Lý giải cho điều này, Giám đốc Viện Kinh tế học Quốc phòng Israel cho rằng, các sản phẩm nước này sản xuất đã chinh phục được tất cả những khách hàng khó tính nhất bằng chất lượng và giá thành.
Công nghệ hay kinh nghiệm thực chiến?
Trước câu hỏi: Tại sao vũ khí do Israel sản xuất lại được các nước khác tìm mua nhiều như vậy? Tướng Binyamin Ben-Eliezer, cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel trong giai đoạn từ năm 2001-2002 đã trả lời: “Trước tiên Israel là một trong những quốc gia sở hữu nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến hàng đầu thế giới. Thứ đến là vũ khí của chúng ta đã trải qua thử nghiệm thực tế trong những cuộc xung đột triền miên ở "lò lửa Trung Đông".
Cùng chung nhận định trên, Giám đốc Viện Kinh tế học Quốc phòng Israel Shir Heber cho rằng: "Sở trường của quân đội Israel suốt 4 thập niên qua không lâm vào chiến tranh thông thường như ở các nơi khác, bởi thực địa chiến trường là cuộc chiến không cân xứng với đối phương luôn thoắt ẩn thoắt hiện, không ra mặt đối đầu trực tiếp đòi hỏi phải có những loại vũ khí, khí tài phù hợp.
Các nhóm khủng bố quốc tế cũng theo đuổi dạng chiến tranh tương tự, chúng thường tập kích bất thần rồi nhanh chân đào thoát khỏi hiện trường hòng tránh sự trừng phạt. Vũ khí trong cuộc chiến không cân xứng cần phát huy tính năng truy lùng và tìm diệt, chứ không phải phản công ồ ạt trên mặt trận như trong chiến tranh tổng lực thông thường".
Khi trả lời câu hỏi của Y. Feldman – đạo diễn cuốn phim tài liệu "The Lab" (Phòng thí nghiệm) về những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của nền công nghiệp quốc phòng Israel, Giám đốc S. Heber cho biết là rất đa dạng: từ muôn vàn kiểu vũ khí dành cho bộ binh và thủy quân, đến máy quay camera, máy bay không người lái, còng tay đặc biệt... rồi kỹ thuật giám sát từ xa, xử lý dữ liệu sinh trắc học...
"Đơn cử như phi cơ không người lái hiệu Heron "Machatz-1" trị giá 10 triệu USD của Hãng IAI, công ty kỹ nghệ hàng không hàng đầu do đương kim Tổng thống Israel Simon Peres sáng lập đúng 6 thập niên trước, có khả năng hạ sát mục tiêu từ khoảng cách cực xa, là một trong những "át chủ bài" của ngành công nghiệp vũ khí Israel, luôn được khách hàng đặt mua với số lượng lớn, chủ yếu nhờ giá thành rẻ hơn rất nhiều lần so với sản phẩm cùng loại do Mỹ sản xuất - Giám đốc S. Heber cho biết - Nếu chỉ tính riêng doanh số bán ra của các loại máy bay không người lái dành cho mục đích quân sự, cũng là một trong những mặt hàng "bán chạy nhất" hiện nay, Israel chỉ chịu đứng sau Mỹ về mức danh thu hàng năm".
Theo thống kê của Viện Kinh tế học Quốc phòng Israel do Giám đốc S. Heber tiết lộ, thì trong cả năm 2012, các công ty xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu của Nhà nước Do Thái đã bán được lượng sản phẩm trị giá tới 7,4 tỉ USD, khiến Israel lần đầu tiên vượt Cộng hòa Pháp, trở thành nước xuất khẩu đứng hàng thứ 6 trên thế giới sau Mỹ, Anh, Liên bang Nga, Trung Quốc và CHLB Đức.
Trang bị trong Quân đội Việt Nam
Hiện nay trong lực lượng vũ trang Việt Nam cũng đang sử dụng nhiều phương tiện và vũ khí do Israel sản xuất. Trong đó, lực lượng sử dụng nhiều vũ khí Israel nhất là Binh chủng Hải quân đánh bộ thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, các chiến sĩ binh chủng tinh nhuệ này sử dụng một số loại súng do hãng Israel Military Industries (IMI) sản xuất.
Đầu tiên phải kể đến là súng trường TAR-21 thiết kế theo kiểu “bullpup” tức toàn bộ khối đạn, bệ khóa nòng nằm sau cò súng. Súng có tốc độ bắn từ 750-900 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 550 m. Súng trường tiến công TAR-21 được lắp kiểu kính ngắm quang học phản xạ ITL MARS hoặc kính ngắm điểm đỏ. Trong ảnh là chiến sĩ hải quân đánh bộ cầm trên tay khẩu CTAR-21 – biến thể nòng ngắn dùng cho lực lượng đặc biệt của TAR-21 (tầm bắn hiệu quả 300m, sơ tốc đầu nòng 890m/s).
Lực lượng Hải quân đánh bộ sử dụng súng trường bắn tỉa bán tự động IMI Galazt cũng do IMI sản xuất. Súng bắn tỉa Galazt có tầm bắn hiệu quả 300m với thước ngắm cơ khí và 500m với kính ngắm quang học. Súng có tốc độ bắn từ 850-1.150 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 300m với thước ngắm cơ khí hoặc 800m với kính ngắm quang học.
Lực lượng Hải quân đánh bộ còn được trang bị súng chống tăng MATADOR do hãng Rafael Israel sản xuất. Súng dùng đạn chống tăng cỡ 90mm, tầm bắn hiệu quả 500m, thích hợp chống mục tiêu xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép hạng nhẹ.
Hiện nay, Binh chủng Đặc công và các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Việt Nam cũng có sử dụng một số loại súng của Israel, mà điển hình là súng liên thanh UZI. Súng liên thanh UZI có tầm bắn hiệu quả 30m, tốc độ bắn 1.700 phát/phút, hộp tiếp đạn loại 20 viên.
Ngoài ra, trong trang bị lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, chống khủng bố Việt Nam hiện có sử dụng phương tiện bọc thép do hãng RAMTA Israel sản xuất, RAM-2000. Đây là loại phương tiện phục vụ cho các nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ hỏa lực, chỉ huy tiền tuyến, hỗ trợ hậu cần, chống bạo động… RAM-2000 có khả năng kháng mìn khá tốt, chống đạn xuyên giáp cỡ 7,62mm. Xe có thể trang bị một đại liên 12,7mm và súng máy 7,62mm yểm trợ hỏa lực khi cần.
Và gần đây nhất là việc Việt Nam quyết định thay thế súng AK-47 bằng loại súng Galil ACE do Israel sản xuất. Để có chỗ đứng trong trang bị của Quân đội Việt Nam, Galil ACE đã xuất sắc đánh bại 2 đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc – 2 nước cũng tham gia đấu thầu.