Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 363 cơ động trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc; đánh hàng nghìn trận, bắn rơi 381 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 12 máy bay ném bom chiến lược B-52. Sư đoàn hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ:
Bảo vệ yếu địa, bảo vệ các tuyến giao thông vận chuyển chiến lược, bảo vệ hậu phương chiến dịch trong điều kiện tác chiến phòng không hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Hiện nay, sư đoàn đóng quân trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố vùng duyên hải Bắc Bộ, được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời Đông Bắc Tổ quốc.
Để có được những chiến công, lập thành tích xuất sắc là do sư đoàn đã xây dựng và phát huy cao độ nhân tố chính trị, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đây là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi.
Ngay từ khi mới thành lập, Bộ tư lệnh Phòng không Hải Phòng (Sư đoàn Phòng không 363 ngày nay) đã khẩn trương ổn định tổ chức, biên chế; quán triệt, giáo dục bộ đội xác định tốt nhiệm vụ.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường giáo dục truyền thống chiến đấu của các đơn vị tiền thân, xây dựng cho bộ đội quyết tâm đánh thắng trận đầu.
Toàn sư đoàn nỗ lực huấn luyện, củng cố trận địa, làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng bước vào chiến đấu.
Nhờ đó, trong trận đầu ra quân ngày 11-7-1965, Đại đội 171 pháo cao xạ 100mm, bằng một loạt 8 viên đạn bắn theo phần tử tổng hợp ở cự ly 18km đã bắn rơi một máy bay F104.
Đây là chiến công đầu tiên của quân dân Hải Phòng bắn rơi máy bay phản lực Mỹ trên đất liền trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Chiến thắng trận đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, kịp thời động viên khí thế cách mạng, củng cố lòng tin của Bộ đội Phòng không và quân dân TP Hải Phòng.
Phát huy chiến thắng trận đầu, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 363 đã khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, tích cực nghiên cứu địch, sáng tạo nhiều cách đánh hay, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, chiến dịch tác chiến phòng không, thực hiện càng đánh càng mạnh, hiệu suất chiến đấu ngày càng cao và trưởng thành nhanh chóng, vững chắc về mọi mặt.
Lực lượng pháo phòng không của sư đoàn đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp tác chiến, như sử dụng bắn pháo bằng phần tử tổng hợp, phần tử ra-đa... để đánh máy bay địch, đạt hiệu suất cao.
Đặc biệt với phương pháp bắn bằng phần tử ra-đa, Đại đội 174 pháo 100mm của Trung đoàn 240 đã lập công xuất sắc, bắn rơi một “pháo đài bay” B-52 của đế quốc Mỹ trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972.
Để nghiên cứu cách đánh, phục vụ xây dựng quyết tâm và kế hoạch tác chiến chống máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, Bộ Tổng tư lệnh và Quân chủng Phòng không-Không quân đã điều động Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh.
Sau hơn một năm vừa nghiên cứu vừa tổ chức đánh máy bay B-52, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 238 trải qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, kiên trì bám trụ dưới làn bom đạn địch để tìm ra điểm yếu và quyết tâm bắn rơi máy bay B-52.
Ngày 17-9-1967, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 238) đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên. Ngày 20-12-1967, Tiểu đoàn 82 của Trung đoàn bắn rơi hai máy bay B-52 của Mỹ.
Kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm chiến đấu thực tế của Trung đoàn Tên lửa 238, đã được Quân chủng Phòng không-Không quân hoàn chỉnh, biên soạn thành tài liệu huấn luyện chiến đấu (Cuốn sách đỏ “Cách đánh B-52”), góp phần quan trọng để Bộ đội Tên lửa nước ta lập công, bắn rơi hàng chục máy bay B-52 trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 lịch sử.
Vận dụng kinh nghiệm chiến đấu, tác chiến phòng không chống lại các loại vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao của đối phương, Sư đoàn Phòng không 363 đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ.
Kết thúc huấn luyện hằng năm, sư đoàn đều đạt và vượt chỉ tiêu huấn luyện giỏi. 100% số lần các đơn vị trực thuộc đại diện cho sư đoàn tham gia hội thi, hội thao, diễn tập bắn đạn thật do cấp trên tổ chức đều đạt điểm giỏi, giành giải cao và được tặng cờ “Đơn vị bắn giỏi”.
Hằng năm, sư đoàn có hơn 70% đơn vị cơ sở đạt tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Sư đoàn thường xuyên hoàn thiện các phương án tác chiến, duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ quy định SSCĐ, quản lý vùng trời bảo đảm thực chất, vững chắc, đặc biệt là những đợt SSCĐ cao điểm bảo vệ các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và các dịp lễ, Tết.
100% các phân đội trực ban SSCĐ đều đạt tiêu chuẩn “Đơn vị trực ban khá”, quản lý chặt chẽ mục tiêu được giao, kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không.
>>> Việt Nam tránh "thảm họa" thiếu đạn như Ấn Độ thế nào?