Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam đã gây ra sự phẫn nộ của người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia có chủ quyền đã cho thấy bước đi nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc hòng thực hiện đường “Chín đoạn” nhằm nuốt trọn biển Đông. Phía Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu cá có vũ trang cùng các máy bay tạo thành một vòng tròn bảo vệ bao quanh giàn khoan Hải Dương 981.
Không chỉ ngang ngược xâm phạm chủ quyền, phía Trung Quốc còn hung hăng tấn công các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam bằng vòi rồng, sử dụng các tàu có lượng giãn nước lớn chủ động đâm húc gây hư hỏng cho tàu Việt Nam và làm một số thủy thủ bị thương.
Hành động trên của Trung Quốc đã cho thấy một bước leo thang nguy hiểm trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên biển Đông. Nó báo hiệu rằng những hành động tương tự của Trung Quốc sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Công cụ hiệu quả để chống lại yêu sách phi lý của Trung Quốc
Nhân sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta lại càng thấy được vai trò vô cùng quan trọng của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư trong việc chống lại âm mưu bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Tàu tuần tra TT-400 của Cảnh sát biển Việt Nam do ngành công nghiệp đóng tàu trong nước sản xuất.
Nhìn lại quá trình bành trướng lãnh thổ phi lý của Trung Quốc cho thấy họ luôn sử dụng lực lượng Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính (nay đã hợp nhất vào Hải cảnh) làm công cụ trực tiếp để thực hiện yêu sách trên biển Đông.
Trung Quốc đã sử dụng lực lượng này như một cái bẫy, chỉ cần một hành động thiếu kiềm chế là có thể rơi ngay vào cái bẫy mà họ đã giăng sẵn. Để đối phó lại chiêu bài thâm hiểm của Trung Quốc chúng ta cần đầu tư mạnh cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư.
Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập vào năm 1998. Lực lượng này được trang bị phần lớn là các tàu tuần tra có lượng giãn nước dưới 500 tấn. Tuy nhiên gần đây Việt Nam đã hợp tác cùng với tập đoàn Damen của Hà Lan để tiến hành chuyển giao công nghệ đóng các tàu tuần tra cỡ lớn cho Cảnh sát biển ở ngay trong nước.
Việt Nam đã có thể chủ động công nghệ để đóng các loại tàu tuần tra ngoài khơi có lượng giãn nước đến 1.200 tấn. Đặc biệt, Tổng công ty Sông Thu đã đóng mới thành công tàu tuần tra ngoài khơi DN-2000 có lượng giãn nước 2.500 tấn.
Tàu Cảnh sát biển số hiệu 8001 được đưa vào biên chế từ năm 2013, đây chính là tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam. Mặc dù là tàu tuần tra lớn nhất nhưng so với các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thì kích cỡ của 8001 vẫn còn khá khiêm tốn.
Hải cảnh Trung Quốc gồm nhiều tàu có lượng giãn nước lên đến gần 4.000 tấn đơn cử như tàu Hải cảnh-110, 137 lượng giãn nước 3.000 tấn, Hải cảnh-50 lượng giãn nước 3.336 tấn, Hải cảnh-83 lượng giãn nước 3.980 tấn... Các tàu còn lại phần lớn có lượng giãn nước trên 1.000 tấn.
Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thường dựa vào lợi thế tàu của họ có lượng giãn nước lớn hơn để chèn ép các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam. Việc một số tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu của Trung Quốc đâm hỏng mạn tàu đã cho thấy rõ ưu thế đó của họ.
Một lợi thế khác của tàu Hải cảnh Trung Quốc là có thể hoạt động xa bờ dài ngày trong điều kiện biển động mà các tàu tuần tra có lượng giãn nước nhỏ của Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi. Do đó trong việc đối phó với chiến lược sử dụng lực lượng Hải cảnh để đòi hỏi các yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam cần chú trọng đầu tư mạnh hơn nữa cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư.
So với Cảnh sát biển thì lực lượng Kiểm ngư được thành lập khá muộn. Ngày 25/01/2013, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới được thành lập theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/11/2012.
Sự ra đời của Kiểm ngư đã tạo thêm một lực lượng hữu ích phối hợp cùng Cảnh sát biển để tiến hành hoạt động chấp pháp trên các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Sắp tới Kiểm ngư Việt Nam sẽ được trang bị 2 tàu tuần tra cỡ lớn, một biến thể của tàu DN-2000 trang bị cho Cảnh sát biển.
Mặc dù Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đã được trang bị một số tàu tuần tra hiện đại có lượng giãn nước lớn nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới Việt Nam nên chú trọng đầu tư mạnh hơn nữa cho hai lực lượng này bằng các tàu tuần tra cỡ lớn như DN-2000 vì đây là loại tàu tuần tra được trang bị hiện đại, được thiết kế với khả năng chịu va chạm tốt nên rất hữu ích trong các tình huống cần thực thi các hoạt động chấp pháp, bảo vệ chủ quyền trên biển. Tốc độ cao, thời gian bám biển dài, có thể hoạt động tốt trong điều kiện biển động cấp 9, DN-2000 sẽ là công cụ hiệu quả để đối phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Bên cạnh việc đầu tư các loại vũ khí hiện đại cho Không quân và Hải quân để xây dựng thế trận phòng ngự hiệu quả, việc đầu tư mạnh cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư sẽ là công cụ trực tiếp để đối phó với yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Tăng số lượng các tàu tuần tra cỡ lớn như DN-2000 sẽ cho phép Việt Nam tạo được sự cân bằng đáng kể khi phải dùng sức mạnh trước các tàu Hải cảnh hung hăng của Trung Quốc.
Tàu cảnh sát biển 4033
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA