Vì sao Mỹ quyết mua bằng được tên lửa phòng không S-300V của Nga?

Đại tá Trần Danh Bảng |

“Nếu chúng ta không bán vũ khí kia cho người cần mua, trả giá hời, thì chúng ta không còn cái gấu quần”. Thực tế khắc nghiệt là thước đo sự thật. Điều tất yếu đã xảy ra với S-300V!

LTS: Vào thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, báo chí đưa tin dày đặc, rằng Nga bán dòng tên lửa phòng không S-300 tối tân cho I-ran.

Luồng tin ăn khách này khiến cho Mỹ và NATO bồn chồn lo lắng. Họ ráo riết tìm mọi cách làm rõ chi tiết các thương vụ này và tìm mọi cách để đối phó.

Tên lửa S-300 có tính năng rất tốt, điều này có thể chứng minh được, khi nhớ lại sự kiện cách đây gần 25 năm, nước Mỹ đã tìm mọi cách để mua bằng được một  “bộ” tên lửa S-300.

Những tình tiết bất ngờ và hấp dẫn của thương vụ này đã được Đại tá Trần Danh Bảng hé lộ qua 2 bài viết đặc sắc. Xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Vì sao Mỹ quyết mua bằng được tên lửa phòng không S-300V của Nga

Trong bối cảnh Liên-Xô lúc đó vừa tan rã, Liên bang Nga do Tổng thống En-xin cầm quyền, nhượng bộ Mỹ và phương Tây quá nhiều.

Đến nỗi “cánh nỏ thần” quý giá canh trời S-300 này, cũng phải dứt lòng bán cho ngoại bang, vốn “kỳ phòng địch thủ”, chỉ vì nội tình rối ren về chính trị, đất nước khốn khó vì kinh tế suy sụp.

Iran nay có S-300 thì việc khống chế nước này sẽ không còn dễ dàng với Mỹ bởi họ nghiên cứu rất kỹ uy lực của dòng vũ khí Nga này.

 “Quái vật không ai muốn lại gần”

S-300 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa Nga do Tổng công ty Almaz, sau này là Almaz-Antey sản xuất. S-300 sử dụng tên lửa do phòng thiết kế MKB "Fakel" phát triển.

S-300 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu máy bay tàng hình có diện tích bộ lộ radar nhỏ cỡ 0,02 m2, và được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất lúc đó, với nhiều thông số vượt trội hơn hệ thống đối thủ của Mỹ là MIM-104 Patriot.

Radar của nó có khả năng đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và bám sát chặt 12 trong số đó.


Tên lửa S-300V khai hỏa.

Tên lửa S-300V khai hỏa.

MIM-104 Patriot là hệ thống phòng không tầm xa của Mỹ có vai trò tương tự như S-300. Tính năng của 2 hệ thống này luôn được giới quân sự so sánh.

S-300 có radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn.

Patriot có bệ phóng được thiết kế trên xe rơ-moóc, bệ phóng tên lửa đặt nằm nghiêng cho phép tấn công mục tiêu ở góc hình nón trước mũi xe phóng, nếu mục tiêu ở hướng khác thì xe phóng sẽ phải quay đầu sang hướng đó mới có thể tấn công.

Thiết kế của S-300 dùng phóng thẳng đứng nên có thể tấn công mục tiêu ở mọi hướng bay, do đó S-300 có lợi thế hơn về khả năng kiểm soát mục tiêu, đặc biệt là chống trả mục tiêu bay thấp hiệu quả hơn.

Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65, radar có thể kiểm soát 100 mục tiêu trong phạm vi 170 km và có thể điều khiển 9 tên lửa cùng lúc.


MIM-104 Patriot do Mỹ chế tạo.

MIM-104 Patriot do Mỹ chế tạo.

Thông số về mục tiêu được bám sát bởi một radar duy nhất thông qua hệ thống chỉ huy gọn nhẹ hóa, tuy nhiên nếu radar bị trúng hỏa lực, hệ thống sẽ mất khả năng chiến đấu bởi không có radar khác phụ trợ.

S-300 thì sử dụng 2 hệ thống radar riêng biệt cho việc tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực.

Radar tìm kiếm mục tiêu 64N6 Big Bird có phạm vi tìm kiếm mục tiêu lớn hơn nhiều so với Patriot, có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 300 km và theo dõi đồng thời 100 mục tiêu.

Hệ thống chỉ huy đồng bộ, có khả năng tấn công 36 mục tiêu cùng lúc, số đạn tên lửa có thể dẫn bắn cùng lúc lên đến 72 tên lửa. Về hệ thống điều khiển hỏa lực, S-300 có lợi thế hơn hẳn về phạm vi và số lượng mục tiêu tấn công cùng lúc.

S-300 sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau, chúng đều mang đầu nổ thông thường, đạn 48N6E2 tầm bắn 200 km, có thể chặn đánh mục tiêu có vận tốc tối đa Mach 8. “Hắc điểu” SR-71 của Mỹ đã có khắc tinh S-300 trừng trị.

Patriot có phạm vi tác chiến xa nhất chỉ là 160 km. Sức công phá tại vùng sát thướng của S-300 gấp 7 lần Patriot, vì đầu đạn lớn mang tới 150kg thuốc phá. Tỷ lệ bắn trúng là 1 đạn, 1 mục tiêu, trong khi Patriot thì phải tốn 4 đến 6 đạn!

Trên thực chiến, Patriot bộc lộ tại Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất có quá nhiều nhược điểm khi đánh chặn tên lửa Scud vì nó phải được cung cấp hàng “núi” dữ liệu từ vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy E3A… cùng hệ thống chỉ huy phức tạp.

Trong khi S-300 độc lập tìm kiếm mục tiêu, tác chiến. Điều đáng khâm phục là tên lửa Nga bám sát “tầng công tác” của tên lửa hành trình mà tiêu diệt, chứ không như Patriot, nổ phá văng mảnh. Đầu đạn S-300 là tiêu diệt. Patriot chỉ là bắn chặn!

Robert Hewson, một cây bút từ tạp chí vũ khí IHS Janes (Anh), bình luận. "Đây là hệ thống phòng thủ đủ khả năng bắn hạ bất kỳ loại tên lửa hay mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nào".

Theo nhận định từ các chiến lược gia quân sự, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không đa năng "bất khả chiến bại" dù chưa một lần tham gia thực chiến.


Các chuyên gia quân sự nghiên cứu rất kỹ tính năng của dòng tên lửa S-300 để máy bay của họ, kể cả F-22 tránh bị ăn đạn. Ảnh: Auspower.net.

Các chuyên gia quân sự nghiên cứu rất kỹ tính năng của dòng tên lửa S-300 để máy bay của họ, kể cả F-22 tránh bị "ăn đạn". Ảnh: Auspower.net.

S-300 sẽ là "quân bài thay đổi cuộc chơi đối với tất cả các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-15, F-16 hay F/A-18", Daily Beast dẫn lời một phi công thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ bình luận. "Nó là một con quái vật mà không ai muốn lại gần",

Viên sĩ quan trợ lý báo chí của Bộ Tổng tham mưu Nga, Đại tá Victor Baranhet kể rằng: Ông từng được tham quan cuộc bắn đạn thật S-300V tại trường bắn Ka-spu-tin, sâu trong hoang mạc, gần biên giới Nga - Kazaktan.

“Lòng tôi trào lên một niềm kiêu hãnh khôn tả, về bộ óc vĩ đại và bàn tay của các nhà khoa học “đói nghèo” nước ta. Họ đã tạo ra những vũ khí tốt nhất thế giới.”

Có vẻ như vũ khí phòng không này đã đạt sự hoàn thiện như mong muốn.

Nhưng Victor Baranhet “thực sự kinh ngạc”, khi nghe từ miệng Tổng công trình sư chế tạo S-300V, trao đổi lộ liễu với các sĩ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng tại Sở chỉ huy trường bắn rằng, ông ta có thể hoàn thiện “nó” tốt hơn nhiều mẫu thử hôm nay.

Nghe thế, Bộ trưởng Quốc phòng có mặt ở đó, lập tức nhìn quanh một lượt vội vã ra lệnh: “Ai không liên quan đến kết luận bắn rời khỏi đây”.

Dường như Bộ trưởng sợ Tổng công trình sư “hứng khởi” lại tuồn tuột kể vài điều cơ mật về biến thể trong tương lai của dòng tên lửa ưu việt này!

Năm 1992, nguồn lực Liên Xô cũ bị phân tán, bao nhiêu tài nguyên, công thổ quốc gia bị các tập đoàn, công ty tư nhân xâu xé. Liên Xô, một thời vang bóng có cả những “thành phố cấm”, ở đó có rất nhiều những công xưởng quốc phòng.

Lúc này, những kẻ “thính mũi” cũng đang rắp tâm dòm ngó. Cơ quan phản gián Nga có quá nhiều việc cần phải làm. Nhưng họ cũng chú tâm đến một việc, đó là việc Mỹ và NATO bộc lộ không giấu giếm, muốn có một “con” S-300 nguyên vẹn.

Tại triển lãm vũ khí ở Adu Dabi gần nhất, các quan chức quốc phòng Mỹ, thực chất là sĩ quan cao cấp về trang bị của CIA, DIA (Defense Intelligence Agency - Tình báo quốc phòng) chăm chú “xem hàng” S-300 của Nga với niềm phấn khích ra mặt, hơn cả sự tự ái.

Chẳng có gì phải úp mở, Nga cung cấp rõ từng tính năng của tổ hợp S-300 đầy kiêu hãnh. Chi tiết đến cả cơ chế phối hợp radar, đài chỉ huy bắn và xe phóng. Những bộ óc “điện tử” của CIA, DIA chẳng chờ phải giải thích nhiều.

Người Nga trình bày thật logic vấn đề về việc phóng đạn và điều khiển với những người đi mua hàng, chứ không phải đơn thuần chỉ xem hàng.


Tên lửa S-300V sẵn sàng chiến đấu.

Tên lửa S-300V sẵn sàng chiến đấu.

Làm thế nào để có S-300V.

Vào thời điểm này, lương Viện sĩ Nga rất thấp, huống hồ kỹ sư. Một dòng chảy chất xám các nhà khoa học, trong đó có các chuyên gia quân sự Nga ra nước ngoài hình thành.

Quốc hội Mỹ quyết định mở rộng việc cho phép nhận chuyên gia ngành công nghiệp quốc phòng, để thu hút những người từ Nga, Ukraine, Belarus, và cả Đông Đức, Tiệp Khắc tới.

Người Mỹ tính toán, nếu sử dụng chuyên gia ngoại, chắp nối nguyên lý, công nghệ qua dò tìm tình báo thì ít nhất 10 năm nữa họ mới có S-300. Còn một cách là đánh cắp nguyên mẫu, như kiểu đánh cắp MiG-21 qua Israel vậy.

Nhưng vốn thực dụng, những cái đầu lạnh của CIA và DIA Mỹ đã tham mưu cho lãnh đạo tối cao. Mua! Bối cảnh lúc này, dưới thời En-xin, cái gì bán được tiền thì Nga sẽ bán. Người Mỹ có rất nhiều cách mua hàng.

Hơn ở đâu hết, nội hàm phong phú của từ “mua” đang được người Mỹ triệt để áp dụng tại các nước Đông Âu, Liên Xô vừa tan rã. Mà Nga đang mang S-300 đến Adu Dabi chào hàng đó thôi!

Chiến dịch mua S-300, được đích thân Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại trưởng thực hiện. Có tin BMD, chủ sở hữu của  Carleid Grup là môi giới. DIA là “người đi chợ”.

Mỹ còn dự tính, nếu Nga áp đặt quá nhiều điều kiện, thì sẽ tìm cách đoạt lấy từng “cấu kiện” đang có ở các nước Cộng hòa của Liên Xô cũ vừa tan rã.

Thế rồi, khách hàng nườm nượp đến Moscow. Tại cơ sở thiết kế trung tâm Almaz, phòng thiết kế MKB "Fakel" luôn có khách. Nhưng Alimanski, Tổng công trình sư của Almaz lịch sự từ chối từ cửa.

Còn tướng Victo Denhikov, Tư lệnh phòng không PVO của Nga tuyên bố dứt khoát “Không có chuyện mua bán này”.

Người Mỹ biết, từ việc tham gia hội chợ triển lãm vũ khí Abu Dabi, đến việc bán cho ai, bán cái gì, “bán đến đâu” là một câu chuyện rất đa dạng, dài dòng.

Họ nhẫn nại tìm cửa đến Hãng Antey, số 41 Vereyskaya str,  Hãng Antey đang đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng công trình sư Veniamin Enferemov. Lúc này Antey đang ngập trong khó khăn. Người Mỹ “cứa” vào chỗ đau nhất của nước Nga, thập kỷ 90:

“Tổ hợp công nghiệp quân sự của các ngài đang thiếu kinh phí. Nhân viên đang đói lương, cái ngài thì  nợ đìa. Thật là không công bằng nếu các ngài không nhận lấy hàng trăm triệu USD, bằng chính công sức, trí tuệ của các ngài”…

Quả thật, hàng trăm triệu USD là con số rất ý nghĩa lúc này với Antey. Nhân viên nợ đúp lương đã nhiều tháng. Với lại, bản vẽ phiên bản tổ hợp tên lửa mới, đã xong trên giá. Điều này thôi thúc các lãnh đạo Antey ngả sang ý định muốn bán S-300 cho người Mỹ.

Một số sĩ quan cấp tướng và các cựu giám đốc, một thời từng thề thốt, không thể để suy yếu sức mạnh quân đội Nga. Lúc này, từng nhóm đã đi gõ cửa các căn phòng của Kremli, và các cơ quan chính phủ, cố chứng minh và lý sự rằng:

“Nếu chúng ta không bán vũ khí kia cho người cần mua, trả giá hời, thì chúng ta không còn cái gấu quần”. Thực tế khắc nghiệt là thước đo sự thật. Điều tất yếu xảy ra với S-300V đã đến!

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại