V-22 Osprey có thể trở thành “thùng xăng bay”

Văn Hiếu |

Thủy quân lục chiến Mỹ đang phát triển một hệ thống mới cho phép “Chim ưng biển” - máy bay V-22 Osprey chuyển đổi tính năng từ chở quân sang tiếp dầu trên không cho các chiến đấu cơ khác.

Cụ thể, trong khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến, V-22 Osprey sẽ kiêm luôn nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho phi đội máy bay của lực lượng này, trong đó gồm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35B Lightning II.

Thậm chí nó còn có khả năng tiếp nhiên liệu cho cả xe chiến đấu mặt đất bởi rất nhiều dòng xe của Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sử dụng nhiên liệu hàng không.

Theo Thiếu tá Douglas Thumm, sĩ quan phụ trách kế hoạch cho chương trình trên của Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, dự án này đang ở trong những bước đầu tiến hành và sẽ ra mắt vào khoảng năm 2017.

Khả năng mới của V-22 Osprey sẽ cho phép mở rộng phạm vi tác chiến của các máy bay chiến đấu của Thủy quân lục chiến Mỹ mà không cần phải dựa vào các lực lượng khác hay đồng minh để tiếp dầu.

Một chiếc V-22 Osprey đang hạ cánh để đón binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ

Ngoài ra, nó sẽ giúp các thành phần chiến đấu trên không của Thủy quân lục chiến Mỹ thêm độc lập và linh hoạt hơn bởi Osprey có khả năng hạ cánh ở nhiều địa hình mà trực thăng thông thường hay máy bay cánh bằng không thể thực hiện được.

Một hệ thống tiếp nhiên liệu nguyên mẫu đã được thử nghiệm vào tháng 8-2013 ở Texas.

Trong bản đánh giá, Boeing, một trong những cha đẻ V-22 Osprey, cho biết một chiếc V-22 Osprey trang bị thùng dầu và ống tiếp nhiên liệu đã được triển khai một cách an toàn, tiếp dầu ổn định cho một chiếc F/A-18C Hornet và một chiếc F/A-18D Hornet bay ngay phía sau và bên cạnh của mình, sau đó thu lại ống phễu.

Tính năng trên sẽ không làm ảnh hưởng nhiệm vụ vốn có của V-22 Osprey là chuyên chở binh sĩ và trang thiết bị của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Hệ thống tiếp nhiên liệu này sẽ được tháo-lắp dễ dàng, giúp cho V-22 Osprey có thêm nhiều tác dụng tùy theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

Khả năng tiếp dầu là một cải tiến mới nhất trên V-22 Osprey.

Từ khi được đưa vào biên chế vào năm 2007, Thủy quân lục chiến Mỹ đã cải tiến “Chim ưng biển” có thể lắp thêm một súng máy và đang cố gắng cải tiến để trực thăng có thể mang thêm một hệ thống phóng tên lửa.

Với hệ thống động cơ phản lực cánh quạt, xoay 90 độ, tầm bay chiến đấu không tiếp dầu tới 690km, V-22 Osprey được coi là hình mẫu của máy bay đổ bộ thẳng đứng vào sâu trong bờ.

Hệ thống động cơ tự động xoay này có thể điều chỉnh góc chỉ trong 90 giây, ngay cả khi sức gió gần 100km/h.

Nó có khả năng cất cánh thẳng đứng nhưng có vận tốc của một máy bay chiến đấu và có thể hạ cánh trên đường băng như những máy bay phản lực thông thường.

V-22 Osprey có thể chở được 24 binh sĩ cùng hơn 9 tấn hàng hóa, nhưng vẫn đạt tốc độ chiến đấu 443km/h, nhanh gấp đôi máy bay trực thăng thông thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại