Xe tăng là lá chắn che chở bộ binh cũng như là khí tài quan trọng để triệt tiêu lực lượng tương tự phía kẻ địch. Trong bất cứ môi trường chiến đấu nào việc đầu tư cho lực lượng xe tăng cũng mang đến lợi ích nhất định, nhất là về vấn đề bảo vệ, chuyên chở lính.
“Bò mộng” chiến trường
Sau nửa thế kỷ hoạt động trong quân đội ta, cho tới hôm nay T-54 tiếp tục đóng vai trò “xương sống” lực lượng tăng – thiết giáp Việt Nam. Theo ước tính, được công bố chính thức quân đội ta đang sở hữu khoảng 850 chiếc T-54/55, 220 chiếc T-62, 350 chiếc Type-59, 100 chiếc T-34 (chủ yếu dùng trong huấn luyện). Tuy nhiên, ta cũng đã hợp tác với Israel để nâng cấp một số lượng lớn phiên bản cũ lên biến thể, cùng với bọc giáp phản ứng nổ mà quân đội đã có thể tự sản xuất.
Thực chất, thế kỷ 21 bắt đầu với những xu hướng phát triển mạnh các dòng xe tăng thế hệ 4, được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như công nghệ kỹ thuật số, công nghệ quang điện tử, giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng thủ tích cực. Do đó, nếu theo con đường hiện đại hóa, tăng Việt Nam gần như phải làm lại từ đầu. Trong khi một chiếc xe tăng tốt nhất hiện nay trên thị trường là Merkava IV có giá 5 triệu USD. Điều đó, đồng nghĩa với việc sẽ tốn một chi phí khổng lồ nếu muốn hiện đại hóa xe tăng cho quân đội.
Ngoài ngân sách quốc phòng còn hạn chế, việc đầu tư mua sắm một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực mới chỉ để nằm trong kho là một sự đầu tư lãng phí và thiếu hợp lý. Nếu mua thêm xe tăng mới sẽ kéo theo phải mua sắm thêm các trang thiết bị hậu cần, bảo trì sữa chữa, kho bãi mới. Trong khi đó, đường lối quốc phòng của Việt Nam lấy phòng ngự, du kích làm đầu nên việc “thay máu” lực lượng tăng thiết giáp chưa phải là vấn đề quá cấp bách.
Không phù hợp với chiến tranh hiện đại
Những cuộc chiến tranh trên thế giới hiện tại và tương lai đã có nhiều thay đổi trong chiến thuật. Không quân và hải quân là hai lực lượng chủ lực trong các chiến dịch tấn công hay phòng thủ. Chiến tranh Libya năm 2011 đã cho thấy sự thay đổi này, khi liên quân Mỹ - NATO chỉ sử dụng không quân và hải quân để đánh bại quân đội chính phủ Libya mà không cần sử dụng đến lực lượng mặt đất.
Việc đưa lực lượng mặt đất vào đánh chiếm, bình định các khu vực thường chỉ gây ra tổn thất nặng. Sự sa lầy của Mỹ tại Iraq, Afghanistan đã phần nào cho thấy sự suy giảm năng lực đáng kể của lực lượng xe tăng khi hàng trăm chiếc bị tiêu diệt bởi những nhóm nhỏ binh lính dùng chiến thuật du kích.
Những cuộc chiến tranh trên bộ với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn xe tăng như chiến tranh thế giới thứ hai đã là dĩ vãng. Các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc,… đều dành sự ưu tiên ngân sách cho lực lượng không quân, hải quân. Chứ ít nước nào có tiềm lực quân sự lại đầu tư cho những chú “bò mộng” đắt tiền này nhiều như trước.
Tỷ đô mỏng manh như giấy
Với sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí chống tăng mới làm cho xe tăng chiến đấu chủ lực ngày càng “mỏng manh” trên chiến trường. Việc tăng độ giày của giáp, trang bị lớp bảo vệ phản ứng nổ,… trở nên vô nghĩa khi mà khả năng xuyên phá của các vũ khí chống tăng trở nên khủng khiếp đến mức có thể nung chảy cả lớp giáp dày nhất trong thời điểm hiện tại.
Một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-55 lạc hậu và một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân Merkava MK IV khi đối diện với các loại vũ khí chống tăng cá nhân thì cũng tan tành như nhau.
Clip quân nổi dậy Syria bắn tung hầm đạn xe tăng T-72 bằng súng phóng lựu RPG-29 Vampir:
Hình ảnh xe tăng T-72 của Nga bị đập tơi tả trong chiến tranh Iraq, xe tăng Merkava MK4 của Israel, M1A2 của Mỹ, Challenger-II của Anh liên tiếp bị RPG-29 thiêu rụi cho thấy những “bò mộng” của chiến trường cũng trở thành mục tiêu di động quá dễ dàng và trong phút chốc cả tỷ đô dành cho chúng sẽ mau chóng tan thành bọt nước lúc giao tranh.
Đó là chưa kể đến khả năng săn tăng cực kì hiệu quả của các máy bay chiến đấu hiện đại. Có thể dễ dàng biến hàng loạt xe tăng thành đống sắt vụn chỉ trong phút chốc. Khả năng tác chiến của xe tăng cũng rất hạn chế, nếu ở địa hình rộng rãi thì xe tăng sẽ dễ dàng làm chủ chiến trường. Nhưng nếu tác chiến ở đô thị, xe tăng dễ dàng làm mồi ngon cho các vũ khí chống tăng hiện đại như: RPG-29, AT-3, AT-4, AT-5, RPG-7, Lahat,…
Thực tế đã chứng minh năm 2006 Israel mở cuộc chiến chống Hezbollah. Khi cuộc chiến kết thúc một thông số đặc biêt được chú ý là có 52 đơn vị tăng thiết giáp bị bắn hỏng, trong đó có 46 xe tăng, 14 xe thiết giáp, 5 chiếc xe tăng hoàn toàn không thể sửa chữa được nữa, trong đó có 2 chiếc bị trúng mìn, 3 chiếc bị bắn cháy bởi súng chống tăng các loại. Các cuộc chiến gần đây cũng cho thấy sự yếu thế và ngày một suy tàn của những chú “bò mộng” mà ngày xưa từng được ví là “vua của chiến trường”.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!