thăng, xe thiết giáp.
Đánh giá về lựa chọn của Việt Nam, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng pháo phản lực phóng loạt của Israel không phải là giải pháp tối ưu. Họ cho rằng Tornado-G của Nga có tầm bắn tương đương nhưng số lượng đạn/xe mang phóng nhiều hơn.
Đối với lĩnh vực phòng không, Việt Nam đã đặt mua hệ thống SPYDER-SR cùng đạn tên lửa Python-5 và Derby. Tổ hợp này có tầm bắn tối đa 16 km, tầm cao 9 km.
SPYDER-SR cho phép tiêu diệt các mục tiêu đường không tầm thấp như trực thăng, UAV, tên lửa hành trình... cũng như bổ sung cho pháo cao xạ 23 - 35 mm.
Vị chuyên gia nhận định, Hà Nội đang tích cực hợp tác với hai công ty quốc phòng Rafael và Elta để xây dựng mạng lưới phòng thủ của riêng mình.
Việt Nam đã mua các radar tối tân EL/M-2106 ATAR và EL/M-2084 MMR, đây là một phần của hệ thống phòng thủ Iron Dome, có thể dẫn đường cho tên lửa đánh chặn những mục tiêu đạn đạo ở khoảng cách 35 km, trần bay 16 km.
Ông Satanovsky nhận xét, radar của Israel có khả năng kháng nhiễu cao, cũng như tạo ra một tổ hợp xử lý thông tin thống nhất khi kết nối với các hệ thống nhận dạng bạn-thù khác.
Các chuyên gia Israel từng thừa nhận rằng rất khó khăn để giành hợp đồng ở thị trường vốn quen thuộc với vũ khí Liên Xô (Nga hiện nay), nhưng độ tin cậy cao đã giúp vũ khí Israel chiến thắng.
Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đông gia tăng cũng thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam - Israel theo chiều hướng sâu rộng hơn.
Ấn Độ: Tình bạn và phục vụ đặc biệt
Israel hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ tư của Ấn Độ, vũ khí Israel đang góp phần giúp nước này duy trì sự cân bằng chiến lược trước Trung Quốc.
Trong năm 2016, New Delhi sẽ chi 3 tỷ USD để mua hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) Phalcon lắp trên máy bay vận tải Il-76, hệ thống này theo dõi được 200 mục tiêu cùng lúc ở cự ly tới 800 km.
Ngoài ra, Không quân Ấn Độ có nhu cầu lớn đối với các loại máy bay không người lái (UAV) do Israel sản xuất. Năm 2013, công ty IAI đã nhận đơn đặt hàng 15 UAV Heron với tùy chọn thêm 20 chiếc.
UAV IAI Heron-TP phiên bản trinh sát tầm xa dành cho Ấn Độ
Năm 2015, Ấn Độ đặt mua tiếp 10 UAV Heron-TP có thời gian hoạt động liên tục lên đến 37 giờ. Không quân Ấn Độ cũng đang vận hành 8 UAV Searcher Mk2, họ còn mua nhiều mẫu UAV do thám mini khác với tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,25 tỷ USD.
New Delhi còn tăng cường hợp tác với Tel Aviv để nâng cao năng lực tác chiến cho các chiến đấu cơ do Nga sản xuất.
Năm 2013, Ấn Độ đã lựa chọn bom thông minh Spice-250 để trang bị cho tiêm kích MiG-29, họ mua cả trạm cảm biến quang-điện tử gắn ngoài để tăng khả năng tấn công mặt đất cho Su-30MKI cũng như MiG-29.
Hải quân Ấn Độ đặt niềm tin vào tên lửa Barak-8 tầm bắn 70 km cho nhiệm vụ phòng không trên hạm. Ngoài ra, phiên bản trên đất liền của Barak-8 cũng đang được xem xét với dự toán khoảng 1,5 tỷ USD.
Đối với lực lượng mặt đất, trong năm 2014 Ấn Độ đã mua 321 ống phóng cùng 8.356 đạn tên lửa Spike NLOS với tổng giá trị 1 tỷ USD. Các công ty Israel cũng đang tham gia phát triển đạn pháo 155 mm và tên lửa chống tăng cho xe tăng của Ấn Độ.
New Delhi hiện đang bắt tay với Tel Aviv trong dự án mang tên “Hàng rào laser”, nhằm xây dựng một hệ thống giám sát hiện đại dọc theo biên giới với Pakistan. Lĩnh vực tình báo giữa hai quốc gia cũng đang có những hợp tác ngày càng đi vào thực chất.