'Vén màn' thế trận của những siêu vũ khí Mỹ ở châu Á-TBD

Tiêm kích tàng hình F-22, máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B, B-2, tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio, tàu sân bay nguyên tử USS George Washington… đều tập trung bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với chiến lược xoay trục về châu Á, gần đây quân đội Mỹ đang đẩy nhanh các bước "hướng Đông” trọng tâm chiến lược toàn cầu, các loại vũ khí tấn công chiến lược của quân đội Mỹ cũng được điều động liên tục tới khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang mới đây đã vô tình trao cho Mỹ lý do tuyệt vời để triển khai các loại quận bị tối tận như chiến đấu cơ tàng hình 'chim ăn thịt' F-22, 'pháo đài bay' B-52, máy bay oanh tạc B-1B, máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit, các tàu khu trục mang tên lửa đánh chặn lớp Aegis và tàu ngầm hạt nhân chiến lược áp sát khu vực này.

Nhiều chuyên gia đã thẳng thừng nhận xét rằng mục tiêu của Mỹ không phải một Triều Tiên nghèo khó, yếu ớt mà sâu xa chính là việc hình thành vòng vây kiềm tỏa đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc. Có thể việc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự ở Tây Thái Bình Dương, nhưng trước tiên chính Mỹ đã chủ ý đến và làm thay đổi quy tắc trò chơi.

'Chim ăn thịt' F-22 tham gia vòng vây

Khi báo chí đang xôn xao về sự ra đời máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, ngày 7/1/2011 không Quân Mỹ loan báo 15 máy bay tàng hình siêu âm F-22 sẽ được triển khai tạm thời tại căn cứ Kadena của quân Mỹ ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Kể từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 5 quân đội Mỹ bố trí tạm thời máy bay F-22 tại Okinawa.

Máy bay tàng hình siêu âm F-22 của Không quân Mỹ
Máy bay tàng hình siêu âm F-22 của Không quân Mỹ.

Thời gian bố trí lần này là 4 tháng. Không quân Mỹ cho biết, việc triển khai tạm thời lần này "là để làm nổi bật sự tham gia của Mỹ đối với (công việc phòng vệ của) đối tác quan trọng Nhật Bản, thể hiện quyết tâm bảo đảm ổn định và an ninh của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương".

Các nhà phân tích cho rằng, với tư cách là lực lượng đột kích không chiến của quân Mỹ, máy bay chiến đấu F-22 xuất hiện thường xuyên ở Okinawa, nhằm hình thành sự răn đe chiến lược đối với các nước có liên quan, tiến tới đặt nền tảng cho việc giành lấy quyền kiểm soát châu Á-Thái Bình Dương cho quân đội Mỹ.

Dựa vào tính năng tàng hình và khả năng tuần tra siêu âm của F-22, dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu, F-22 có thể xuyên thẳng trung tâm lục địa châu Á, thực hiện nhiệm vụ của hệ thống tấn công phòng không, trung tâm chỉ huy và trung tâm chính trị.

Tháng 1/2009, 12 máy bay F-22 lần đầu tiên đóng tại Căn cứ không quân Andersen ở Guam. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc tăng cường ưu thế sức mạnh quân sự cho Quân đội Mỹ. So với căn cứ Kadena, Guam cách lục địa châu Á xa hơn, ở mức độ lớn có thể tránh được sự tấn công của không quân các nước châu Á.

Dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu trên không, máy bay F-22 có hành trình gần 4.000 km lại có thể độc lập trực tiếp xâm nhập, trực tiếp tấn công các mục tiêu mặt đất ở lục địa châu Á, từ đó tạo ra ưu thế đối với các nước châu Á.

Ngoài F-22, ba loại máy bay ném bom chiến lược của quân Mỹ gồm B-52, B-1B, B-2 hiện nay đều được bố trí tại căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Máy bay ném bom chiến lược với khả năng tấn công tầm xa luôn là vũ khí tác chiến lợi hại quan trọng của Quân đội Mỹ.

Chẳng hạn máy bay ném bom chiến lược B-2 có thể bay liên tục 12.000 km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, có thể mang theo vài chục quả bom dẫn đường chính xác hoặc 8 tên lửa hành trình. Ngoài ra, máy bay ném bom mới B-3 đang được quân đội Mỹ phát triển, cũng có thể sẽ được điều đến Guam.

Quân đội Mỹ từng cho biết, máy bay ném bom chiến lược này có thể mang theo một lượng lớn bom đạn, có thể triển khai hành động 24/24 giờ trong bất kỳ thời tiết nào.

Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, B-3 sẽ ra đời vào năm 2018. Các nhà phân tích cho rằng, máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu F-22 đồng thời hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tăng cường rất lớn cho quân Mỹ khả năng can dự nhanh đối với các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.

'Bảo kiếm' tàu ngầm nguyên tử

Trên biển, Mỹ bố trí nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử tại khu vực Đông Á, đã tạo ra thế bao vây ngăn chặn Hải quân Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.

Năm 2001, quân đội Mỹ đã thành lập Trung đội tàu ngầm số 15 tại căn cứ hải quân Apra trên đảo Guam, tiếp theo đó trang bị 3 tàu ngầm tấn công nguyên tử "Los Angeles", chúng luôn có khả năng rình rập xung quanh Eo biển Đài Loan, tiến hành do thám dưới nước.

Năm 2008, tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hành trình "Ohio" của Mỹ cũng được kéo vào quân cảng Apra. Là tàu ngầm được trang bị nhiều tên lửa hành trình nhất thế giới, tàu ngầm "Ohio" có thể được trang bị 154 quả tên lửa hành trình "Tomahawk", khả năng tấn công chỉ đứng sau hạm đội tàu sân bay.

Chỉ huy tàu ngầm "Ohio", Thượng tá Hale từng khoe rằng, chỉ cần từ tây Guam đi vài trăm km, tàu "Ohio” sẽ có thể tiến hành uy hiếm tầm xa đối với khu vực Eo biển Đài Loan.

Cuối tháng 9/2010, quân cảng Apra ở Guam đã đón tiếp một "bảo kiếm” trong đội ngũ tàu ngầm nguyên tử của hải quân Mỹ, đó là tàu ngầm tấn công nguyên tử tiên tiến nhất "Hawaii" lớp Virginia.

Tàu ngầm nguyên tử này có thể lặn sâu tới 243 m, mang theo 24 quả ngư lôi nặng 2 tấn, có thể phóng tên lửa hành trình "Tomahawk". Các nhà phân tích cho rằng, với khả năng trinh sát và cơ động gần bờ mạnh, khi đến chốt giữ tại đây, tàu ngầm nguyên tử này sẽ trở thành một "người lính” bao vây, phong tỏa và do thám các loại tin tức ở vùng biển xung quanh Trung Quốc.

"Con bài tàu sân bay”

Ngay từ năm 2004, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Fargo đã đề nghị, tăng cường 1 tàu sân bay thường trú lâu dài ở một nơi nào đó tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Hawaii và Guam, nhằm duy trì một trạng thái "sẵn sàng chiến đấu cao”. Trong năm 2010 vừa qua, khái niệm "nhóm tàu sân bay” từ 2 – 3 tàu sân bay, thực sự đã làm căng thẳng "dây thần kinh” an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay USS George Washington đóng tại Yokosuka, Nhật Bản đã liên tục tiến hành tập trận với 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2010. Sau khi tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng bởi sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong, Hải quân Mỹ đã liên tiếp phát đi tín hiệu tăng cường tàu sân bay tới châu Á-Thái Bình Dương.

Báo chí Mỹ gần đây cho biết, hạm đội tàu sân bay Carl Vinson (có kế hoạch thay thế tàu USS George Washington đang được nghỉ ngơi, tu sửa) đã đến vùng biển Okinawa. Tàu Carl Vinson sẽ tổ chức tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hàn Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ giỏi đánh "con bài tàu sân bay”, động thái phức tạp này chủ yếu là để uy hiếp tinh thần, nhằm khẳng định rằng, không thể thách thức địa vị bá chủ của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

"Gươm súng sẵn sàng' ở Đông Á

Các nhà phân tích cho rằng, quân đội Mỹ "gươm súng sẵn sàng” ở khu vực Đông Á đã gây ra tác hại đối với tình hình an ninh khu vực này:

Một là, làm trầm trọng hơn sự đối đầu quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các vấn đề điểm nóng tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giải quyết những vấn đề này, các bên cần đối thoại và tham vấn.

Tàu ngầm tấn công nguyên tử
Tàu ngầm tấn công nguyên tử "Hawaii".

Mỹ muốn thông qua sức ép vũ lực để tìm cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là trực tiếp bố trí vũ khí tấn công chiến lược ở tiền duyên các điểm nóng, cho thấy quyết tâm sẵn sàng can dự bất cứ lúc nào, điều này không chỉ bất lợi cho giải quyết vấn đề, mà còn làm tăng khả năng xảy ra xung đột.

Hai là, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tồn tại các vấn đề như tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tranh giành quyền lợi biển.

Mỹ tăng cường bố trí quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm gia tăng sức ép quân sự đối với một số nước, thúc đẩy những nước này đẩy nhanh tăng cường sức mạnh quân sự của mình.

Tàu sân bay nguyên tử USS George Washington
Tàu sân bay nguyên tử USS George Washington .

Ba là, đã làm tăng sự ngờ vực giữa một số nước. Quân đội Mỹ tiến hành "bố trí tiền duyên” ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc điều động tập trung các loại vũ khí tiên tiến, còn tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với một số nước đồng minh, biến họ thành căn cứ tiền duyên để Mỹ can dự vào các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực lại bày tỏ ủng hộ sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trước tốc độ hiện đại hóa quân đội nhanh chóng của Trung Quốc suốt một thời gian dài vừa qua, cũng như sự ngang ngược, cứng rắn của nước này trong giải quyết tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại