Cuối thập niên 1960, Văn phòng thiết kế Nitel (Liên Xô cũ) đã phát triển loại P-14 cải tiến (Oborona-14) dùng cho cả nhiệm vụ cảnh giới phòng không đa tầng và cảnh giới không gian.
Đài Oborona-14 5N84 được thiết kế kiểu moóc kéo hoặc trạm cố định, thời gian triển khai 24 giờ, có khả năng kháng nhiễu, dải tầng quét từ 50 m tới 85 km, tầm quét 600 km cho cảnh giới phòng không, 1.200 km cho cảnh giới không gian.
Trong biên chế của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam có một số đài radar P-14 thuộc phiên bản 5N84A tầm trinh sát 400 km do Liên Xô viện trợ. Qua nhiều năm sử dụng, các đài radar này đã cũ và xuống cấp, khiến công tác bảo đảm kỹ thuật rất khó khăn.
Mặc dù trong những năm gần đây, Bộ đội Radar đã được quan tâm đầu tư mua sắm một số khí tài mới, hiện đại như radar 36D6M1, RV-02, Nebo-UE, Nebo-SV, nhưng số lượng radar loại cũ hơn còn rất nhiều mà ngân sách có hạn, không thể nhanh chóng thay thế hết được.
P-14 vẫn đang là một trong những loại radar có tầm trinh sát xa nhất của Việt Nam tính tới thời điểm này, nếu vì lý do quá cũ mà phải ngưng sử dụng thì thật đáng tiếc.
Vậy liệu có giải pháp nào để các đài P-14 "sáng mắt trở lại", tiếp tục giữ vị thế là radar hiện đại nhất như một thời đã từng như thế?
Hiện nay, Nga và Ukraine đều đang chào các gói nâng cấp khá hợp lý cho radar P-14. Cùng xem liệu Việt Nam nên chọn phương án nào?
Đài radar P-14 biên chế tại một trạm radar. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Gói nâng cấp của Nga
Việc hiện đại hóa đài Oborona-14 được thực hiện thông qua việc thay thế các linh kiện đèn chân không bằng các linh kiện bán dẫn thế hệ mới và tăng cường các tính năng kỹ chiến thuật của đài như:
- Tính năng kháng nhiễu thụ động, nhiễu xung không đồng bộ và nhiễu địa vật; Tính năng xử lý tín hiệu;
- Tính năng kết nối tình báo nội mạng hệ thống phòng không hợp nhất, cũng như tính năng trộn và định dạng tín hiệu từ các đài và nguồn trinh sát khác; Tăng tuổi thọ phục vụ và độ tin cậy của đài.
Cấu hình linh kiện dùng cho việc hiện đại hoá đài bao gồm: Khối linh kiện kháng chế áp điện tử kỹ thuật số chống nhiễu thụ động và nhiễu không đồng bộ; Khối linh kiện tự động thu nhận tín hiệu tình báo radar. Khối linh kiện kháng chế áp điện tử được thiết kế thành hộp.
Nhờ đó có thể gắn kết gọn vào khối các linh kiện dễ thay thế của đài và có tính năng giúp đài đồng thời lọc bỏ nhiễu thụ động, nhiễu không đồng bộ trong dải đồng pha, cũng như nhiễu không đồng bộ trong dải biên độ mà không làm giảm chất lượng tín hiệu.
Khối linh kiện thu tín hiệu radar có kích cỡ ngang khối hiện sóng được đặt ngay trên xe khí tài của đài chứ không bố trí trên khối hiện sóng, còn khối linh kiện nhận tình báo được bố trí tại trạm chỉ huy điều khiển cố định của đài.
Khoảng cách giữa khối thu tín hiệu radar và khối nhận tình báo chỉ bị giới hạn vào kênh thông tin sẵn có tại hiện trường.
Thông số kỹ thuật cơ bản (Trước nâng cấp / Sau nâng cấp):
Khả năng kháng nhiễu địa vật (dB): 20 / 26; Khả năng kháng nhiễu thụ động (dB): 20 / 26;
Khả năng kháng nhiễu đồng thời trong dải đồng pha (dB): Nhiễu thụ động: không thấp hơn 20 / 26; Nhiễu không đồng bộ: không thấp hơn - / 26; Khả năng bù nhiễu không đồng bộ trong dải biên độ (dB): 20 / 26;
Tính năng tự động hiển thị tình báo radar/hiển thị bám sát mục tiêu: Không / Có;
Tính năng tự động bám theo phương vị nguồn nhiễu: Không / Có;
Khả năng xử lý tình báo (số lượng tình báo mục tiêu được xử lý trong 1 vòng quét 10 giây): tới 10 (trắc thủ đọc tình báo trên màn hiện sóng) / tới 120 (cung cấp tình báo tự động).
Phương án nâng cấp sâu của Ukraine đối với radar P-14
Gói nâng cấp của Ukraine
Việc hiện đại hóa đài Oborona-14 được thực hiện thông qua việc thay thế các linh kiện đèn chân không bằng các linh kiện bán dẫn thế hệ mới và tăng cường các tính năng kỹ chiến thuật của đài như:
- Tăng từ 4 lên 200 dải tần số giúp bộ vi xử lý có khả năng kháng nhiễu thụ động, nhiễu chủ động và nhiễu địa vật tốt hơn nhiều, tự động cập nhật bản đồ nhiễu địa vật; tăng tính năng xử lý tín hiệu;
- Tính năng kết nối tình báo nội mạng hệ thống phòng không hợp nhất, cũng như tính năng trộn và định dạng tín hiệu từ các đài và nguồn trinh sát khác; Tham số mục tiêu có thể truyền qua nhiều lkeenh liên lạc khác nhau;
- Toàn bộ khối thiết bị của đài có thể được lắp gọn lên một khung gầm dạng thùng kéo hoặc đặt vừa trong 2 container 20 ft tiêu chuẩn quốc tế dạng cố định hoặc trên 1 xe duy nhất;
- Tăng khả năng phát hiện máy bay tàng hình; Có thiết bị kiểm lỗi tự động giúp nhanh chóng phát hiện và xử lý sự cố; giảm tối đa nhân sự và chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Tăng tuổi thọ phục vụ và độ tin cậy của đài.
Thông số kỹ thuật cơ bản (Trước nâng cấp / Sau nâng cấp):
Khả năng kháng nhiễu địa vật (dB): 20 / 40;
Tính năng tự động hiển thị tình báo radar/hiển thị bám sát mục tiêu: Không / Có;
Tính năng tự động bám theo phương vị nguồn nhiễu: Không / Có;
Cự ly phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ điện từ 2,5 m2: Ở độ cao 100 m: 30/37 km; Ở độ cao 1.000 m: 110/130 km; Ở độ cao 10.000 m: 290/340 km; Tiêu thu điện năng: 60/<30 kW.
Màn hình đa năng hiển thị toàn bộ tham số mục tiêu theo phương án nâng cấp của Ukraine
Đánh giá chung
Dường như gói nâng cấp của Nga là cải tiến nhỏ, chỉ tập trung vào kéo dài tuổi thọ chứ không phải là cải tiến sâu như gói nâng cấp của Ukraine. Tất nhiên, tiền nào của nấy, cải tiến nhỏ thì chi phí thấp hơn nhiều, đổi lại tính năng cũng sẽ chỉ được cải thiện phần nào.
Tuy nhiên, điểm yếu của cả 2 gói nâng cấp là đều không giảm được nhiều thời gian triển khai/thu hồi sẽ khiến P-14 sẽ không đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại và phi đối xứng là phải có khả năng cơ động nhanh, phòng tránh đánh trả.
Do vậy, tùy theo nhu cầu kéo dài tuổi thọ để chờ thay thế bằng các loại radar hiện đại hơn hay là xác định P-14 sẽ tiếp tục phục vụ lâu dài mà sẽ có lựa chọn thích hợp. Nên chăng, phương án nâng cấp nhỏ kéo dài niên hạn chờ thay bằng radar thế hệ mới có lẽ hợp lý hơn.