Vừa qua, biên đội 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có chuyến hải trình lịch sử khi thăm liền 3 nước Đông Nam Á: Indonesia, Brunei và Philippines.
Đây cũng là lần đầu tiên tàu chiến của Hải quân Việt Nam mang theo trực thăng trong chuyến hành trình dài ngày trên biển, cho nên đã đặt ra cho lực lượng Không quân Hải quân non trẻ nhiều thách thức khi vận hành cũng như bảo đảm kỹ thuật của máy bay trên tàu.
Trực thăng Ka-28 trên tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á. Nguồn ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.
Khác với khi ở mặt đất, trên tàu chiến, vị trí sàn đáp và khu vực chứa máy bay có diện tích chật hẹp, thiếu thốn các trang thiết bị chuyên dụng. Ngoài ra do hoạt động trong môi trường biển khí hậu khắc nghiệt nên rất dễ làm máy bay xuống cấp hoặc hư hỏng nếu không được bảo dưỡng thường xuyên.
Việc đầu tiên trong công tác bảo dưỡng trực thăng Ka-28 là rải lưới chống trượt trên sàn tàu (hay còn gọi là lưới mắt cáo), thao tác này nhằm tăng độ ma sát, hạn chế việc máy bay dịch chuyển trên sàn đáp.
Tiếp theo là hạ các thanh chắn để tăng tầm nhìn, tránh va đập (các thanh chắn màu trắng xung quanh sàn đáp trực thăng) và sử dụng thiết bị tời kéo máy bay ra vị trí bảo dưỡng.
Thiết bị tời này dịch chuyển trên đường ray bố trí lệch sang bên mạn trái của sàn đáp máy bay thay vì ở chính giữa (nguyên nhân là do bộ phận kéo trên Ka-28 được bố trí ở bên trái máy bay).
Khi máy bay đã ở vị trí bảo dưỡng, hệ thống xích sẽ giúp cố định máy bay vào sàn tàu và kíp bảo dưỡng tiếp nhận, kiểm tra tình trạng bên ngoài máy bay, thực hiện các bước thông điện, kiểm tra tín hiệu các mạch trước khi mở máy.
Xem video: Bảo dưỡng trực thăng săn ngầm Ka-28 (Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam)
Bảo dưỡng trực thăng săn ngầm Ka-28