Vì sao lính tàu ngầm Việt Nam không tuyển người bụng bự?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh |

Tàu ngầm đắt hơn máy bay chiến đấu gấp nhiều lần. Nếu phi cơ tiêm kích trục trặc kỹ thuật thì cùng lắm thiệt hại một máy bay. Nhưng, tàu ngầm bị sự cố không cứu vãn được, hoặc bị tiêu diệt thì không những hàng trăm triệu đô la chìm dưới đáy đại dương, mà còn thiệt mạng hàng chục thủy thủ... vô giá. Vì thế, tuyển chọn sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm vô cùng khó khăn, phức tạp...

Sức mạnh... hủy diệt

Chúng tôi đến Lữ đoàn tàu ngầm 189 thì trời đã nhá nhem tối. Đại tá, Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm tiếp chúng tôi trong phòng khách của Bộ tư lệnh Lữ đoàn, ông Nghiêm bảo, ông rất khâm phục thuyền trưởng tàu ngầm Alexander Marinesco và sức mạnh của tàu ngầm Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Marinesco, thuyền trưởng tàu ngầm Xô Viết huyền thoại S-13 đã chỉ huy “cuộc tấn công thế kỷ” bằng ngư lôi chưa từng có trên biển Baltic ấy đã bắn cháy một tàu tuần dương, tiêu diệt 3.500 sĩ quan và binh lính Đức quốc xã.

Nhưng trước đó 10 ngày, tàu ngầm S-13 do thuyền trưởng Marinesco chỉ huy đã tập kích ngư lôi bất ngờ nhấn chìm cơ sở huấn luyện (thực chất nó là siêu thuyền Wilhelm Gustlav) với sức chứa gần 25,5 nghìn tấn và một tàu chở quân khác, tiêu diệt 11.500 quân Đức quốc xã, trong đó có 3.700 thủy thủ tàu ngầm.

Gần như có bao nhiêu sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm huấn huyện xong trên đường chở đi các căn cứ thì bị tiêu diệt hết.

Hải quân Đức suy sụp. Nước Đức để quốc tang 1 ngày, Hitler đã tuyên bố:

“Thuyền trưởng tàu ngầm Alexander Marinesco là kẻ thù riêng số một”. Sức mạnh hủy diệt của tàu ngầm Xô Viết đã góp phần kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 sớm.

Thời gian trôi đi đã 70 năm, tàu ngầm S-13 của thuyền trưởng huyền thoại Alexander Marinesco dù có sức mạnh hủy diệt hay cụm tàu ngầm của Hạm đội Biển Bắc hành trình dằng dặc như thế, cũng đã trở thành đồ cũ (secondhand).

Tàu ngầm lớp mà Lữ đoàn 189 đang sở hữu và sử dụng hiện đại hơn rất nhiều.

Tàu ngầm là nhu cầu tất yếu khách quan

Quốc gia nào giáp biển cũng cần vũ khí tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền. Từ thực tiên tổng kết lịch sử trong chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, có 14 cuộc ngoại xâm thì 10 cuộc tấn công nước ta từ đường biển.

Vì vậy bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển là chiến lược không thể khác được.

Ngay từ năm 1984, Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã nhận định có tính dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”.

Hiện đại hóa quân đội, trong đó có biên chế tàu ngầm là nhu cầu phòng thủ bảo vệ biển đảo trong tình hình mới.

Trong Lễ thượng cờ cấp quốc gia, tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP Hồ Chí Minh tại Quân cảng Cam Ranh do Quân chủng Hải quân tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và tuyên bố:

“...Một lần nữa chúng ta khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”.

Những vòng tuyển chọn... nghiệt ngã

Hầu hết các sĩ quan, thủy thủ của Lữ đoàn tàu ngầm 189 đều được tuyển chọn từ các đơn vị của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Có nghĩa là họ đã có thâm niên công tác biển đảo được rèn luyện thử thách nơi đầu sóng ngọn gió từ các đơn vị tàu mặt nước, học viện hải quân, lính thủy đánh bộ, thông tin hải quân... và cả từ trung đoàn tàu ngầm mini 196 bổ sung sang.

Họ đã bị sóng to gió cả tiếng ồn, sóng từ, sóng âm... “tra tấn” thần kinh và thử thách tiền đình từ lâu rồi.

Dù vậy, bất kỳ người sĩ quan thủy thủ nào bước qua cánh cửa tàu ngầm vào bên trong làm nhiệm vụ của một thành viên thực thụ cũng phải “qua cầu” khám thể lực rất nghiệt ngã, ngặt nghèo.

Cân nặng, chiều cao... theo tiêu chuẩn chỉ là sơ tuyển ban đầu. Những người sâu răng, viêm xoang mãn hoặc cấp cũng... bị loại.

Hai cái bệnh nay tối kỵ khi xuống sâu dưới nước. Áp lực nước ép không chịu được sẽ tóe máu miệng máu mũi, rách màng nhĩ chảy máu tai...

Béo, gầy cũng phải chú ý. Thủy thủ tàu ngầm kị nhất là... béo. Béo quá mức, lại mặc thêm bộ đồ lặn cao áp nữa thì không thề chui qua ống phóng lôi, để thoát ra ngoài khi có trục trặc kỹ thuật xảy ra.

Tất nhiên, tàu ngầm bị trục trặc chỉ ở độ sâu nhất định mới chui ra an toàn được, chứ ở dưới độ sâu quá thì cầm, chắc cái chết.

Thử thách cao hơn khi tuyển chọn là khám thần kinh, tiền đình.

Máy điện tim, điện não hiện đại gắn vào ngực, vào đầu ghi các thông số, đánh giá kết quả tốt vẫn phải qua thực hành đu xoay giống như khám... phi công.

Đầu lộn xuống đất, chân chổng lên trời, xoay bốn phương tám hướng. Dừng lại, đi thẳng, đầu không húc vào tường, lại còn ngồi xuống bàn viết được chữ trên giấy thẳng hàng, không nguệch ngoạc thi coi như qua vòng khám tiền đình.

Theo trung tá Nguyễn Văn Bách, thuyền trưởng tàu HQ-183 TP. Hồ Chí Minh:

“Bài kiểm tra ớn nhất là ngồi “thưởng thức” ghế xoay 30 vòng, vừa quay xuôi vừa quay đảo chiều, sau đó đứng dậy đi thẳng một quãng, rồi ngồi làm bài test nhanh về các kiến thức.

Với bài kiểm tra khắc nghiệt này, nếu đứng dậy mà đi lảo đảo, đo não đồ không ổn định thi nguy cơ bị loại rất cao. Kết quả làm bài test nhanh không đạt yêu cầu cũng nằm trong vòng nguy hiểm”.

Thử thách thể lực cao nhất, khó khăn nhất và là “cầu cuối cùng” của thủy thủ, dù là người Nga, người Mỹ, người Triều Tiên, hay thủy thủ người Việt là thử... tăng áp.

Thủy thủ được cho vào buồng tăng áp. Có người chịu được nén áp suất cao tương đương với độ sâu 70m, thậm chí 100m vẫn không việc gì.

Nhưng, có người mới nén áp tương đương với độ sâu 10m đã nước mắt nước mũi giàn giụa, ù tai, cơ thể đã tự phản ứng chống áp, phải bóp mũi, nuốt nước bọt cho thông lỗ nhĩ.

Tăng áp thêm nữa là... chảy máu tai, tràn máu mũi, rỉ máu chân răng, phải dừng... khám tuyển.

Tôi hỏi đại tá, Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm: “Mỗi lần khám tuyển thủy thủ trong buồng tăng áp có đến 30 phút không anh?".

Anh Nghiêm bảo: “Một thủy thủ tàu ngầm, nếu vượt qua vòng khám này phải chịu thử thách trong buồng tăng áp 2 giờ đồng hồ”.

“2 giờ cho một người? Có ai chịu nổi “tra tấn” trong suốt 2 giờ như thế?”, tôi ngạc nhiên hỏi lại.

“Vâng! Vậy mà qua đấy. Đó là những người được thiên phú, được cha mẹ ban, chứ không rèn luyện được”, anh Nghiêm chia sẻ.

Sau hai giờ chịu thử thách ở môi trường cao áp, thủy thủ sẽ được đưa vào buồng giảm áp riêng, có áp suất tương đương với độ sâu vừa thử, rồi giảm áp... từ từ.

Nếu không, người vừa trúng khám tuyển sẽ bị bệnh bọt khí trong máu. Tuyển chọn thành công cốc.

Uống hết chao đèn nước biển... mơi được là thủy thủ

Không biết từ đâu và tự bao giờ, ở nước Nga, các thủy thủ tàu ngầm sau khi thực hành chuyến đầu tiên lặn sâu vào lòng biển trở về phải uống hết một chao đèn nước biển (khoảng 1,5 lít) mới được cấp giấy công nhận là... thủy thủ tàu ngầm, số nước biển này được lấy qua van giảm áp ở độ sâu tàu ngầm lặn sâu nhất trong chuyến đi đầu tiên.

Theo đại úy Hoàng Văn Đồng, thuyền phó tàu ngầm 183 - TP. Hồ Chí Minh thì:

“Người Nga coi đó như là một “nghi thức” đánh dấu chính thức mình là sĩ quan tàu ngầm và cũng là lời thề dâng hiến khi trở thành sĩ quan tàu ngầm”.

Đây cũng có thể hiểu theo nghĩa khác mang dấu ấn văn hóa tâm linh với khát vọng sống mãnh liệt. Chỉ khi tàu rủi ro bị đắm, hay bị tấn công, gặp tình thế nguy hiểm thì thủy thủ mới phải uống nước biển.

Vì thế, uống một chao đèn đựng nước biển như là mong muốn lần duy nhất trong đời thủy thủ uống nước biển và cũng nhắc nhở họ luôn cẩn tắc, chú ý khi điều khiển tàu ngầm.

Sau chuyến tàu ngầm đầu tiên thực hành lặn sâu vào lòng biển Baltic trở về, trung tá Đậu Văn Hoàng - thuyền trưởng cũng là người đầu tiên uống nước biển.

Nước biển mặn chát, nhưng anh Hoàng vẫn cố tu một hơi hết veo. Lẽ ra, phải chạy vào phòng vệ sinh ngay để tháo nó ra, nhưng Đậu Văn Hoàng vẫn cố chịu đựng.

Anh bảo một thủy thủ Nga: “Mày không phải uống, mày xếp hàng giúp tao”.

Anh cố nấn ná đứng lại xem sĩ quan, thủy thủ dưới quyền của mình bưng cái chao đèn, uống nước biển ra sao và cũng để động viên họ vững tin.

Khé rát họng, bụng đau quằn quại, anh vẫn cố chịu đến khi thủy thủ cuối cùng hoàn thành cuộc sát hạch, thì anh mới ôm bụng chạy đến phía thủy thủ người Nga đang giữ chỗ cho mình.

Cả 3 đoàn thủy thủ thuộc 3 tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam đều vượt qua thử thách kì lạ và kinh hoàng này mà quần áo vẫn khô ráo, thơm tho.

Ngay sau đó, họ mới được người Nga trao “Giấy chứng nhận thủy thủ tàu ngầm”, coi như giấy thông hành bước qua cánh cửa tàu ngâm.

Bản lĩnh là... quyết định cuối cùng

Do đặc thù của tàu ngầm, kỉ luật quân sự mang tính công nghiệp công nghệ đặc biệt nên thủy thủ phải có... bản lĩnh thép.

Trong tàu ngầm không có ngày và đêm, lại ở trong một không gian chật hẹp, tù túng, không dành cho kẻ có tính sốt ruột, nóng nảy hấp tấp.

Người nào muốn làm thủy thủ tàu ngầm phải có tố chất kiên nhẫn, lì lợm, thậm chí lạnh lùng, chịu đựng được “cùm chân bó tay” dài ngày.

Những người dễ dao động, tình cảm ủy mị, yếu đuối, tác phong luộm thuộm sẽ bị loại, chỉ những người có bản lĩnh vững vàng, ý chí thép, kỷ luật nghiêm... mới vượt qua.

Khi vận hành tàu ngầm, thủy thủ phải làm theo khẩu lệnh. Thuyền trưởng ra lệnh làm cái gì, làm cái đó và báo cáo lại.

Không có chuyện một cá nhân tùy tiện, táy máy vặn van nọ, nhấn nút kia, sẽ... đưa cả con tàu và đồng đội xuống “hố đen đại dương”. Không có bản lĩnh, dù đã qua vòng uống hết chao đèn nước biển, bước qua cánh cửa tàu ngầm rồi, sớm muộn cũng phải bước lên bờ làm việc khác.

Hàng nghìn người dự tuyển thì mới được một người. Thế mới biết tuyển chọn được một thủy thủ tàu ngầm khó khăn biết nhường nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại