Theo báo The Star Phoenix (Mỹ) ngày 25.7, điều này khiến Mỹ vừa xoay trục về châu Á vừa phải đóng thêm 2 tàu sân bay hạt nhân dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Theo báo này, khi có khủng hoảng địa chính trị xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, câu đầu tiên các tổng thống Mỹ hay hỏi là “Các tàu sân bay của chúng ta đang ở đâu?”. Câu trả lời ngày nay là các hạm đội tàu sân bay nguyên tử của Mỹ đang tuần tiễu khắp các vùng biển từ bán đảo Triều Tiên đến vịnh Persia, dọc Đại Tây Dương và ven bờ biển California.
Và chiếc tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đang ngang dọc trên mặt biển khu vực quần đảo Hawaii những ngày này, nơi đang diễn ra cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất RIMPAC 2014.
Một trong những lý do chính mà Mỹ, siêu cường duy nhất của thế giới, vẫn còn bị Trung Quốc và Nga ghen tị sâu sắc là vì hải quân Mỹ và đặc biệt là đội tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể phóng chiếu sức mạnh đến gần như bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nhưng đây là những thời điểm khó khăn cho Hải quân Mỹ và các lực lượng khác của quân đội. Việc cắt giảm ngân sách mạnh mẽ đã gây ra cuộc tranh luận tại Lầu Năm Góc và Quốc hội trong việc có nên thu hẹp hạm đội tàu sân bay từ 11 chiếc xuống còn 10 chiếc hoặc thậm chí ít hơn. Các cuộc thảo luận cũng được tiếp sức bởi những lo ngại về việc liệu tên lửa chống hạm tầm xa mới do Trung Quốc phát triển có thể đẩy tất cả các tàu chiến Mỹ ra khỏi Biển Đông và biển Hoa Đông hay không. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho các mối quan hệ của Washington với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, là những nước vốn lo ngại về yêu sách mang tính khiêu khích của Trung Quốc đòi sở hữu một vùng biển rộng lớn ở Tây Thái Bình Dương từ lâu đã được coi là phần biển chung của toàn cầu.
Với một Trung Quốc đang nổi lên về kinh tế, và ít nhất một nửa ngân sách quân sự phát triển nhanh chóng của nước này đang đổ vào việc xây dựng lực lượng hải quân, thời điểm đánh dấu sự thách thức về quyền uy không bị thách thức của Mỹ ở đại dương đang đến gần. Cùng với việc đánh cắp các công nghệ tàng hình của máy bay như F-35, ưu tiên quân sự hàng đầu của Bắc Kinh là có được một hạm đội các tàu sân bay để có thể sử dụng như một vũ khí chính trị nhiều như Mỹ thường làm.
Hải quân Trung Quốc mới có một tàu sân bay cũ tương đối nhỏ của Liên Xô - từng được gọi là Riga, sau đó là Varyag và bây giờ đổi tên thành Liêu Ninh - được tái trang bị và trải qua thử nghiệm đầu tiên trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có kế hoạch đóng mới hai tàu sân bay trong thập kỷ tới.
Trung Quốc mới đây lần đầu tiên chấp nhận lời mời của Mỹ gửi bốn tàu chiến tới tham dự cuộc tập trận hải quân chung RIMPAC 2014 do Mỹ đứng đầu. Nhưng Trung Quốc cũng khiêu khích Mỹ bằng cách đưa một tàu do thám đến theo dõi cuộc tập trận (dù Mỹ nói không phạm luật vì ở ngoài vùng biển quốc tế, nhưng chẳng nước nào lại làm như thế). Tuy nhiên, vẫn còn một sự vênh vang của Mỹ ở Thái Bình Dương và trên tàu sân bay Ronald Reagan, nơi vài giây là một chiến đấu cơ tăng tốc từ 0 lên hơn 200 km/giờ nhờ máy phóng diễn ra suốt ngày đêm.
Không có gì phức tạp hơn với một siêu cường bằng cách tìm hiểu làm thế nào để tiến hành một cách an toàn các hoạt động của máy bay chiến đấu với hàng chục máy bay đậu san sát trên đường băng tàu sân bay không lớn hơn nhiều so với một sân bóng đá, và hàng trăm người mặc áo màu sắc rực rỡ phân biệt những công việc họ làm.
Thêm 20 hay 30 năm hoặc lâu hơn, không một quốc gia nào có phương tiện để thể hiện sức mạnh như Washington vẫn có thể làm với con tàu sân bay khổng lồ trọng tải 100.000 tấn như tàu Ronald Reagan. Con tàu này với kỹ năng hậu cần tuyệt vời với 5.000 thủy thủ lênh đênh trên biển 10 tháng tại một thời điểm, và sân bay nổi này có thể tiến hành hơn 100 phi vụ một ngày.
Như một phần của kế hoạch xoay trục của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm cố gắng duy trì lợi thế quân sự khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc đã công bố hai năm trước rằng đã chuyển hơn một chục tàu chiến từ Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Tàu sân bay Ronald Reagan là bằng chứng rõ ràng nhất của việc xoay trục về châu Á của tổng thống Mỹ. Con tàu sẽ có căn cứ tại Nhật Bản, nơi nó sẽ thay thế một tàu sân bay khác (chiếc George Washington) trở về Mỹ để đại tu giữa kỳ tốn kém cả tỉ USD; trong khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một số phi đội máy bay chiến đấu hải quân sẽ được chuyển từ Virginia đến California. Nhưng những tình huống nhạy cảm chính trị ở châu Âu, Trung Đông và Châu Á cùng diễn ra, vì vậy "xoay trục" không phải là thuật ngữ chính thức cho những gì đang xảy ra của Hải quân Mỹ.
"Chúng tôi gọi nó là tái cân bằng tại châu Á, bởi vì nếu nó được gọi là một trục, thì sẽ bao hàm rằng chúng tôi đang quay lưng lại với ai đó và chúng tôi không muốn điều đó", chuẩn Đô đốc Pat Hall, chỉ huy nhóm tàu sân bay tác chiến Ronald Reagan cho biết.
"Rõ ràng là từ quan điểm hải quân, chúng tôi đã đưa nhiều tàu ra Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng đã đưa máy bay và rất nhiều quá trình chuyển đổi của chúng tôi đang làm đầu tiên ở Thái Bình Dương. Các tư lệnh chiến dịch hải quân của chúng tôi nhìn Thái Bình Dương là ưu tiên hiện tại", ông Hall nói.
Cũng như RIMPAC, cuộc tập trận hải quân chung tay ba giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang diễn ra gần quần đảo Nhật Bản. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã bắt đầu điều chuyển 2.500 lính cùng thời điểm tại một căn cứ ở miền bắc Úc, trong khi hải quân đang thăm dò về một căn cứ để cho tàu sân bay Mỹ ghé đậu gần Perth.
Còn Không lực Mỹ đang chậm chạp gia tăng sự hiện diện tại đảo Guam và quần đảo Mariana, và có kế hoạch triển khai các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 tại ít nhất là hai sân bay ở trên hoặc gần Thái Bình Dương.
Nếu người đóng thuế Mỹ có thể chứng kiến một con tàu như USS Ronald Reagan hoạt động hết tiến độ ở ngoài biển xa, họ sẽ kinh ngạc như các thủy thủ Trung Quốc và các nhà báo, những người đã chứng kiến con tàu lúc đang thực hiện nhiệm vụ tại RIMPAC. Đó là lý do tại sao dù có áp lực đòi cắt giảm ngân sách quốc phòng và nghi ngờ về sự an toàn của loại tàu chiến chủ lực này trong tương lai, Mỹ vẫn đang đóng ít nhất hai tàu sân bay hạt nhân mới, với chi phí 15 tỉ USD mỗi chiếc.