Việt Nam có nên bổ sung A-222 Bereg cho các lữ đoàn tên lửa bờ?

Quân sự |

A-222 Bereg-E có thể xem như ứng viên tiềm năng cho vai trò hỗ trợ hỏa lực đối với các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Phần trả lời của bạn Lê Hạnh:

Trước khi thảo luận về vấn đề: Việt nam có nên mua Tổ hợp pháo phòng thủ tự hành cỡ 130 mm A-222 Bereg do Nga chế tạo hay không, ta hãy nhìn cách bố trí vũ khí bờ biển của họ xem sao?

Tổ hợp A-222 Bereg (Bereg nghĩa là Bờ) được biên chế trong Lực lượng phòng thủ bờ biển của Nga, bên cạnh các tổ hợp tên lửa 4K44 Redut, K-300P Bation-P, Bal-E hay 4K51 Rubezh để hỗ trợ hỏa lực.

Chúng hình thành một dải biển bao la, trên đó tầng tầng lớp lớp liên hoàn tên lửa và đạn pháo chuẩn bị bay đến, nếu quân thù dám bén mảng tới lãnh hải nước Nga.

Đúng là hợp lý!

Cho dù trên thế giới không còn hệ thống pháo nào tương tự như thế (có lẽ thiên hướng phát triển trang bị tên lửa nhiều hơn), nhưng Nga vẫn dùng vì những ưu việt của tổ hợp pháo này. Lý do như sau:

A-222 Bereg có khả năng cơ động nhanh chóng vượt qua các địa hình phức tạp bằng xe việt dã bánh lốp với 4 cầu chủ động của xe MAZ-543, đến vị trí tập kết, nhằm tiêu diệt và chế áp lực lượng chiến đấu mặt biển hay ven biển của địch;

Ngăn chặn hỏa lực tàu chiến đối phương nhắm vào lực lượng bảo vệ bờ biển của ta trong tác chiến chống đổ bộ.

Pháo có thể bắn trúng các tàu cao tốc đang di chuyển với tốc độ trên 180 km/h nhờ hệ thống radar trinh sát, máy định tầm laser, máy điều khiển phần tử bắn kỹ thuật số (đặt trên 1 xe chỉ huy).

Tốc độ bắn của một khẩu pháo đến 12 phát/phút. Tức là của cả tổ hợp (6 khẩu pháo) lên tới 72 phát/phút.

Hệ thống chỉ huy bắn trong điều kiện nhiễu cao có thể theo dõi tính toán 4 mục tiêu và xạ kích đồng thời 2 mục tiêu trong số đó. Tầm bắn tối đa 27 km. Bán kính chiến đấu hiệu quả 22 km.

Thời gian chuẩn bị xạ kích đối với mục tiêu cơ động trên biển là 1 - 2 phút. Xác xuất diệt mục tiêu là 0,8.

Thật là ấn tượng!

Tổ hợp có 1 - 2 xe phục vụ hậu cần, ăn, ngủ, sơ cứu y tế, phát điện cho tổ hợp đủ dùng trong 7 ngày với cơ số dầu dự trữ mang theo.

(Tiêu chí này đối với Việt nam không quan trọng lắm, vì bờ biển gần dân. Nếu quân đội cần thì vài anh xe “ôm” dân sự cũng sẽ giải quyết hàng tấn dầu nhanh chóng).

Và đây là lý do quan trọng nữa: Lấp kín “vùng chết” (cự ly từ 7 - 25 km) cho các tổ hợp tên lửa. Thí dụ, tầm hiệu quả của tên lửa P-15M tổ hợp 4K51 Rubezh từ 8 km trở lên, còn tầm hiệu quả của tên lửa P-35 tổ hợp 4K44 Redut từ 15 km trở lên.

Trở lại với tình hình trang bị vũ khí phòng thủ bờ biển của Việt nam.

Ta đã có những tổ hợp như của Nga (nói trên) trừ Bal-E và tổ hợp pháo tự hành A-222 Bereg. Ngoài K-300P Bation-P, hai loại còn lại Rubezh và Redut có công nghệ phần nào lạc hậu, quỹ đạo bay của tên lửa so với mặt biển ở giai đoạn cuối khá cao nên đễ bị đánh chặn.

Tuy nhiên, nếu Việt nam đang sản xuất loại tên lửa chống hạm nội địa KCT 15 thì hệ thống Bal-E, tầm bắn 130 km gần như chắc chắn sẽ được Việt nam mua về để hỗ trợ cho tổ hợp Bation-P.

Hơn nữa, sự xuất hiện của đạn pháo phản lực dẫn đường EXTRA và ACCULAR nhập khẩu từ Israel càng làm dày thêm lưới lửa cực kỳ hiệu quả khi tiêu diệt bến đổ bộ hay khu vực đã được trinh sát chuẩn bị sẵn phần tử bắn.

Điểm hạn chế của đạn pháo phản lực là không bắn chính xác được mục tiêu đang di chuyển.

Nhìn lại các liệt kê trên: Ngoài lực lượng tàu nổi, tàu ngầm, tiêm kích đa năng, trực thăng tiến công, để bảo vệ bờ biển, chúng ta thấy bức tranh phòng thủ như sau:

Mục tiêu xa bờ, cự ly dưới 300 km đã có Bation-P (sẽ mua thêm) “bắn và quên”. Bầy sói sẽ tự tìm đến mục tiêu đã chỉ định, là tàu lớn của địch để đánh chìm chúng.

Kết hợp với Redut, bắn xa tới hơn 500 km, tuy không chính xác bằng Bation-P nhưng cũng đủ làm rối loạn, tan rã đội hình tàu địch.

Gần hơn nữa, dưới 130 km, Tên lửa made in Việt nam KCT 15, hệ thống Bal-E (sẽ mua) và Rubezh đang chờ chúng.

Nếu địch tập kết, đổ bộ ở toạ độ đã được mai phục, EXTRA (cỡ đạn 300 mm, tầm bắn tới 150 km) và ACCULAR (cỡ đạn 160 mm, tầm bắn tới 45 km) sẽ không để kẻ địch chạy thoát, với độ chính xác đến 10 m.

Xuồng cao tốc, tàu cao tốc? Chiến thuật “biển tàu” ư? Tổ hợp pháo tự hành A-222 Bereg-E sẽ giải quyết việc này theo đúng sở trường của nó cùng với pháo phản lực có điều khiển và các loại vũ khí phương tiện hiện đại khác.

Tên lửa ví như “dao bầu”, giá nhiều ngàn cho tới nhiều triệu USD/quả (nếu quy ra thóc gạo thì nhiều tấn lắm).

Đám tàu, xuồng nhỏ, lính đổ bộ ví như “muỗi”. Dao bầu không dùng để giết muỗi, tốn kém và không xứng tầm. “Muỗi” để đấy cho pháo quét sạch. Đạn pháo, Việt nam có thể sản xuất, bắn thoải mái không lo chi phí cao.

Nếu lên được bờ, kẻ thù nên nhớ rằng: Có khi nào rút về nước mà không chịu thất bại nhục nhã?

Lục quân anh hùng, thiện chiến của Việt nam cùng với các binh chủng khác sẽ cho chúng: Có đi mà khó có ngày về. Nếu may mắn sống sót trở về, thì chỉ qua con đường: Trao trả tù binh.

Việt nam, hàng ngàn năm nay, tuy có thời kỳ bị xâm lược, đô hộ, chia cắt nhưng hiện nay vẫn là một nước Việt nam hoà bình, thống nhất, độc lập, tự chủ, hướng tới phồn thịnh, mạnh giàu trong tương lai.

Để bảo vệ vững chắc lãnh thổ trong đó có bờ biển thiêng liêng, ta cứ mua Tổ hợp pháo tự hành A-222 Bereg-E.

Tuy rằng có đắt một chút nhưng nó sẽ lấp kín “vùng chết”, điểm ta còn lo lắng, chỗ ta còn chưa mạnh, tiến tới tự chủ sản xuất được tên lửa, đạn dược, phương tiện, khí tài... làm chủ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại.

Phải giữ vững đất nước. Muốn làm được, đất nước phải mạnh, giàu. Muốn mạnh, phải mua sắm vũ khí phòng thủ để răn đe.

Tình hình biển Đông đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Sẵn sàng bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá, nếu không giải quyết được bằng con đường ngoại giao và hoà bình.

Vì vậy, Việt nam mua một vài Tổ hợp A-222 Bereg-E bổ sung cho các Lữ đoàn tên lửa bờ biển là thực sự cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại