Tờ vz.ru (Nga) đăng tải bài viết nhận định để bảo vệ các lợi ích của mình, hiện Nga đang từng bước triển khai hải quân ra toàn cầu, từ châu Mỹ cho tới châu Phi và châu Á. Đây là những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng điểm tựa trên toàn cầu, giúp Nga lấy lại sức ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Theo thông báo gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Nga dự định mở rộng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài, các nước Nga đang đàm phán bao gồm Cuba, Nicaragua, Seychelles, Singapore, Venezuela, Việt Nam.
Cuba
Vào những năm 90, Nga dần rút lui sự hiện diện quân sự tại Cuba. Tới đầu những năm 2000, trung tâm trinh sát tại Lourdes cũng bị đóng cửa. Nhưng gần đây, tại Cuba lại bắt đầu xuất hiện tàu chiến và máy bay của Nga.
Tại cảng Havana, Nga bố trí một tàu trinh sát mang tên Victor Leonov, hoạt động như một trung tâm trinh sát di động. Có khả năng, Nga sẽ triển khai một trung tâm hậu cần-kỹ thuật hải quân tại Cuba. Sự xuất hiện của Nga tại đây được Cuba đánh giá là có lợi, vừa chống lại các mối đe dọa từ Mỹ, vừa giúp Cuba tái trang bị khi ngân sách hạn hẹp.
Seychelles
Hải quân Liên Xô cũng từng được đón chào tại Seychelles. Từ năm 1984-1990, hải quân và không quân Liên xô đã sử dụng các cảng và sân bay ngay tại thủ đô Victoria của quốc đảo nhỏ này. Sự có mặt của hải quân Liên xô thời gian đầu liên quan tới việc sơ tán sứ quán và hỗ trợ dân thường tại Seychelles do cuộc đảo chính năm 1981. Tới năm 1984, khi đạt được thỏa thuận mở rộng sử dụng các cảng cũng như sân bay tại đây, Liên Xô đã mở rộng và xây dựng lại chúng. Hiện Seychelles không bị đe dọa nhưng lại rất cần tiền nên việc đàm phán để duy trì sự hiện diện quân sự của Nga tại đây chỉ còn là vấn đề tiền bạc. Một trung tâm hậu cần-kỹ thuật hải quân tại đây sẽ đảm bảo đáng tin cậy cho hạm đội Nga khi hoạt động trên Ấn Độ Dương.
Nicaragua và Venezuela
Sự hiện diện quân sự của quân đội nước ngoài tại Nicaragua và Venezuela được phe đối lập trong 2 nước này cho là vi hiến. Tuy nhiên, thực tế các chiến hạm và máy bay ném bom chiến lược của Nga đã có mặt và được chào đón nồng nhiệt tại hai nước này.
Nicaragua đang triển khai một dự án kênh đào khổng lồ trị giá 40 tỷ USD, cạnh tranh với kênh đào Panama. Sự kiện này đã chọc giận Mỹ, vì Mỹ đã sử dụng “bàn tay sắt” để kiểm soát kênh đào Panama hơn 100 năm qua. Dự án này được thực hiện bằng tiền của công ty Trung Quốc mà sau lưng là chính quyền Bắc Kinh nhưng dự kiến các công ty Nga cũng sẽ tham gia. Cùng với đó, quân đội Nicaragua không đủ tiền để mua máy bay hiện đại, hệ thống tên lửa phòng không và các khí tài khác.
Vì vậy, mặc cho những sự phản đối của phe đối lập và các rào cản pháp lý, rõ ràng Nicaragua vẫn muốn sự hiện diện quân sự của Nga. Hơn nữa, hiện Nga chưa cần thiết xây dựng căn cứ không quân thường trực và trung tâm hậu cần – kỹ thuật hải quân tại đây do Nga không có những lợi ích tối quan trọng tại khu vực này. Thay vào đó, có thể Nga sẽ đạt được thỏa thuận đơn giản hóa việc ghé thăm của các tàu chiến cũng như về sự hiện diện không quân trong thời gian ngắn tại đây.
Còn với Venezuela, vấn đề không chỉ do vi hiến mà còn do phe đối lập khá mạnh và không muốn thế lực của Tổng thống Maduro được tăng cường. Lên nắm quyền sau khi Cựu Tổng thống Hugo Chavez qua đời, Maduro nỗ lực duy trì và củng cố quan hệ với Nga, Trung Quốc (những nhà cung cấp vũ khí), đồng thời cũng làm dịu trong quan hệ với Mỹ (nước tiêu thụ dầu mỏ chủ yếu của mình). Tuy nhiên, Muduro cũng hiểu xe tăng, xe bọc thép mới và các máy bay tiêm kích hiện đại SU-30MK2V, thậm chí cả tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM cũng không thể cứu được Venezuela trước các đòn tấn công của Mỹ. Do đó, Maduro cũng muốn có sự hiện diện của quân đội Nga tại nước mình. Điều này không có nghĩa là Nga sẽ được đóng quân thường trực tại đây. Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thì các cuộc đàm phán đang đi gần tới việc ký kết các văn kiện.
Việt Nam
Thông tin về việc Nga đàm phán với Việt Nam để quay trở lại vịnh Cam Ranh đã xuất hiện được một thời gian. Vịnh Cam Ranh luôn được Nga và nhiều quốc gia đánh giá cao nhờ nắm giữ vị trí chiến lược, thuận lợi cho tấn công và phòng thủ. Bến cảng tại đây cũng được che chắn trước sóng, gió và những con mắt hiếu kỳ.
Năm 1979, Việt Nam đã cho Liên Xô thuê vịnh Cam Ranh và các cơ sở hạ tầng tại đây trong vòng 25 năm. Quân đội Liên Xô đã xây dựng lại và mở rộng căn cứ và nó trở thành một quân cảng hùng hậu với các cơ sở sửa chữa, đặc biệt có thể tiếp nhận vài chục tàu vào cùng một lúc, trong đó có cả tàu sân bay. Vào những năm 1990, khi gặp khó khăn về tài chính, hoạt động của Hải quân Nga cũng giảm dần.
Năm 2002, phía Nga đã thống nhất với Việt Nam về việc bàn giao căn cứ Cam Ranh trước thời hạn 2 năm.
Hiện nay, quan hệ hợp tác Nga-Việt ngày càng được củng cố phát triển. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho Nga trở lại vịnh Cam Ranh, nhất là khi các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương thường xuyên ghé qua vịnh Cam Ranh trên đường thực hiện nhiệm vụ trên Ấn Độ Dương hoặc chống hải tặc ở Somali.
Trong tương lai, một điểm hậu cần (E&P) của Hải quân Nga có thể sẽ được thành lập tại Cam Ranh,tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, bảo dưỡng và sửa chữa cho chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.
Singapore
Có lẽ bất ngờ nhất là thông tin Nga muốn mở rộng sự hiện diện quân sự tại Singapore. Tạp chí IHS Jane’s cho biết một báo cáo của hãng tin RIA Novosti vào ngày 26/2/2014 đã đề cập tới các cuộc đàm phán giữa Nga với Singapore về việc thành lập căn cứ hải quân tại của Nga tại đây.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Quốc phòng Singapore đã phủ nhận thông tin trên.