Thực tế đây là lớp xe chiến đấu bộ binh hoàn toàn mới ra đời để đáp ứng khả năng tác chiến trong môi trường hỗn hợp, bất đối xứng và tác chiến đô thị, khi các phương tiện chiến đấu bộ binh cũ tỏ ra trở nên “mỏng manh” trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại.
BMPT T-15 cũng là phương án thay thế cho các đơn vị xe chiến đấu bộ binh cũ của nhiều quốc gia trên thế giới khi cần một phương tiện chiến đấu hạng nặng mang hỏa lực áp chế, tiêu diệt sinh lực đối phương tốt và có khả năng bảo vệ không kém xe tăng.
Ra đời từ thực tế chiến trường
Trong Cuộc chiến 6 ngày năm 1973 với khối các quốc gia A rập, Israel từng thu được rất nhiều xe tăng T-54/55 bỏ lại. Quân đội Do Thái đã tận dụng khung gầm xe tăng T-54/T-55 cũ để hoán cải thành xe bọc thép chở quân hạng nặng Namer.
Phương tiện chiến đấu tưởng như “cải lùi” này lại tỏ ra rất hữu hiệu trong tác chiến trong môi trường đô thị và có khả năng bảo vệ ưu việt hơn hẳn so với các dòng xe bọc thép M113 của Quân đội Israel. Đây cũng là tiền đề cho các dòng BMPT sau này.
Trong khi đó, sau kinh nghiệm xương máu rút ra từ chiến trường Chesnya, Nga cũng đã nhận ra việc các dòng xe chiến đấu bộ binh BMP được thiết kế phục vụ học thuyết chiến tranh tổng lực không có nhiều hiệu quả trong chiến tranh bất đối xứng, tác chiến đô thị.
Những hạn chế về vỏ giáp bảo vệ mỏng, dễ tổn thương và góc nâng, hạ pháo chính kém đã biến các phương tiện chiến đấu dạng này làm “mồi ngon” cho các tổ săn tăng của đối phương.
Trong khi đó, sự phối hợp các đội hình tăng với pháo phòng bắn nhanh như Shilka hay Tunguska tỏ ra rất hiệu quả để đối phó với các nhóm phiến quân ẩn nấp trong các tòa nhà, công sự.
Từ những thực tế thu được, Nga đã phát triển nguyên mẫu BMPT đầu tiên với tên gọi Terminator để hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật chiến đấu… và sau này là T-15 Armata.
Trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 2015, lần đầu tiên Nga giới thiệu xe chiến đấu hộ vệ tăng (BMPT) T-15.
Uy lực chính của T-15 chính là cụm module chiến đấu kết hợp giữa pháo chính 30mm, súng máy 7,62mm và tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-UE, tháp pháo có góc nâng, hạ lớn và tháp pháo điều khiển hoàn toàn tự động từ xa…
Sự kết hợp này cho phép T-15 vừa có uy lực tiêu diệt, dìm đầu bộ binh và khi cần, vẫn có thể tiêu diệt phương tiện chiến đấu, xe tăng hạng nặng của đối phương bằng tên lửa có điều khiển.
Ngoài uy lực tấn công, khả năng sống sót của T-15 cũng được tăng cường nhờ sử dụng chung khung thân với xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata và phần động cơ chính 1.200 mã lực được đẩy lên phía trước khoang kíp lái.
Cùng với đó, hệ thống bảo vệ của T-15 còn được “gia cường” bằng các module giáp phản ứng nổ thế hệ mới Relic và hệ thống phòng ngự chủ động Afghanit.
Về cơ bản, khả năng sống sót của T-15 tương đương, thậm chí vượt trội hơn so với nhiều dòng xe tăng chiến đấu hiện đại hiện nay.
Việt Nam có nên lựa chọn T-15?
Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện có trong biên chế số lượng lớn xe BMP-1, BMP-2 đã cũ và cần thay thế thế dần trong tương lai. Tuy nhiên, nếu được cân nhắc, có lẽ BMPT T-15 chưa phải là lựa chọn thay thế tối ưu nhất cho các phương tiện chiến đấu cũ trên. Bởi lẽ:
Thứ nhất, dù thiết kế là xe chiến đấu bộ binh, nhưng BMPT T-15 lại sử dụng khung gầm hạng nặng có trọng lượng tương đương xe tăng. Thiết kế này không phù hợp với điều kiện đường xá, địa hình đồi núi vốn nhiều chia cắt và nhiều sông ngòi như Việt Nam.
Thứ hai, T-15 hiện vẫn đang ở dạng nguyên mẫu, công nghệ thử nghiệm, đến bản thân Quân đội Nga trang bị đại trà, nên việc sớm được chuyển giao, tiếp thu công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Điều này có thể nhận thấy qua nguyên mẫu BMPT trước đó của Nga là Terminator.
Mặc dù được các chuyên gia quân sự đánh giá khả năng chiến đấu của BMPT Terminator vượt trội từ 2,5-3 lần so với các dòng BMP hiện nay trên thế giới, nhưng sản phẩm quân sự này mới chỉ được Tajikistan đặt mua với số lượng hạn chế.
Thứ ba, phương tiện chiến đấu thế hệ mới, giá thành của các đơn vị T-15 chắc chắn sẽ cao. Việc này sẽ cản trở việc trang bị dòng vũ khí này ở quy mô lớn. Điều này còn chưa kể tới chi phí hậu cần dành cho các đơn vị vũ khí tân tiến này.
Một trong các phiên bản module chiến đấu có thể lắp trên BMPT T-15.
Nếu phải chọn, liệu có phương án thay thế?
Trong trường hợp phải lựa chọn, Việt Nam có thể chọn phương án nâng cấp các đơn vị xe tăng T-54/55 cũ thành BMPT như đề nghị của phía Nga với quân đội Chile.
Theo phương án này, xe tăng T-54/55 cũ sẽ tháo bỏ tháp pháo và thay thế vào đó là module hỏa lực tương tự như loại lắp đặt trên BMPT Terminator gồm:
- Pháo bắn nhanh 2A42 30mm nòng kép với 850 cơ số đạn, cung cấp hỏa lực áp chế bộ binh và tiêu diệt các mục tiêu bay chậm ở tầm thấp khi cần; Súng đồng trục 7,62mm;
- 4 tên lửa chống tăng có điều khiển siêu thanh Ataka-T (có thể nâng cấp trang bị Kornet-UE) mang đầu đạn xuyên lõm hoặc nhiệt áp; 2 súng phóng lựu tự động AG-17D hoặc AGS-30 30mm nằm ở 2 bên cạnh xe với 600 cơ số đạn.
Đặc biệt, với hệ thống ổn định tầm hướng, T-54/55 “nâng cấp” sẽ lần đầu tiên có khả năng khai hỏa trong trạng thái hành tiến. Gói nâng cấp này không chỉ nâng cấp sức mạnh cho các đơn vị xe tăng T-54/55 cũ với chi phí thấp, tận dụng hệ thống bảo trì, hậu cần sẵn có.
Như vậy, Việt Nam có thể lựa chọn giải pháp kinh tế hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả chiến đấu không thua kém nhiều, đó là tận dụng khung gầm T-54/55 cũ ghép cùng module hỏa lực của BMPT, thay vì mua đồng bộ BMPT T-15 mới hoàn toàn với giá không hề rẻ.