Nhìn chung cho đến nay công ty an ninh tư nhân Phương Tây vẫn thống trị thị trường, nhưng những công ty tương tự của Nga trong thời gian gần đây cũng đang phát triển rất nhanh và nhiều khả năng sẽ chiếm một thị phần không nhỏ trong tương lai.
Quá trình phát triển của những công ty này tại Nga trải qua khá nhiều thăng trầm. Vào thập niên 90, ngay sau khi Liên Xô tan rã, là thời kì bùng nổ, với nguồn cung dồi dào do sự cắt giảm hàng loạt về quy mô của quân đội và các cơ quan an ninh, cộng với tình hình an ninh chính trị rối ren khi đó. Tuy nhiên sau khi Tổng thống Putin nắm quyền, các công ty này dần bị giới hạn và kiểm soát nhiều hơn. Quyền được sử dụng vũ khí sát thương của các công ty tư nhân bị hạn chế gắt gao.
Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ, đặc biệt là với những tập đoàn năng lượng, do nhu cầu bảo vệ các cơ sở dầu khí và đường ống dẫn dầu tại những khu vực xa xôi và nguy hiểm. Năm 2007, hạ viện Nga sửa luật, cho phép nhân viên an ninh của 2 tập đoàn năng lượng hàng đầu là Gazprom và Transneft được mang vũ khí sát thương, do chính quyền liên bang không đủ ngân sách và nhân lực để bảo vệ các cơ sở sản xuất, đường ống dẫn dầu và khí của 2 tập đoàn này tại những khu vực bất ổn, như tại Chechnya.
Tháng 4/2012, trước hạ viện Nga, Thủ tướng Putin cho biết có thể đảo ngược chính sách hạn chế của mình, khuyến khích hoạt động của các công ty an ninh tư nhân Nga tại nước ngoài, và xem các công ty này như một công cụ để thực thi chính sách của chính phủ Nga.
Theo ước tính hiện nay, ngành an ninh tư nhân tại Nga có giá trị 7 tỷ USD mỗi năm, trên quy mô toàn cầu, con số này là 100 tỷ USD. Các công ty này hiện cũng được xem là chuyên nghiệp và được kiểm soát tốt hơn nhiều so với những năm 90, khi mà lính đánh thuê của các công ty an ninh tư nhân không khác mấy so với thành viên các băng đảng.
Tuy nhiên, những công ty này vẫn bị xem là chịu ảnh hưởng từ các mối liên hệ chính trị nhất định. Một ví dụ là công ty an ninh Okhrana, tuy cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân, nó thực chất lạ thuộc sở hữu của Bộ Nội vụ Nga, và do đó có lợi thế cạnh tranh so với các công ty khác.
Một ví dụ khác là công ty Oskord, một trong những công ty an ninh lớn nhất tại Nga, được thành lập bởi hạ nghị sĩ Gennady Gudkov, một cựu nhân viên KGB. Gudkov từng là đồng minh ủng hộ chính quyền Putin nhưng sau đó thay đổi và thường xuyên chỉ trích Kremlin. Pantan, một công ty con của Oskord, cung cấp dịch vụ bảo vệ cho những cuộc tuần hành chống chính phủ vào tháng 2/2012. Không lâu sau đó, trụ sở Oskord bị cảnh sát lục soát, nhiều vũ khí bị tịch thu và kho vũ khí bị niêm phong.
Trên thực tế, ngành an ninh tư nhân tại Nga có một quy mô khổng lồ. Vào thời điểm năm 2010, ngành này sử dụng hơn 750.000 nhân lực. Tuy nhiên đa số hoạt động trong nước. Chỉ đến gần đây, các công ty Nga mới bắt đầu mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Khách hàng hàng đầu của những công ty này bao gồm những tập đoàn năng lượng, khai khoáng lớn của Nga như Russian Aluminium (Rusal), Lukoil, Rosneft và Gazprom khi hoạt động tại những khu vực bất ổn. Như Rusal hiện nay đang điều hành một mỏ bauxite khổng lồ tại Ghinê, hay Lukoil đang có hơn 50% cổ phần tại mỏ dầu Tây Qurna, Iraq.
Chính phủ Nga cũng là một khách hàng lớn của các công ty an ninh tư nhân. Những công ty như RSB Group and Center-Alfa cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các sứ quán Nga tại những khu vực nguy hiểm.
Nhìn chung so với các công ty phương Tây, các công ty an ninh Nga ít được báo chí nhắc đến hơn. Một trong những vụ đình đám nhất là việc hải quân Nigeria bắt giữ tàu MV Myre Seadiver thuộc công ty an ninh Nga Moran bên trong hải phận của mình vào tháng 10/2012. Toàn bộ thuỷ thủ đoàn 15 người bị bắt cùng với số vũ khí trên tàu.
Ban đầu số người này bị buộc tội buôn lậu vũ khí, nhưng được thả một năm sau đó dưới sự tác động của Bộ Ngoại giao Nga. Trên thực tế, hãng Moran khi đó được thuê bảo vệ các tàu chở dầu từ các mỏ dầu ở đồng bằng Niger ra vào vùng Vịnh Ghinê, là nơi có nhiều hoạt động hải tặc. Số vũ khí trên tàu là trang bị của toán lính đánh thuê trên tàu.
Lính đánh thuê của công ty an ninh tư nhân Moran bị bắt cùng tàu MV Myre Seadiver
Tuy có xuất phát điểm thấp hơn, nhưng với lợi thế chi phí nhân lực rẻ hơn so với các công ty phương Tây, các công ty an ninh tư nhân Nga rất có triển vọng mở rộng hoạt động của mình trong tương lai. Đồng thời, các công ty này cũng có thể sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của Nga. Họ có thể tham gia các hoạt động chống lực lượng Hồi giáo cực đoan tại khu vực Chechnya, Dagestan, hoặc tham gia huấn luyện quân sự cho các đồng minh của Nga, như tại Syria, thay vì Nga phải trực tiếp gửi các cố vấn của mình đến.