Tạp chí Jane's Defence Weekly của Anh số ra tháng 6/2015 cho biết, Nga sẽ sản xuất 24 quả tên lửa có khả năng tấn công hạt nhân, loại tên lửa này sẽ trang bị vũ khí siêu vượt âm Yu-71.
Trước đó, hồi tháng 11/2014, Giám đốc tập đoàn tên lửa chiến thuật Nga Boris Obnossov tuyên bố, tên lửa đầu tiên gắn vũ khí siêu vượt âm Yu-71 sẽ xuất hiện trước năm 2020.
Dựa vào tính toán của ông Boris Obnossov, tốc độ bay của tên lửa siêu vượt âm triển khai sớm sẽ đạt tốc độ 6 – 8 Mach. Nếu phát triển thuận lợi, tốc độ bay của tên lửa này sẽ còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, mốc thời gian này quá lạc quan, Nga khó có thể sản xuất nhanh chóng 24 tên lửa xuyên lục địa Sarmat và vũ khí siêu vượt âm Yu-71 mà chúng mang theo. Vậy nguyên nhân chính xác là gì?
Trang mạng quân sự tiếng Trung thjunshi.com đăng bài viết lý giải rằng:
Trên thực tế, vào những năm 1980, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khởi động kế hoạch phòng thủ tên lửa “Star War”, Nga cũng đã nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm, song do nhiều nguyên nhân, tên lửa siêu vượt âm của Nga liên tiếp thất bại.
Vì vậy, có chuyên gia cho rằng, Nga phải mất một khoảng thời gian dài mới đạt được thành công với vũ khí siêu vượt âm Yu-71.
Như vậy, điều này sẽ phá vỡ mốc thời gian dự kiến mà Nga đưa ra.
Thêm nữa, dự án hiện đại hóa quốc phòng của Nga không chỉ có vũ khí siêu vượt âm Yu-71.
Quân đội Nga còn sắp đưa vào trang bị xe tăng chủ lực T-14 Armata, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu ngầm hạt nhân tấn công, tiêm kích tàng hình thế hệ 5, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, đồng thời nghiên cứu máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới PAK-DA.
Không những vậy, Nga còn chuẩn bị phát triển tàu sân bay hạt nhân và tàu khu trục loại 10.000 tấn.
Những dự án này đều cần kinh phí nên vũ khí siêu vượt âm Yu-71 không thể tránh được sự cạnh tranh.
Xét về tình hình kinh tế của Nga thì trong thời gian tới, việc bảo đảm đầy đủ tất cả dự án nghiên cứu cũng gặp phải khó khăn rất lớn.
Giả sử, nếu vũ khí siêu vượt âm Yu-71 tiếp tục thất bại thì một khoản lớn trong ngân sách chương trình có thể sẽ phải chuyển sang cho dự án khác.
Vì vậy, xét tổng thể cục diện hiện đại hóa quốc phòng và tình hình nghiên cứu của Nga, tiến độ của chương trình vũ khí siêu vượt âm Yu-71 có thể bị trì hoãn.
Trang thjunshi.com cho rằng chương trình vũ khí siêu vượt âm Wu-14 của Trung Quốc đạt được nhiều đột phá hơn so với chương trình Yu-71 của Nga
Trong khi đó, theo thjunshi.com, so với Yu-71, vũ khí siêu vượt âm Wu-14 của Trung Quốc đã có được sự đột phá, các vụ thử nghiệm gần đây liên tục có được thành công.
Theo tính toán của chuyên gia nước ngoài, Wu-14 có thể được triển khai trong 1 – 2 năm tới.
Ngay cả khi tính toán lạc quan, Nga hoàn thành thành công việc nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm Yu-71 đúng tiến độ thì ít nhất nó cũng sẽ đi sau vũ khí Wu-14 của Trung Quốc khoảng 3 năm.
Nếu không được như vậy, thời gian triển khai của Yu-71 sẽ chậm hơn Wu-14 khoảng 8 – 9 năm.
Giả sử chương trình Yu-71 gặp khó khăn về tài chính hay nguyên nhân khác, thì thời gian triển khai của nó sẽ chậm hơn Wu-14 của Trung Quốc 10 năm trở lên.