Vì sao hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel ế ẩm?

Ly Vy |

Mặc dù là một hệ thống phòng thủ tiên tiến, đã trải qua thực chiến nhiều lần nhưng đến nay, Iron Dome vẫn chưa gặt hái được thành công ở thị trường vũ khí quốc tế.

Tiên tiến, độc đáo nhưng ế ẩm

Tờ ynetnews đăng bài viết cho hay: Thông thường, một hệ thống vũ khí mới tiên tiến với tỉ lệ thành công trên chiến trường là 90% sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan mua sắm quốc phòng trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống Iron Dome của Israel vẫn chưa ghi điểm với các khách hàng nước ngoài.

Xét về hiệu quả hoạt động đã được kiểm chứng tại Gaza, Li-băng và tại bán đảo Sinai (Ai Cập), hệ thống Iron Dome vẫn chưa có đối thủ trên thị trường vũ khí. Tuy nhiên, tính độc đáo của nó (được phát triển nhằm ngăn chặn một mối đe dọa cụ thể tại một địa điểm cụ thể) cũng là hạn chế với những quốc gia đang đối mặt với các mối đe dọa về an ninh thông thường.

Bên cạnh đó, Israel còn giới hạn khách hàng của Iron Dome khi không bán hệ thống này cho các quốc gia mà Israel không có quan hệ ngoại giao.

"Có những tranh cãi cho rằng Iron Dome chỉ được thiết kế để đối phó với những thách thức cụ thể mà Israel phải đối mặt trước các mối đe dọa từ tên lửa và rocket tầm ngắn của các tổ chức phi nhà nước" - Avnish Patel, từ Viện nghiên cứu RUSI của Anh, nhận định.

Hiện tại ngoài Israel, mới chỉ có một quốc gia mua hệ thống Iron Dome. Chi tiết về hợp đồng mua sắm cũng như danh tính của quốc gia này được cả 2 phía giữ bí mật.

Hệ thống Iron Dome phóng tên lửa đánh chặn.

Hệ thống Iron Dome phóng tên lửa đánh chặn. Ảnh: internet

Theo ông Yosi Druker, phó chủ tịch công ty Rafael Advanced Defense Systems - nhà chế tạo hệ thống Iron Dome, công ty muốn giữ các hệ thống này ở Israel nhằm tránh việc bị rò rỉ công nghệ.

Tuy nhiên với một quốc gia mà ngân sách quốc phòng dựa phần lớn vào xuất khẩu (Israel bán ra nước ngoài khoảng 80% các loại vũ khí mà họ phát triển, thu về trung bình 6,5 tỷ USD hàng năm), việc tìm kiếm khách hàng nước ngoài cho hệ thống Iron Dome được cho là một bước đi bình thường.

"Rafael đã đầu tư rất nhiều tiền bạc vào hệ thống Iron Dome và họ không thể đủ khả năng làm điều này nếu không xuất khẩu," ông Druker nói với tờ Reuters.

Ngay cả Mỹ cũng chê

Hệ thống Iron Dome được nhanh chóng phát triển sau khi miền Bắc Israel bị tấn công dữ dội bằng rocket của lực lượng Hezbollah vào năm 2006.

Một người từng tham gia cuộc thử nghiệm đầu tiên của hệ thống Iron Dome cho Reuters biết Israel đã sớm nhận ra triển vọng xuất khẩu của hệ thống này, đồng thời bật mí thêm rằng 2 sĩ quan đến từ một quốc gia thường mua vũ khí của Israel nằm trong số những người chứng kiến cuộc thử nghiệm.

Ngoài Israel, Mỹ cũng có liên quan mật thiết đến dự án Iron Dome, Washington đã chi hơn 1 tỷ USD để Israel phát triển hệ thống nhưng từ chối mua để trang bị cho lực lượng của mình ở Iraq và Afghanistan.

Ông Riki Ellison, chủ tịch Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa (MDAA) tại Mỹ cho biết một trong những mối nghi ngại của Lầu Năm Góc là giá của 1 quả tên lửa dùng cho Iron Dome lên đến 100.000 USD và nó không phù hợp đánh chặn đạn cối của quân nổi dậy.

Hệ thống Iron Dome tham gia chiến dịch quân sự “Vành đai Bảo vệ” (Operation Protective Edge). Ảnh: ynetnews

Hệ thống Iron Dome tham gia chiến dịch quân sự “Vành đai Bảo vệ” (Operation Protective Edge). Ảnh: ynetnews

Israel cũng đối mặt với nhiều nguy cơ từ các cuộc tấn công bằng đạn cối. Trong cuộc chiến vào tháng 07 và 08 vừa qua tại Gaza, đã có tổng cộng 15 thường dân và binh lính Israel thiệt mạng do đạn cối, trong khi chỉ có 2 người thiệt mạng do đạn rocket. Công ty Rafael hiện đang phát triển hệ thống Iron Beam sử dụng laser nhằm đánh chặn đạn cối khi đang bay.

Ông Yet Druker khẳng định rằng hệ thống Iron Dome cũng có thể đánh chặn đạn cối nhưng không được sử dụng trong những cuộc chiến gần đây do thường được triển khai ở xa với biên giới dải Gaza. Giá thành của tên lửa đánh chặn có thể được hạ xuống nhờ sản xuất với số lượng lớn và liên doanh sản xuất với Tập đoàn Raytheon của Mỹ.

Tuy nhiên cái giá 50 triệu USD cho 1 tổ hợp Iron Dome bao gồm: radar, phòng điều khiển và 2 bệ phóng tên lửa thì khó có khả năng giảm đáng kể được.

Khách hàng tương lai

Theo Druker, nằm trong danh sách những quốc gia mà Israel không thể xuất khẩu Iron Dome là những nước mà các động thái tăng cường quân sự đang được Mỹ theo dõi một cách thận trọng như Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Rafael cho hay họ đang quảng bá hệ thống Iron Dome tới Hàn Quốc và Ấn Độ, trong đó, Hàn Quốc luôn chịu sự đe doạ từ Triều Tiên, còn Ấn Độ là quốc gia mua vũ khí truyền thống của Israel. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Israel được cho là sẽ phát triển mạnh dưới thời của Thủ tướng Narendra Modi.

Tuy nhiên vẫn chưa có quốc gia nào sẵn sàng mua Iron Dome.

Tên lửa Iron Dome đánh chặn rocket bắn từ dải Gaza trong chiến dịch “Vành đai Bảo vệ” (Operation Protective Edge) 

Tên lửa Iron Dome đánh chặn rocket bắn từ dải Gaza trong chiến dịch “Vành đai Bảo vệ” (Operation Protective Edge). Ảnh: ynetnews

"Hàn Quốc sẽ phải trả một khoản chi phí lớn để mua một số lượng lớn hệ thống nhằm đối phó với các mối đe doạ đang ngày càng gia tăng từ Triều Tiên," ông Patel cho biết.

Trong khi đó, theo chuyên gia Jeremy Binnie của tạp chí quốc phòng Jane's Defense Weekly, Ấn Độ có vẻ như không cần các hệ thống Iron Dome cho khu vực trung tâm đông dân, do những khu vực đó không bị đe doạ bởi rocket. Tuy nhiên, theo Binnie, New Delhi có thể mua một số hệ thống nhằm bảo vệ các khu vực quan trọng.

Liên quan tới mối lo ngại rò rỉ công nghệ, Rafael cho hay an ninh quốc gia Israel sẽ không bị ảnh hưởng nếu điều này xảy ra, bởi uân đội Israel đang sử dụng phiên bản Iron Dome thế hệ 4 và chỉ cho phép Rafael xuất khẩu các phiên bản cũ của hê thống này ra nước ngoài.

Hệ thống Iron Dome đánh chặn rocket của Hamas bắn vào đất Israel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại