Những đoạn video thời lượng ngắn mô tả giao tranh ở Syria không còn là điều gì đó mới lạ trong suốt hơn 5 năm qua.
Điểm nổi bật ở đây là T-90 là mẫu tăng chủ lực hàng đầu, hiện đại bậc nhất của Nga; còn tên lửa Tow kia là vũ khí “cũ” của Mỹ viện trợ cho quân nổi dậy Syria (thông qua trung gian Saudi Arabia).
Với nhiều người, đây là một “dịp” hiếm hoi để chứng kiến màn đụng độ gần như là lần đầu tiên giữa hai chủng loại vũ khí hạng nặng của hai siêu cường quân sự, đứng ở hai chiến tuyến đối lập nhau trong cuộc khủng hoảng Syria.
Tăng T-90 gần như nguyên vẹn sau khi bị tên lửa Tow bắn trúng. Ảnh: W.I.B
Tăng T-90 chủ lực được Nga điều sang miền Bắc Syria ngay sau thời điểm Moskva mở chiến dịch can dự quân sự ở nước này (9/2015). Tháng 11/2015, T-90 lần đầu tiên tham chiến trong các cuộc giao tranh ở gần Aleppo.
Ngoài ra, quân đội Syria còn sử dụng nhiều loại xe tăng khác cổ hơn, như T-72, T-62 và T-55 trên chiến trường. Tên lửa được phiến quân thuộc “Lữ đoàn Diều hâu núi” sử dụng là Tow 2A (BGM-71E), sản xuất năm 1987.
Đoạn video chiếu cảnh một tên lửa dẫn đường Tow được phóng đi từ một khu nhà thấp, găm trúng tháp pháo của chiếc T90. Có ánh chớp bốc lên, kèm đám khói, một binh sĩ điều khiển bước ra khỏi tháp, tất cả chỉ diễn ra trong vòng 31 giây.
Cộng đồng mạnh sau đó còn được xem những hình ảnh cắt từ clip, với các bức hình xe tăng nhìn từ mạn phải, cùng với đó là những tác động mà tên lửa Tow gây ra ở tháp pháo mạn trái.
Với một góc quay như vậy, “tin tốt” là kíp lái, điều khiển hỏa lực không ai bị thương, không ai bị “chết cháy” do xe tăng không nổ tung, bốc cháy khi bình nhiên liệu không bị kích nổ.
Chiếc T-90 đứng đó, gần như không “hề hấn” và có thể xem đây là điều hiếm gặp, vì TOW được mệnh danh là “sát thủ diệt tăng”, có khả năng phá tan mục tiêu mà nó bắn trúng, thiêu chết toàn bộ kíp lái. Nhiều tăng T-72 của Syria đã hứng chịu thảm kịch này.
Trong trường hợp trên, T-90 dường như đã được “cứu sống” nhờ giáp phản ứng nổ (ERA - Explosive Reactive Armour) cải tiến.
ERA hoạt động theo nguyên lý sử dụng hiệu ứng nổ hướng ra ngoài của khối thuốc nổ nằm trong hộp thép làm chệch hướng luồng xuyên lõm hoặc làm gẫy thanh xuyên, giảm khả năng xuyên phá của đạn chống tăng, tên lửa chống tăng.
Điểm “hạn chế” ở đây chính là bộ cảm biến và truyền số liệu Shtora trang bị trên T-90 gần tháp pháo đã không hoạt động, hoặc là không hiệu quả khi “đụng” Tow. Shtora là hệ thống cảm biến, chế áp quang học.
Nó hoạt động theo nguyên lý phát ra ánh sáng bức xạ có tần số và dải sóng gần giống với nguồn sáng điều khiển tên lửa.
Càng đến gần xe tăng, tên lửa càng nhận được ít tín hiệu điều khiển hơn, trong khi ánh sáng bức xạ gây nhiễu càng mạnh lên, khiến hệ thống điều khiển tên lửa bị nhiễu loạn và ra lệnh tự hủy hoặc bay trượt mục tiêu.
Nói tóm lại, các bức ảnh cùng đoạn video cho thấy một thực tế: Tow đã làm hư hại T-90, nhưng không hủy diệt được cỗ máy này.
Chiếc xe tăng của Nga tạm bị loại khỏi chiến trường, nhưng quân đội Syria sẽ nhanh chóng đưa về xưởng sửa chữa, tờ Military-Industrial Courier (Nga) bình luận.
Chiếc T-90 “chạm trán” Tow trên chiến trường là một chuyện, có thể thay thế hoặc đem sửa. Quan trọng hơn là kíp lái xe, điều khiển hỏa lực vẫn bình an vô sự - tất cả là nhờ vào lớp giáp bảo vệ.