Bằng việc mua về tên lửa S-400 của Nga, Bắc Kinh đã có một vụ đầu tư có lợi cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko nhận định.
Trước đó vào ngày 13/4, người đứng đầu công ty quốc phòng Nga Rosoboronexport Anatoly Isaykin đã xác nhận rằng Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400.
“Tôi tin rằng hiện có hai phương án để sử dụng tên lửa này: hoặc là họ sẽ bảo vệ trung tâm chính trị quan trọng là Bắc Kinh, hoặc họ sẽ bảo vệ vùng biển.
Bằng việc mua về tên lửa S-400, Trung Quốc đã có một thương vụ đầu tư rất tốt cho an ninh quốc gia”, ông Korotchenko cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng S-400 có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu, bao gồm các loại tên lửa hành trình và máy bay tàng hình.
Nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) Siemon Wezeman cũng tin rằng tên lửa S-400 sẽ được triển khai quanh các trung tâm chính trị và quân sự hiện đang được bảo vệ bởi tên lửa S-300 và HQ-9 của Trung Quốc.
“S-400 có khả năng chống lại các loại tên lửa đạn đạo, vốn là mối hiểm họa lớn đối với những mục tiêu quan trọng này”, ông Wezeman cho biết.
Ông Wezeman nói thêm rằng S-400 có tầm xa lớn hơn nhiều so với S-300 của Nga. Bắc Kinh cũng có thể sử dụng chúng để bảo vệ eo biển và không phận gần Đài Loan, cũng như bố trí chúng gần biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.
Ông Vassily Kashin, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow cho biết, S-400 có tầm xa lên đến 400km, do đó sẽ cho phép Bắc Kinh tấn công các mục tiêu trên biển Hoa Đông.
“Những loại tên lửa này có khả năng bắn rơi các mục tiêu trong không phận đảo Điếu Ngư/Senkaku từ đại lục Trung Quốc”, ông Kashin nói.
Ông Wezeman cũng nhấn mạnh rằng việc mua về các hệ thống phòng không mới và hiện đại sẽ ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, thay đổi này sẽ không thật sự lớn.
“Tôi đoán rằng các nước trong khu vực sẽ nhìn vào diễn biến tình hành và quyết định phương án đáp trả. Rất có thể họ sẽ xem xét những vũ khí mà họ có thể mua được có thể ngăn cản S-400, ví dụ như máy bay tàng hình, tên lửa chống radar, các loại tên lửa tầm xa hoặc các hệ thống điện tử quân sự”, Wezeman nói.
Tên lửa S-400 mới của Nga có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao tối đa hơn 50.000m, có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn và được thiết kế nhằm chống lại tên lửa đạn đạo và hành trình.
S-400 được sản xuất bởi hãng Almaz-Antey đã được đưa vào hoạt động trong quân đội Nga kể từ năm 2007.
Hệ thống tên lửa hiện đại này có thể bắn 3 loại đầu đạn, tạo nên một lớp phòng không hữu hiệu và có thể tấn công 36 mục tiêu cùng lúc.
Mặc dù đã có nhiều cuộc đàm phán, một vài người đã từng nghĩ rằng Nga sẽ từ chối bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc vì một số lý do.
Đầu tiên, một số thông tin cho thấy Nga có kế hoạch hoãn toàn bộ việc bán tên lửa S-400 ra nước ngoài cho đến khi nhu cầu của quân đội Nga được thỏa mãn, ít nhất là cho đến cuối thập kỷ này.
Hơn thế nữa, rất nhiều quan chức quân đội Nga đã lo ngại rằng Trung Quốc sẽ mua vũ khí của họ nhằm đánh cắp công nghệ và sao chép kỹ thuật để sản xuất một mẫu khí tài nội địa.
Dù vậy, Nga đã quyết định đồng ý thỏa thuận mua bán này.
Chi tiết về hợp đồng mua bán vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên đã có những thông tin cho thấy Trung Quốc đã ký “một hợp đồng trị giá 3 tỉ USD cho ít nhất 6 đội S-400, mỗi đội gồm 8 tên lửa” với Nga.
Mặc dù đây có thể coi là bước đi mới trong quan hệ ngày càng phát triển giữa Nga và Trung Quốc, điều này thực tế đã được dự báo từ trước.
Trung Quốc đã có trong tay 40 tên lửa S-300 của Nga, cũng như 60 tên lửa HQ-15/18 được sản xuất tại Trung Quốc, do đó việc Trung Quốc quyết định mua thêm S-400 là điều không thể tránh khỏi.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã khiến nhiều nước lo lắng, đặc biệt là khi Nga với châu Âu và Mỹ đang căng thẳng về vấn đề Ukraine.