Căn cứ tàu ngầm tuyệt mật có vị trí chiến lược
Bài báo cho biết, căn cứ tàu ngầm này sẽ là cảng mẹ của lực lượng tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo và các loại tàu ngầm khác, trở thành trung tâm tập trung những tinh hoa về công nghệ tàu ngầm của người Ấn Độ.
Tầm bao quát chiến lược của căn cứ này đã vượt quá khu vực quần đảo Andaman ở phía nam Ấn Độ, bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương và sẽ trở thành sự uy hiếp lớn đối với hải quân Trung Quốc nếu họ bành trướng phạm vi hoạt động sang đại dương này.
Bài viết tiết lộ, căn cứ tàu ngầm hạt nhân này nằm ở khu vực cách Thành phố Visakhapatnam 50 km về phía nam thuộc bang Andhra (Andhra Pradesh). Thành phố này chính là nơi đặt đại bản doanh của Bộ tư lệnh hải quân phía đông - 1 trong 2 hạm đội hải quân chủ lực của Ấn Độ.
Căn cứ tàu ngầm này có diện tích hơn 20km2, cung cấp các cầu cảng và công trình sửa chữa, bảo dưỡng cho các tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn, trong tương lai nó sẽ tiếp tục được mở rộng thêm.
Sở dĩ căn cứ này được coi là tuyệt mật vì các ụ neo và đường hầm ra biển của tàu ngầm đều được xây dựng ngầm dưới đáy biển. Ngoài ra, tất cả các công trình kiến trúc khác như: Cầu cảng chuyên dụng, nhà kho, xưởng sửa chữa, nhà ở cho nhân viên cũng đều được xây dựng ngầm, tránh sự nhòm ngó của các vệ tinh trinh sát và có khả năng chống lại các vụ tập kích đường không.
“Thời báo Ấn Độ” còn cho biết, nhằm đúng vào việc Trung Quốc hiện đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ xây dựng căn cứ tàu ngầm mới ở đây là cực kỳ phù hợp với quy hoạch tổng thể, nhằm tăng cường quân lực ở khu vực biển phía đông Ấn Độ. Bảo vệ tuyến bờ biển và giám sát các hoạt động trên tuyến đường thương mại quan trọng là một nhiệm vụ quan trọng đối với hải quân Ấn Độ.
Theo tiết lộ của trang mạng “Tin tức quốc phòng Ấn Độ”, để thực hiện chiến lược “Hướng đông” của mình, tăng cường phòng chống sự xâm nhập của Trung Quốc, Ấn Độ đã bắt tay triển khai xây dựng căn cứ có tính chất tuyệt mật, được ưu tiên cấp quốc gia này từ năm 2005.
Hiện nay, cả 3 căn cứ hải quân của Ấn Độ là căn cứ hải quân khu vực phía Đông nằm ở Visakhapatnam, căn cứ hải quân Cochin ở phía nam, căn cứ hải quân phía tây nằm ở Mumbai đều nằm chung với các cảng dân sự, tình hình ở đây rất phức tạp, rất khó bảo vệ các bí mật quân sự.
Vì vậy, Ấn Độ đã triển khai xây dựng căn cứ tàu ngầm cách Visakhapatnam khoảng 50km về phía nam. Đây là khu vực hoang vu ít người biết đến, sau khi hoàn tất sẽ hoàn toàn thuộc quyền quản lý của hải quân. Hiện căn cứ cơ bản đã hình thành, “cư dân đầu tiên” của nó chính là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo “Nerpa” lớp Akula-II Ấn Độ thuê của Nga và các tàu ngầm hạt nhân do Ấn Độ tự sản xuất lớp “Arihant”.
Tham vọng thống trị đại dương của Ấn Độ
Trong tương lai, căn cứ tàu ngầm này sẽ được bố trí 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công, trở thành căn cứ chiến lược lớn nhất, bảo đảm duy trì khả năng răn đe hạt nhân, đóng vai trò quan trọng trong bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân là: Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom chiến lược tầm xa và tên lửa đạn đạo trên lục địa.
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ triển khai những tàu nổi hiện đại nhất hiện đang phục vụ và thế hệ tàu khu trục mới nhất đang phát triển trên mặt nước của cảng. Để đảm bảo kết nối thông tin với Bộ tư lệnh hải quân phía Đông ở thành phố Visakhapatnam, Ấn Độ đã xây dựng hệ thống thông tin cáp quang dưới đáy biển và hệ thống thông tin vô tuyến sóng dài.
Mấy năm gần đây, nội dung cốt lõi trong học thuyết hải quân thế kỷ mới của Ấn Độ là coi trọng phát triển tiềm lực hạt nhân từ căn cứ trên biển, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, đồng thời phát triển song song lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm thông thường trang bị tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hiện Ấn Độ đang đóng khoảng 43 tàu ngầm các loại, ngoài ra còn 6 tàu ngầm lớp Scorpene, đặt hàng của công ty DCNS của Pháp (ở Đông Nam Á hiện Malaisia là nước đầu tiên đặt mua loại tàu này). Đây là loại tàu ngầm rất hiện đại sử dụng công nghệ động lực AIP tiên tiến nhất thế giới hiện nay, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao vào năm 2015, chiếc cuối cùng sẽ hoàn tất năm 2018.
Ấn Độ sẽ đóng mới 6 tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp “Arihant”, chiếc đầu tiên được hạ thủy năm 2009, chiếc thứ 2 đã được triển khai đóng năm 2011. Hệ thống vũ khí chính của tàu là 12 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-15, hệ thống tên lửa chống hạm BrahMos phiên bản phóng từ tàu ngầm và hệ thống phóng ngư lôi 522mm.
“Arihant” có chiều dài 120m, lượng giãn nước thông thường 6000 tấn, tối đa là 7000 tấn. Lò phản ứng hạt nhân với công suất 85MW giúp tàu đạt tới vận tốc 24 hải lý/h (44km), biên chế chính thức là 95 thủy thủ. Sự ra đời của “Arihant” cũng biến Ấn Độ trở thành nước thứ 6 trên thế giới chế tạo thành công tàu ngầm hạt nhân, chỉ sau 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc
Tháng 2 vừa qua, tàu ngầm của hải quân Ấn Độ đã liên tiếp thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm gần có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-15. Loại tên lửa này có chiều dài 6,5m, trọng lượng 7 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, độ sai lệch mục tiêu chỉ có 25m.
Các quan chức của tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO cho biết, trong giai đoạn đầu tên lửa K-15 “Sagarika”sẽ bay trên độ cao khoảng 7km, đến giai đoạn thứ 2 nó vượt hẳn lên độ cao 20km và bay với vận tốc khủng khiếp là Mach7 (tương đương gần 9000 km/h).
Sau khi chính thức đưa K-15 vào sử dụng, Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước thứ 6 sau Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc sở hữu khả năng tấn công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm. Tuy tầm bắn không lớn nhưng với vận tốc siêu hạng của mình, tên lửa K-15 sẽ giúp các tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ có khả năng tấn công mặt đất cực mạnh, chỉ kém mỗi Mỹ và Nga.
Ngoài ra, ngày 27/01 vừa qua Ấn Độ cũng đã thử nghiệm lần đầu thành công tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm. Loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được đặt tên là K-5 này có tầm bắn 1500km. Những thành công liên tiếp của tàu ngầm “Arihant” và tên lửa đạn đạo K-15, K-5 đã biến Hải quân Ấn Độ thành một siêu cường về tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của thế giới.
Hải quân Ấn Độ hy vọng trong tương lai không xa sẽ hoàn tất xây dựng biên đội hàng không mẫu hạm - tàu ngầm hạt nhân mang đầu đạn hạt nhân, đủ khả năng khống chế toàn bộ Ấn Độ Dương và “lấn sân” sang Thái Bình Dương, mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Căn cứ tàu ngầm Visakhapatnam chính là bệ phóng giúp Ấn Độ hoàn thành tâm nguyện ấy.