Theo tài liệu không quân Mỹ được lưu trữ tại quốc hội nước này, vào năm 1915, nhà sáng chế Nikola Tesla (1856 - 1943), người Mỹ được sinh ra ở Croatia, đã đề ra khái niệm đầu tiên để nghiên cứu UAV. Lúc ấy, ông Tesla tin rằng đây sẽ là một phương tiện đem lại ưu thế trên chiến trường trong tương lai và việc nghiên cứu UAV được Mỹ âm thầm xúc tiến.
Đến năm 1919, nhà sáng chế Elmer Ambrose Sperry thử nghiệm thành công việc dùng thiết bị theo dạng máy bay không người lái đánh chìm một tàu chiến. Bước ngoặt tiếp theo diễn ra vào thập niên 1950 khi Lầu Năm Góc chính thức thử nghiệm UAV thứ thiệt để tiến hành các phi vụ do thám từ xa ở trần bay có thể lên đến 18 km.
Loại UAV này là Ryan Firebee, được phát triển dựa trên hợp đồng giữa Lầu Năm Góc với Công ty hàng không Ryan. Ryan Firebee có nhiều phiên bản khác nhau, trong đó phiên bản tiêu chuẩn có chiều dài khoảng 7 m, sải cánh 3,9 m, trần bay 18 km, tốc độ tối đa khoảng 1.100 km/giờ, đủ sức hoạt động liên tục trong 75 phút. Nó có thể được phóng đi từ máy bay mẹ, thường là loại phi cơ vận tải C-130. Dòng Ryan Lightning Bug là một biến thể của loại Ryan Firebee.
Theo tài liệu của không quân Mỹ, từ năm 1964, Ryan Lightning Bug được triển khai tại căn cứ không quân ở Biên Hòa (Việt Nam) và U-Tapao (Thái Lan) để tiến hành do thám miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Lúc bấy giờ, loại UAV này mang nhiệm vụ trinh sát dò tìm các địa điểm tập trung chiến đấu cơ, tên lửa đối không, chụp hình, quay phim và cả định vị mục tiêu để máy bay Mỹ tiến hành tấn công.
Suốt nửa thế kỷ qua, Lầu Năm Góc tiếp tục tăng cường phát triển các dòng UAV dùng để do thám, nghiên cứu và cả chiến đấu. Hiện tại, chỉ Mỹ và Israel chính thức chế tạo, triển khai UAV vũ trang có khả năng tấn công.
Lầu Năm Góc có 2 loại máy bay không người lái vũ trang danh tiếng là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Trong đó, MQ-1 Predator đạt tốc độ tối đa 217 km/giờ, tầm bay 1.100 km và trần bay 7,6km, có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, mang theo các loại tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire và AGM-175 Griffin, tên lửa đối không AIM-92 Stinger. Còn MQ-9 Reaper đạt tốc độ tối đa xấp xỉ 900 km/giờ, tầm hoạt động 1.850 km, trần bay 15 km, có thể hoạt động suốt 18 giờ, tích hợp 7 gá treo vũ khí để mang theo 14 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire hoặc 2 quả bom GBU-12 Paveway II.
Thế nhưng, cả MQ-1 Predator lẫn MQ-9 Reaper chưa đủ sức làm hài lòng Washington chiến lược phát triển UAV lâu dài. Lầu Năm Góc đang tích cực hoàn thiện loại UAV vũ trang X-47B có mức giá hơn 800 triệu USD, chuyên dụng cho tàu sân bay. Theo tài liệu của nhà sản xuất Northrop Grumman, X-47B có chiều dài 11,63 m, sải cánh 18,92 m có thể gập gọn còn 9,41 m, tầm bay gần 3.900 km, tốc độ tối đa xấp xỉ 1.100 km/giờ, trần bay 12 km và đủ sức mang theo 2 tấn vũ khí. Đầu tháng 7, hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công cho phép X-47B đáp xuống tàu sân bay.
Trong khi đó, tại Việt Nam vào đầu tháng 5/2013, nhóm nghiên cứu "Máy bay không người lái (UAV) phục vụ nghiên cứu khoa học" của Viện Công nghệ không gian đã bay thử thành công các mẫu UAV.
Cả 5 loại máy bay trên đều được thiết kế chế độ điều khiển bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp trong cả ban ngày và ban đêm cùng các trang bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác.
Loại UAV “made in Vietnam” lớn nhất có thể bay với bán kính 100 km, trần bay là 3 km, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ban ngày và ban đêm.
Bên cạnh đó đó theo dự kiến, tháng 8/2013 thế hệ máy bay không người lái (UAV) quân sự đầu tiên do Viettel phát triển sẽ có đợt bay thử nghiệm toàn diện tính năng. Nếu cuộc thủ nghiệm thành công sẽ góp phần phần phát triển tiềm lực quân sự ở Việt Nam.
Chiếc UAV hạng nhẹ VT-Patrol chuẩn bị bay thử nghiệm sắp tới được chế tạo từ composite, có sải cánh 3,3 m, trọng lượng cất cánh 26 kg, bay tự động với khả năng truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực. Thử nghiệm trước đó cho thấy VT-Patrol có khả năng bay với vận tốc 100 - 150 km/giờ, cự ly hoạt động 50 km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại với định dạng Full HD, có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng cách 600 m.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!