Dưới đây là phần trả lời của bạn Hào Shasha:
1. Su-30SM
Su-30SM là máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện đại của Nga, được nghiên cứu chế tạo bởi tổ hợp công nghiệp hàng không Irkursk - Tập đoàn Sukhoi.
Đây được coi là chiếc máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao nhất thế giới (ở chuẩn máy bay chiến đấu thế hệ 4, nếu không kể đến Su-35), là đỉnh cao của dòng Su-30 danh giá và không có đối thủ cùng loại xứng tầm.
Chiếc máy bay này được trang bị động cơ AL-31FP vector 2 chiều giống như F-22 Raptor của Mỹ,có tỉ lệ lực đẩy/khối lượng rất cao.
Chúng còn được trang bị các tổ hợp radar mảng pha thụ động N011M Bars có khả năng phát hiện cùng lúc 15 mục tiêu và đồng loạt tiêu diệt 4 mục tiêu ở khoảng cách 400 km (theo yêu cầu có thể lắp radar mảng pha tiên tiến như Ibris-E hay Zhuk-AE).
Su-30 SM được lắp cả các tổ hợp định vị mục tiêu hồng ngoại, mũ bay tiên tiến, màn hình hiển thị đa màu LCD và các tổ hợp đối kháng điện tử tối tân.
Đó là chưa kể đến khả năng mang 8,5 tấn vũ khí trên 12 mấu treo gồm các loại tên lửa đối không, đối đất, đối hạm, bom thông minh, rocket và bom thông thường hiện đại của Nga (khi cần thì là bom hạt nhân chiến thuật) cùng 1 pháo 30 mm.
Cùng với tổ hợp tên lửa phòng không S-350 Vityaz, Su-30SM là 1 trường hợp ''sinh con rồi mới sinh cha'' hiếm hoi của vũ khí Nga khi đây chính là phiên bản nội địa của Su-30MKI xuất khẩu cho Ấn Độ.
Hiện nay Su-30SM mới chỉ được sử dụng trong không quân Nga nhưng đang được rất nhiều nước quan tâm như Việt Nam, Algieria, Venezuela, Iran hay Syria.
Loại máy bay này sẽ vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp hàng không quân sự Nga trong 10 - 15 năm tới (trước khi bị Su-35 và PAK-FA lấn sân).
2. Su-35
Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện đại nhất của Nga và trên thế giới, được thiết kế và chế tạo bởi tổ hợp công nghiệp hàng không KNAPPO thuộc tập đoàn Sukhoi. Đây là máy bay chiến đấu có khả năng cơ động và tỉ lệ lực đẩy/động cơ cao nhất thế giới.
Chiếc máy bay chiến đấu này có khung làm bằng composite chắc chắn, lớp vỏ phủ kevlar giúp giảm bộc lộ tín hiệu radar và có thể trang bị hệ thống tàng hình plasma tiên tiến.
Được trang bị động cơ 117S AL-41 vector 3 chiều, Su-35 có khả năng cơ động được đánh giá là cao hơn cả các chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-22 và F-35 của Mỹ. Chúng được trang bị radar mảng pha Ibris-E hoặc Zhuk-AE vốn chỉ trang bị cho máy bay thế hệ 5.
Su-35 có khả năng mang tới 10 tấn vũ khí trên 14 mấu treo,gồm những vũ khí phóng từ trên không tối tân nhất của Nga cùng hệ thống đối kháng điện tử Khiniby có khả năng vô hiệu hóa cùng lúc cả 1 phi đội hoặc hàng chục tên lửa của đối phương.
Hiện Su-35 mới chỉ có mặt hạn chế trong không quân Nga song Ấn Độ,Trung Quốc,Iran và Việt Nam đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sát thủ bầu trời này.
Dự kiến Su-35 vẫn sẽ tung hoành thêm 30 năm nữa trước khi nhường chỗ cho các máy bay chiến đấu hiện đại hơn.
3. Lý do Su-30SM được ưu tiên trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam
- Về kinh tế: Su-30 SM có giá 55 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với 85 triệu USD của Su-35.
Trong bối cảnh hiện nay khi Lục quân cũng đã tiếp bước PK-KQ và Hải quân trong con đường tiến lên hiện đại với khoản chi không nhỏ cho vũ khí, khí tài thì từng triệu đô la cần phải được sử dụng 1 cách hợp lý nhất.
Điều này nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cho quân đội mà vẫn tiết kiệm tối đa ngân sách.
- Về kỹ thuật: hiện nay nhu cầu về máy bay tiêm kích 2 chỗ ngồi của Việt Nam vẫn còn rất lớn và chúng ta cũng đã có thời gian dài làm quen với dòng máy bay này.
Su-30SM do có 2 phi công điều khiển nên sẽ nhân đôi khả năng chiến đấu cho máy bay khi các tham số chiến đấu chủ yếu được thực hiện rất nhanh, giúp máy bay có ưu thế lớn về thời gian trong không chiến.
Su-30 cũng tỏ ra phù hợp với không phận và cách đánh của Việt Nam, bởi không phận Việt Nam có chiều sâu ngắn, diện tích nhỏ hơn nhiều so với Nga nên mua một máy bay có khả năng không chiến tầm cao tốt như Su-35 là không cần thiết.
Đồng thời bản thân dòng máy bay Su-30SM cũng phù hợp với lối chống tấn công đường không kiểu nửa đánh chặn và công kích đồng thời vốn đã rất thành công trên MiG-21 trong chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra, việc chỉ có 1 phi công trên mỗi máy bay đặt ra các thách thức sau đây:
Phi công sẽ phải thao tác và phản xạ nhanh hơn nhiều trong mỗi tình huống, làm tăng độ căng thẳng tâm lý, lâu dài sẽ giảm hiệu quả chiến đấu; máy bay phải có trang bị cực kì hiện đại và tối ưu để bù đắp vấn đề nêu trên; tăng chi phí và thời gian huấn luyện.
Do sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga không còn duy trì được khả năng đào tạo những phi công tiêm kích chuyên nhiệm đỉnh cao cho Su-27 như trước nên buộc phải thiết kế ra Su-30.
Tất nhiên, nếu Việt Nam chọn dòng tiêm kích chuyên nhiệm như Su-27 SM2 thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Ngoài ra,khả năng phối hợp giữa Su-30MK2 với Su-30SM là tốt hơn nhiều so với Su-35.
Chưa kể đến chuyện các hệ thống radar AESA, đối kháng điện tử và vũ khí trên Su-35 thì cũng có thể lắp trên Su-30SM, đặc biệt là các loại vũ khí tối tân mà VN đang rất cần như tên lửa R-77, tên lửa diệt hạm Klub-A, tên lửa đối đất tầm xa Kh-59...
- Về hiệu quả thực chiến: Su-30SM đã chứng tỏ khả năng tuyệt vời của mình trong suốt 5 tháng không kích IS của Nga ở Syria.
Loại máy bay này không chỉ tấn công trên không tốt mà khả năng đánh đất và trinh sát, theo dõi mục tiêu (đáng kinh ngạc nhất là khả năng bám sát máy bay không người lái tốc độ chậm trong nhiều giờ) cũng cực kỳ đỉnh cao.
Trong khi đó, Su-35 mới chỉ được đưa đến Syria cách đây một tháng và chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ răn đe trên không nên chúng ta chưa thể đánh giá một cách tổng quan về loại máy bay này.
Mà tiêu chí của Việt Nam là lựa chọn những loại vũ khí đã chứng minh được uy lực và hiệu quả trên chiến trường nên việc chọn Su-30SM là hợp lý.
- Cuối cùng là chiến lược đi tắt đón đầu trong mua sắm vũ khí của Việt Nam. Chúng ta là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mua tiêm kích thế hệ 4 và là nước đầu tiên trong khu vực sở hữu tên lửa phòng không tầm xa.
Liệu Việt Nam có nên bỏ qua Su-35 để hướng tới mua chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 sáng giá nhất trên thế giới - PAK-FA T50 không?
Rất có thể bởi chúng ta trước đây chuyển thế hệ chiến đấu cơ rất nhanh và nếu mất 10 năm chờ đợi để có trong tay tiêm kích tốt nhất khu vực thì cũng đáng chờ.
Vì những lý do trên nên theo tôi, Su-30SM là ứng cử viên sáng giá nhất để xây dựng thế trận phòng không nhân dân hiện đại, đưa trình độ tác chiến của quân đội ta lên tầm cao mới, tiếp bước truyền thống Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là ở những người lãnh đạo.