Tính năng ưu việt của trực thăng Ka-52K
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến thương vụ tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral giữa Nga và Pháp, tờ Kommersant của Nga cho biết, nước này đang tìm khách hàng nước ngoài để bán lại lô trực thăng chiến đấu Ka-52K vốn được thiết kế riêng cho lớp chiến hạm trên.
Đây là điều khá bất ngờ vì trước đó Nga nhiều lần tuyên bố sẽ tự đóng trong nước những chiến hạm có tính năng tương đương Mistral, bên cạnh đó các trực thăng Ka-52K này hoàn toàn có thể bố trí trên bất cứ tàu mặt nước hiện có nào của Hải quân Nga.
Trực thăng tấn công Ka-52K huấn luyện hạ cánh trên boong tàu Mistral
Ka-52K là trực thăng chống hạm phiên bản đặc biệt, được phát triển dựa trên nền tảng trực thăng chiến đấu Ka-52 Alligator thuộc biên chế Không quân Nga.
Ka-52K khác biệt Ka-52 nguyên bản ở hệ thống điện tử và vũ khí để chống lại các mục tiêu trên biển cũng như trên mặt đất. Theo yêu cầu của Hải quân Nga, Ka-52K còn được trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau cũng như mang được nhiều vũ khí hơn so với bản Ka-52 của Không quân.
Loại trực thăng hải quân này dự kiến sẽ được trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) hoạt động theo từng giai đoạn Zhuk-A, đây là một bước tiến lớn so với Ka-52.
Ngoài ra, do là trực thăng hạm tàu nên rotor của Ka-52K có thể gấp lại. Cánh quạt, thân máy bay và các hệ thống điện tử hàng không được tăng cường khả năng chịu ăn mòn khi hoạt động trên biển.
Phần khung càng máy bay cũng được gia cố độ chắc chắn để đảm bảo việc hạ cánh của trực thăng trên boong tàu trong thời điểm biển động mạnh.
Đáng chú ý nhất, Ka-52K còn có khả năng mang phóng hai loại tên lửa chống tàu cực mạnh là Kh-31A Krypton và Kh-35 Uran.
Ka-52K có sức mạnh vượt trội so với Ka-52 Alligator nguyên bản
Trực thăng Ka-52K có phù hợp với Việt Nam?
Việc Nga chào bán trực thăng Ka-52K đi kèm với tàu Mistral chưa chắc đã là một ý hay, vì mặc dù được thiết kế để hoạt động trên lớp chiến hạm này nhưng không phải mọi quốc gia đang quan tâm đến tàu Mistral đều quen sử dụng vũ khí Nga.
Hoặc còn một khả năng khác là sẽ có quốc gia đồng ý mua lại trực thăng Ka-52K, nhưng họ sẽ không có nhu cầu đối với toàn bộ phi đội, trong tường hợp này Nga sẽ phải tìm khách hàng khác để bán phần còn lại tương tự như lô máy bay chiến đấu Su-30K.
Vậy nếu trường hợp đó xảy ra, Việt Nam có nên tính tới khả năng mua sắm trực thăng Ka-52K để trang bị cho hải quân?
Trước hết, Ka-52K nếu trang bị cho các tàu Gepard 3.9 sẽ đảm nhiệm được chức năng cánh tay nối dài của lớp chiến hạm này.
Trực thăng Ka-52K với tầm hoạt động rộng nên ngoài nhiệm vụ trinh sát, nó còn có thể phụ trách chuyển tiếp chỉ huy nếu radar trên tàu mẹ không đủ chính xác để dẫn bắn tên lửa ngoài đường chân trời.
Thậm chí nhờ khả năng mang tên lửa diệt hạm và khả năng bay bám biển, chiếc trực thăng này còn ra được đòn tấn công từ xa cực kỳ lợi hại mà không sợ bị đánh trả vì hiện tại rất ít chiến hạm có hệ thống phòng không đủ mạnh để tiêu diệt Ka-52K từ xa.
Thứ hai, Ka-52K với hỏa lực rất mạnh gồm pháo 30 mm, rocket và tên lửa chống tăng sẽ đảm nhiệm tốt vai trò yểm trợ hỏa lực dọn bãi cho thủy quân lục chiến trong nhiệm vụ đổ bộ đánh chiếm đảo hay bờ biển. Đây cũng là một mảnh ghép còn thiếu của Hải quân Việt Nam.
Nếu như pháo hạm và pháo phản lực phóng loạt trên tàu đổ bộ có độ chính xác kém, sử dụng Su-30MK2 thì quá lãng phí tính năng của loại chiến đấu cơ đa năng này, Su-22 không có khả năng quần vòng lâu trong khi trực thăng Mi-8/17 lại bị hạn chế ở vỏ giáp và hỏa lực.
Do vậy, nếu Ka-52K có trong biên chế của Hải quân đánh bộ Việt Nam sẽ trở thành nắm đấm thép, giúp cho sức mạnh của lực lượng này tăng lên gấp bội và còn có thể huy động để hỗ trợ cho lục quân hay bộ đội đổ bộ đường không lúc cần thiết.
Thứ ba, nếu Việt Nam lựa chọn trực thăng Ka-52K, chúng ta sẽ không mất nhiều thời gian chờ đợi để có hàng, do đây là những máy bay đã được lắp ráp hoàn thiện và hơn nữa đây là cơ hội hiếm có để được sử dụng những trang thiết bị dành riêng cho Hải quân Nga.
Với những ưu điểm trên, việc Việt Nam mua lại trực thăng Ka-52K tỏ ra là một sự lựa chọn rất hợp lý và đáng được mong đợi.