Chất mới - phục vụ tác chiến biển đảo
Được biết đây là loại pháo tự hành được các kỹ sư của Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Quân sự) nghiên cứu chế tạo thành công trên cơ sở nâng cấp, cải tiến pháo phòng không xe kéo ZU-23-2 nòng kép cỡ 23mm.
Khi đưa vào biên chế, loại pháo mới này sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn về chất, phục vụ tốt cho tác chiến trên hướng biển, đảo, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực tự động hóa.
Bản thân pháo ZU-23-2 dù chưa qua nâng cấp đã có nhiều ưu điểm như gọn, nhẹ có thể dùng cho cả nhiệm vụ phòng không, đánh mục tiêu trên mặt biển, trên bộ đặc biệt thích hợp với tác chiến biển đảo, những nơi khó có thể đưa các loại hỏa lực cỡ lớn.
Tuy nhiên, pháo chưa qua nâng cấp cũng có một số điểm hạn chế như kíp chiến đấu gồm tới 5 người, trong đó có 2 pháo thủ chính và 3 người phục vụ, khiến công tác đảm bảo tương đối khó khăn.
Bên cạnh đó, để diệt mục tiêu, do không được điều khiển bằng radar nên pháo thủ phải quay góc tà, phương vị bằng tay quay nên tọa độ mục tiêu chỉ mang tính tương đối chứ không thể chính xác tuyệt đối.
Đồng thời, pháo chỉ có thể đánh hiệu quả trong thời tiết tốt ban ngày, trong khi đánh đêm và đánh trong điều kiện thời tiết xấu còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, việc tiến hành nâng cấp sẽ vừa loại bỏ được các điểm hạn chế, vừa tận dụng và phát huy được tính ưu việt của loại hỏa lực đa năng này.
Tổng thể pháo ZU-23-2 sau cải tiến. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Những ưu điểm vượt trội sau nâng cấp
Thứ nhất, kế thừa trọn vẹn các đặc tính kỹ chiến thuật của dòng pháo phòng không ZU-23-2 cỡ nòng 23mm như gọn nhẹ, dễ cơ động, bắn nhanh, tạo màn hỏa lực lớn để diệt các mục tiêu cả trên không, trên bộ và trên mặt biển.
Thứ hai, tự động hóa hoàn toàn với hệ thống cơ điện và điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Hệ thống điều khiển hỏa lực mới tích hợp với máy đo xa lade và xử lý ảnh hồng ngoại, giúp cho pháo thủ quan sát, xác định cự ly mục tiêu, tính toán phần tử bắn và điều khiển pháo, kính ngắm theo phần tử bắn đã được xác định một cách tự động.
Đảm bảo nâng cao hiệu suất chiến đấu, tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu cả trên không và trên biển trong bất kể điều kiện ngày và đêm.
Bệ pan-tin gắn trực tiếp trên mâm pháo quay điều khiển bằng điện có vai trò như một kính ngắm tự động vừa có chức năng xác định cự ly đồng thời tự động thay đổi góc ngắm cả tầm và hướng bằng cách tạo góc lệch giữa trục quang điện tử với phương vị và góc tà của pháo.
Pháo và khí tài gắn với nhau thành 1 tổ hợp vũ khí thống nhất, vì vậy tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống đồng nhất, không tách rời với phần khí tài trung tâm và khí tài trên pháo.
Cần điều khiển kiểu joystick cho phép pháo thủ thao tác chỉnh tầm hướng và xạ kích cực kỳ dễ dàng như đang chơi game. Tất nhiên, giữa game và đời thực khác nhau hoàn toàn, nhưng nói thể để thấy những cải tiến đã mang lại những tiện ích thiết thực cho pháo thủ.
Cần điều khiển kiểu joystick cho phép pháo thủ thao tác chỉnh tầm hướng và xạ kích cực kỳ dễ dàng như đang chơi game. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Thứ ba, cơ động nhanh. Đây là yếu tố sống còn trong tác chiến phòng không và tác chiến biển đảo.
Khi đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã 3 cầu chủ động Zil-131 (6x6), các khẩu đội pháo phòng không này có khả năng cơ động nhanh, đủ sức vượt mọi địa hình, thay đổi vị trí trận địa trong thời gian ngắn, giúp chuyển hóa thế trận, phục kích đón lõng, tạo bất ngờ.
Bộ đôi pháo và xe này kết hợp lại sẽ tạo ra sức mạnh mới. Chỉ có điều, cho dù có độ tin cậy cao, nhưng nếu xe cơ sở Zil-131 chưa được diesel hóa mà vẫn dùng động cơ xăng thì chi phí vận hành khá cao, nhất là về nhiên liệu.
Bởi lẽ, khi chạy việt dã (off-road), cứ mỗi 100km, cỗ xe này sẽ "uống" khoảng 40 lít xăng trên đường bằng, còn khi chạy việt dã, tùy theo điều kiện đường sá tốt xấu khác nhau mà nó "ngốn" từ 50 tới 100 lít xăng.
Trong tương lai, khi đưa vào sản xuất và biên chế đại trà nếu có điều kiện, loại pháo này nên được lắp trên khung gầm các loại xe tải việt dã thế hệ mới 2 cầu chủ động (4x4) như Gaz-3308 Sadko hoặc Ural-43206, những dòng xe mới, tin cậy, vận hành tiết kiệm của Nga.
Thứ tư, giảm kíp chiến đấu từ 4-5 người xuống còn duy nhất 1 người mà vẫn đảm bảo vận hành mọi tính năng của pháo.
Ngoài ra, cơ cấu chân voi (chân chống thủy lực) vận hành hoàn toàn tự động, giúp triển khai nhanh, ổn định tốt, tiết kiệm công sức của kíp pháo thủ.
Theo Trung tá Trần Ngọc Bình - Phó Viện trưởng Viện Tự động hóa KTQS - Viện Khoa học Công nghệ Quân sự:
"Trước đây khi chưa nâng cấp, kíp pháo thủ có số người lớn, đưa ra tác chiến biển đảo rất khó khăn. Yêu cầu của cải tiến là giảm số người còn ít nhất, chúng tôi đã thay cho người tính toán, chỉ huy bắn cũng như là toàn bộ kíp chiến đấu bằng 1 pháo thủ duy nhất".