Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đưa vào trang bị dòng máy bay tiêm kích hạng nặng Su-27 Flanker do Liên Xô/Nga sản xuất.
Cụ thể, trong năm 1995, Việt Nam đã tiếp nhận 5 chiến đấu cơ một chỗ ngồi Su-27SK, kèm theo 1 chiếc Su-27UBK hai chỗ ngồi phục vụ huấn luyện. Đây là phiên bản tiêm kích phòng không có tên định danh NATO là Flanker B.
Đến giai đoạn 1997 - 1998, Việt Nam lại mua tiếp 2 chiếc Su-27SK và 4 chiếc Su-27UBK nữa. Nhưng vì 2 chiếc Su-27UBK không giao hàng được do máy bay vận chuyển gặp phải tai nạn, nên đối tác đã đền bằng 2 chiếc Su-27PU (Su-30 đời đầu).
Tính đến thời điểm hiện tại, số máy bay tiêm kích Su-27 được Việt Nam mua từ Nga đã trải qua trên dưới 20 năm sử dụng.
Tiêm kích Su-27SK số hiệu 6001 - Chiếc Flanker đầu tiên của Không quân Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân
Một điều cần chú ý đó là dòng tiêm kích Su-27 sản xuất từ thời Liên Xô có thời gian khai thác thấp hơn Su-30/34/35 rất nhiều.
Theo giới thiệu từ trang web chính thức của Tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi, tuổi thọ khung thân của Su-27 chỉ là 2.000 giờ bay, tương đương với 20 năm phục vụ. Như vậy nếu không có gì đột biến, toàn bộ số Su-27 của Việt Nam đã sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên trong tình cảnh hiện tại, khi chúng ta vừa loại biên MiG-21 và số lượng Su-30MK2 vẫn chưa nhiều thì sẽ là vô cùng lãng phí nếu cho Su-27 ngừng bay, nhất là khi chiếc chiến đấu cơ này có tiềm năng hiện đại hóa rất lớn.
Trong Không quân Nga, Su-27S đã dần được nâng cấp lên các tiêu chuẩn cao hơn mà nổi bật là Su-27SM3 với radar N001VE-Pero và động cơ AL-31FM1, cho năng lực không chiến tiệm cận với Su-35 và thời gian phục vụ kéo dài thêm 10 -15 năm nữa.
Do vậy, phương án tối ưu là Việt Nam nên tiến hành nâng cấp giữa vòng đời với phi đội Su-27 của mình.
Su-27SK số hiệu 6004 với màu sơn mới. Ảnh: Quân đội nhân dân
Trong chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ" phát sóng trên VTV3 tối thứ bảy ngày 25/5/2013 đã có hình ảnh của chiếc Su-27SK số hiệu 6004 với màu sơn rằn ri mới, đậm hơn rất nhiều so với trước kia.
Sơn lại toàn bộ máy bay không phải là chế độ định kỳ do tính chất phức tạp của công việc, nó thường chỉ được tiến hành khi phục hồi sau tai nạn hoặc sau khi trải qua quá trình sửa chữa lớn.
Rất có thể chiếc Su-27SK trên đã được tiến hành sửa chữa, nâng cấp và đang trong quá trình đánh giá kết quả trước khi áp dụng với những chiếc còn lại.
Nếu quá trình hiện đại hóa cho kết quả tốt, Không quân Việt Nam cần nhanh chóng triển khai chương trình trên quy mô lớn để đảm bảo duy trì số lượng cũng như tăng cường chất lượng phi đội tiêm kích hạng nặng của mình.
Trực thăng Ka-28 của Không quân Hải quân Việt Nam đang bay thử ở Sevastopol. Ảnh: sevastopol.su
Được biết trước đó vào năm 2013 và 2014, Không quân Hải quân Việt Nam cũng đã đưa vài chiếc trực thăng săn ngầm Ka-28 tới Xí nghiệp hàng không Sevastopol (của quân đội Nga, tại Crimea) để tiến hành đại tu kéo dài thời hạn phục vụ cũng như nâng cấp trang thiết bị.
Sau khi trở về Việt Nam, Ka-28 đã phối hợp hoạt động tốt với tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và tỏ ra tin cậy hơn trong những chuyến tuần tra độc lập. Việc sửa chữa, tăng hạn tỏ ra có hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với mua mới.
Thành công của chương trình hiện đại hóa Ka-28 chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới trường hợp Su-27, nói chung đây là một dự án nên tiến hành, thậm chí cần phải làm ngay.