Để trả lời cho câu hỏi hóc búa này, báo chí TQ đã lật lại quá khứ khi công bố những bức ảnh về các mẫu tàu sân bay, khu trục hạm cỡ lớn từ thời Liên Xô cũ nhưng chưa bao giờ được đưa vào sản xuất, và họ gọi những nguyên mẫu này là “bản thiết kế“ trên giấy. Quả thật khi nhà nước Xô viết non trẻ mới ra đời chưa được bao lâu, lãnh đạo Liên Xô đã bắt đầu xúc tiến tăng cường sức mạnh quân sự. Bên cạnh xây dựng lục quân, không quân, họ cũng rất chú ý tới hải quân đặc biệt phát triển tàu sân bay.
Thế nhưng, do điều kiện phát triển kinh tế phải đến những năm 40 của thế kỷ trước, Liên Xô mới nỗ lực cụ thể hóa giấc mơ của mình, nhưng họ lại phải lao vào cuộc chiến vệ quốc vĩ đại chống lại quân đội phát xít. Phải đến khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Liên Xô mới tính tới việc chế tạo tàu sân bay, theo đó dự án 71 đóng tàu sân bay hạng nhẹ dựa trên thân tàu tuần dương hạm Chapayev, lượng choán nước 13.000 tấn. Tàu mang 15 tiêm kích cơ và 30 máy bay công kích ngư lôi. Dự án 71 triển khai rất chậm, do ảnh hưởng bởi chiến tranh nên không chiếc nào được đóng.
Phải đến năm 1964, Leonid Brezhnev lên thay thế Khruschev, Liên Xô bước vào thời kì chạy đua vũ trang quyết liệt với Hoa Kì. Nhiều chương trình chế tạo vũ khí mới được tái khởi động và dự án chế tạo tàu sân bay đương nhiên cũng được xúc tiến, tạo tiền đề cho sự ra đời của “tàu sân bay” Moskva.
Moskva có trọng lượng choán nước khoảng 17.000 tấn, dài 189 mét. Trang bị các vũ khí phòng không như tổ hợp tên lửa SA-N-3, pháo 57mm cùng các loại vũ khí chống ngầm (RBU-6000, ngư lôi 533mm).
Moskva chưa bao giờ được coi là “tàu sân bay” đúng nghĩa. Thiết kế của nó là sự lai tạp, đặc điểm boong trước trang bị các loại vũ khí đối không, đối hải – đây cũng là đặc trưng của các “tàu sân bay” Xô Viết thế hệ tiếp theo và cũng là điểm khác biệt rõ rệt nhất đối với các hàng không mẫu hạm của Hoa Kì.
Boong tàu phía sau là sân bay, nhưng Moskva lại không thể mang được các máy bay cánh cố định mà chỉ mang được trực thăng (14 chiếc Kamov Ka-25). Thực sự Moskva không để lại được nhiều ấn tượng nhưng dẫu sao nó cũng đánh dấu sự thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo Xô viết mở đầu cho các bước phát triển tiếp theo các thế hệ tàu sân bay hải quân Xô Viết.
Sau Moskva thì đến thế hệ của tàu sân bay lớp Kiev rồi tới Mink và Baku. Tiếp sau đó là tàu sân bay lớp Kreml có khả năng tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên biển, dưới biển và trên không (là tàu đô đốc Kuznetsov hiện tại của Nga). Tuy nhiên, có một dự án tàu sân bay hiện đại của Liên Xô nhưng không bao giờ được thực hiện đó chính là dự án thiết kế tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân (dự án 1153 OREL). Được miêu tả có lượng choán nước 80.000 tấn, có khả năng chở 70 máy bay vào năm 1973.
Dự án 1153 có thể đã trở thành tàu sân bay lớn nhất và hiện đại nhất của hải quân. Tuy nhiên, sau đó dự án này đã bị hủy bỏ vì nhiều lý do khác nhau.
Sau khi Liên bang Xô viết tan vỡ, do các hậu quả từ thời hậu Xô viết để lại, cùng với các khoản nợ khổng lồ. Liên bang Nga có thời gian dài rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài, ngân sách dành cho quốc phòng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Việc duy trì các tàu sân bay vượt quá khả năng cho phép của nước Nga lúc đó. Cũng kể từ thời điểm này nhiều mẫu thiết kế tàu sân bay hiện đại cỡ lớn của Liên Xô đều bị “xếp xó“ và “Hạm đội tàu sân bay” của nước Nga chỉ duy nhất còn chiếc Admiral Kuznetsov là hoạt động cho đến ngày hôm nay.
Báo chí TQ tin rằng sức mạnh tàu sân bay của Nga sẽ không kém Mỹ nếu họ trải qua giai đoạn khó khăn từ thời Xô Viết, tuy nhiên câu chuyện tương lai thì chưa ai có thể đoán định được và biết đâu một ngày nào đó Nga sẽ hoàn toàn vượt Mỹ.