Vì sao Mỹ tự tin tên lửa DF-21D không thể đe dọa TSB Ford?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Một số nhà quan sát gọi tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D Trung Quốc là "vũ khí thay đổi cuộc chơi", mang lại mối hiểm họa lớn đối với các tàu sân bay Mỹ.

Tạp chí Aviation Week (trụ sở tại New York, Mỹ) nhận định khi tàu sân bay thế hệ mới Gerald R. Ford triển khai hoạt động trên biển vào cuối thập kỷ này, nó sẽ phải đối mặt với một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức mạnh quân sự trên biển của Mỹ, đó là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức Hải quân Mỹ vẫn tự tin rằng các cải tiến công nghệ cho tàu sân bay lớp Ford cũng như các tàu hộ tống có thể che chắn cho tàu sân bay trước các cuộc tấn công từ tên lửa của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 (CSS-5) mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công các tàu chiến bao gồm cả tàu sân bay hoạt động ở phía Tây Thái Bình Dương với phạm vi khoảng 1.500km.

Mỹ đang ngày càng quan tâm hơn đến mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc.

Một số nhà quan sát gọi DF-21D là "vũ khí thay đổi cuộc chơi".

Một báo cáo gần đây của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết: “Các nhà quan sát đã bày tỏ sự lo ngại lớn đối với DF-21D, bởi vì một tên lửa như vậy kết hợp với hệ thống giám sát hàng hải trên khu vực rộng lớn và hệ thống nhắm mục tiêu cho phép Trung Quốc tấn công các tàu sân bay và các tàu quân sự khác của Mỹ hoặc các tàu của lực lượng đồng minh hoạt động ở Tây Thái Bình Dương”

"Trước đó, Hải quân Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chính xác cao, có khả năng tấn công các tàu đang di chuyển trên biển. Vì lý do này, một số nhà quan sát gọi DF-21D là vũ khí thay đổi cuộc chơi” - Báo cáo của CRS viết.

Tuy nhiên, theo Chuẩn Đô đốc Michael Manazir, Giám đốc chương trình tác chiến trên không của Hải quân Mỹ, trên thực tế, để tấn công tàu sân bay với một tên lửa như vậy khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng.

Chuẩn Đô đốc Manazir phân tích, nhìn tàu Ford từ boong tàu, người ta thường cho rằng nó là một mục tiêu lớn, tuy nhiên, việc ngắm và khóa mục tiêu không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ có mạng lưới gồm nhiều lớp hệ thống phòng thủ, Chuẩn Đô đốc Manazir giải thích trong một chuyến tham quan tàu sân bay Ford tại nhà máy đóng tàu Newport News ở Tidewater, bang Virginia.

Hệ thống radar băng tần kép DBR cùng các hệ thống phòng thủ tiên tiến sẽ cho phép tàu sân bay lớp Ford đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ tên lửa DF-21D của Trung Quốc.
Hệ thống radar băng tần kép DBR cùng các hệ thống phòng thủ tiên tiến sẽ cho phép tàu sân bay lớp Ford đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ tên lửa DF-21D của Trung Quốc.

Tiếp cận được tàu sân bay Ford và các tàu hộ tống của nó nghĩa là phải vượt qua được nhóm tác chiến tàu sân bay.

“Chúng tôi sử dụng các hệ thống phòng không của các tàu tuần dương và tàu khu trục để bảo vệ tàu sân bay” - Chuẩn Đô đốc Manazir nói.

Ngay tàu sân bay Ford cũng có hệ thống phòng thủ riêng, Chuẩn Đô đốc Manazir chỉ vào hệ thống tên lửa RIM-116, một hệ thống phòng thủ tầm gần. Bên cạnh đó còn có hệ thống tác chiến điện tử mặt nước (SEWIP) và hệ thống tên lửa MK 57 NATO Sea Sparrow.

Tàu sân bay Gerald R. Ford sẽ được trang bị một radar băng tần kép DBR, đây là một cải tiến công nghệ lớn đối với tàu sân bay lớp Ford cung cấp cho tàu khả năng phòng thủ tên lửa. Hệ thống DBR ban đầu được phát triển cho các tàu khu trục tương lai DDG-1000 Zumwalt.

Chuẩn Đô đốc Manazir cho hay Hải quân Mỹ đang xem xét liệu có tiếp tục sử dụng radar DBR cho các tàu sân bay sau tàu Ford hay sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phát triển một radar khác thích hợp hơn cho chúng. Vấn đề là Hải quân Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng nước này có thể sử dụng một số công nghệ có khả năng ứng dụng rộng rãi trong DBR để phát triển một bộ băng tần kép S và băng tần X để phù hợp với tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ.

Các tiến bộ kỹ thuật khác dành cho tàu sân bay lớp Ford tạo điều kiện để có nhiều hệ thống phòng thủ và vũ khí hơn. Chẳng hạn như hệ thống năng lượng điện trên tàu cho phép kết hợp vũ khí laser và các loại vũ khí năng lượng khác trên tàu sân bay.

Hệ thống lưới điện trên tàu sân bay lớp Ford có hiệu điện thế khoảng 13.800 volt, lớn hơn nhiều so với mức 4.160 volt trên tàu sân bay lớp Nimitz. Tất nhiên con tàu cần nhiều nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho hệ thống radar DBR, máy phóng điện từ và các hệ thống khác nhưng thiết kế con tàu hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này, thậm chí còn có thể mang nhiều nhiên liệu hơn.

Trong khi đó, theo Chuẩn Đô đốc Manazir, với các tàu sân bay lớp Nimitz, bất cứ cải tiến công nghệ mới nào đòi hỏi nhiều điện hơn đều cần phải tiến hành điều chỉnh thiết kế hệ thống cung cấp năng lượng trên con tàu.

Xem thêm: [Video] Mỹ thử nghiệm tàu sân bay Gerald R. Ford với 400 triệu lít nước

Khoảng 400 triệu lít nước đã được xả vào khu vực ụ tàu, nơi siêu tàu sân bay hạt nhân Gerald R. Ford (CVN 78) của Mỹ đang được hoàn thiện hôm 11/10/2013

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại