Vì sao ứng viên thay thế MiG-21 bị khai tử?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Không quân Nga đã từ chối hợp đồng mua MiG-35 cho đến năm 2016, điều đó đồng nghĩa với cơ hội được tiếp tục tung cánh của tiêm kích này gần như bằng 0.

Bộ Quốc Phòng Nga đã tiếp tục nói không với MiG-35 vốn được xem là ứng viên thay thế MiG-21. Báo Kommersant dẫn lời nguồn tin Không quân Nga cho biết cơ quan này gần như không còn sự quan tâm đối với tiêm kích MiG-35.

Thậm chí thứ trưởng BQP Nga Yuri Borisov còn cho rằng, nếu có hợp đồng mua tiêm kích MiG-35 thì đó là một sự miễn cưỡng của cơ quan này cũng như ngành công nghiệp hàng không Nga. Trước đó BQP Nga dự định sẽ ký hợp đồng mua 37 tiêm kích MiG-35 trị giá 37 tỷ Rúp trong tháng 06/2013.


	Không quân Nga đã từ chối hợp đồng mua MiG-35 cho đến năm 2016

Không quân Nga đã từ chối hợp đồng mua MiG-35 cho đến năm 2016

Nếu hợp đồng được ký kết sẽ đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của dự án được đánh giá là ứng viên thay thế MiG-21 cũng như đảm bảo công ăn việc làm nhà tập đoàn Mikoyan trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua từ thời điểm cam kết, hợp đồng vẫn chưa được ký và đến bây giờ BQP Nga lại tiếp tục trì hoãn việc ký hợp đồng thêm 3 năm nữa.

Lý do nào khiến MiG-35 bị thất sủng?

Việc BQP Nga năm lần bảy lượt tìm cách kéo dài thời gian ký hợp đồng cho thấy cơ quan này dường như không quan tâm đến MiG-35. Cho dù có một thực tế rõ ràng là nếu không có hợp đồng mới thì chương trình MiG-35 gần như sẽ phải đóng cửa nhưng BQP Nga vẫn bỏ mặc sự sống chết của dự án phát triển tiêm kích đầy tham vọng này của Mikoyan.

Nếu xét ở khía cạnh kỹ thuật, MiG-35 là một trong những tiêm kích thế hệ 4++ hàng đầu thế giới hiện nay. MiG-35 được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA Zhuk-AE, động cơ kiểm soát vector lực đẩy, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại tiên tiến.

Tuy nhiên, với bất kỳ chương trình phát triển vũ khí nào thì đặc tính kỹ thuật hiện đại mới chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ để đi đến thành công. Trước hết, nó cần nhận được sự quan tâm của quân đội nước sở tại. Nếu không nhận được sự quan tâm của quân đội nước sở tại thì vũ khí đó khó lòng thành công trên thị trường xuất khẩu.

Bị quân đội tẩy chay, MiG-35 đành phải chấp nhận số phận “con ghẻ” khi so với các sản phẩm khác của Sukhoi.
Bị quân đội tẩy chay, MiG-35 đành phải chấp nhận số phận “con ghẻ” khi so với các sản phẩm khác của Sukhoi.

Vấn đề quan trọng thứ 2 là các hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho quân đội cũng như các đối tác nước ngoài. Đối với MiG-35, nó không đạt được bất kỳ yếu tố nào trong 2 yếu tố quan trọng nói trên. Từ khi Mikoyan khởi xướng chương trình MiG-35, BQP Nga chưa bao giờ quan tâm một cách nghiêm túc đến chương trình này.

Ở khía cạnh PR cho sản phẩm mới thì Mikoyan hoàn toàn bị Sukhoi “át vía”. Từ khi Liên Xô tan rã đến nay, vị thế của Mikoyan đã hoàn toàn thay đổi. Từ chỗ là phòng thiết kế chế tạo máy bay hàng đầu của Liên Xô Mikoyan bị đẩy xuống hạng 2 so với Sukhoi.

Bên cạnh đó, quá trình sử dụng MiG-29 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không chỉ Không quân Nga mà còn nhiều nước khác trên thế giới phải “đánh vật” với những chiếc MiG-29. Trong khi đó, MiG-35 lại được phát triển từ MiG-29M1, điều đó đã góp phần tạo thêm “tiếng xấu” cho MiG-35.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là MiG-35 không có gì mới, mặc dù  nó được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến nhưng vẫn là tiêm kích thế hệ 4++. Những đặc tính kỹ chiến thuật của MiG-35 thì đã có thừa trên Su-35.

Thông số kỹ thuật của MiG-35 rất hiện đại nhưng nếu so với với Su-35 hay các tiêm kích khác như Rafale hay EF-2000 Typhoon thì không có gì quá nổi bật.
Thông số kỹ thuật của MiG-35 rất hiện đại nhưng nếu so với với Su-35 hay các tiêm kích khác như Rafale hay EF-2000 Typhoon thì không có gì quá nổi bật.

Sự quan tâm của quân đội Nga cùng các hoạt động PR rầm rộ đã khiến vị thế của Su-35 ở một đẳng cấp khác so với MiG-35. Trong khi đó, cái mà quân đội Nga đang cần là một tiêm kích thế hệ 5 có thể đấu lại F-22 và F-35 của Mỹ.

Quân đội Nga khó lòng có thể chi một đống tiền để mua một tiêm kích mà tính năng tác chiến của nó không quá nổi bật so với những tiêm kích khác trên thế giới. Với tình hình trước mắt thì Su-35, Su-30SM và Su-34 là quá đủ để đối phó với các thách thức trong khi chờ tiêm kích thế hệ 5 T-50 đi vào biên chế.

Mặt khác, Sukhoi đang là nhà phát triển chính cho chương trình tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 nên chắc chắn họ phải được ưu tiên hơn so với Mikoyan. Mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu MiG-35 là một tiêm kích thế hệ 5 nhưng đáng tiếc nó vẫn chỉ là một tiêm kích thế hệ 4++.

Từ chối MiG-35 quân đội Nga đã ký hợp đồng mua 16 chiếc MiG-29SMT nhưng đây chỉ là một hợp đồng nhằm “vỗ về” Mikoyan chứ không phải là một chương trình mua sắm quan trọng với quân đội. Số phận của ứng viên thay thế MiG-21 đang đứng trước nguy cơ bị khai tử.

Tuy đáng buồn cho số phận của MiG-35 từng được kỳ vọng sẽ hồi sinh vị thế của Mikoyan nhưng rõ ràng việc không thể theo kịp xu thế của thời đại thì bị loại khỏi cuộc chơi là điều đương nhiên.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại