Uy lực trấn giữ biển Đông của Redut-M Việt Nam sau khi nâng cấp

Quyết Thắng |

(Soha.vn) - Nếu tổ hợp Bastion là "chú báo" nhanh, mạnh và uyển chuyển thì tổ hợp tên lửa bờ Redut-M của Việt Nam lại là mãnh hổ đầy uy lực trấn giữ biển Đông.

Sức mạnh của mãnh hổ

Trong bộ ba lá chắn phòng thủ bờ biển của Binh chủng Pháo binh - Tên lửa bờ thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam, nếu tổ hợp Bastion-P sử dụng tên lửa P-800 Yakhont được đánh giá là hiện đại nhất với khả năng bay siêu âm (vận tốc 750 m/s) sát mặt biển (cách mặt biển 5-15 m) và được áp dụng công nghệ tàng hình có thể ví như "chú báo" dũng mãnh, uyển chuyển thì tổ hợp Redut-M lại là “mãnh hổ” đầy uy lực.

Sở dĩ có thể nói như vậy trước hết bởi vóc dáng cực "khủng" của tổ hợp. Một hệ thống Redut-M của Lữ đoàn 679 đang đóng quân tại Hải Phòng bao gồm: 3 xe phóng SPU-35B hoặc SPU-35V, 1 xe chỉ huy, 1 xe radar 4R45 Skala và các xe tiếp đạn. Tên lửa được đặt trong ống phóng ZIL-135K lắp trên xe tải BAZ-135MB 8x8 bánh. Mỗi xe phóng mang 1 tên lửa được vận hành bởi 5 người, thời gian triển khai sẵn sàng chiến đấu khoảng 30 phút.

Tên lửa P-35B của tổ hợp Redut-M có kích thước rất đồ sộ với chiều dài 10,2m, đường kính thân gần 1m, sải cánh 2,6m, trọng lượng phóng 4,5 tấn. Với kích thước "khủng" như vậy nên dĩ nhiên tên lửa cũng sẽ phải có sức mạnh tương xứng.

P-35B phiên bản xuất khẩu có phần chiến đấu nặng đến 800 kg đủ sức đánh chìm những chiến hạm cỡ lớn lớn trên 7.000 tấn và có thể làm bị thương nặng các loại tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 20.000 tấn. Tên lửa bay hành trình ở tốc độ siêu âm (Mach 1,4), tầm bắn 460 km. P-35B chính là tên lửa chống hạm có tầm bắn lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường quán tính có hiệu chỉnh trong giai đoạn đầu kết hợp với radar chủ động ở giai đoạn cuối. Sau khi phóng, tên lửa được cập nhật tham số mục tiêu thông qua máy bay trinh sát Tu-95RT, Tu-16D hoặc Ka-25T, đối với Việt Nam hệ thống dẫn đường được tích hợp lên máy bay An-26RT.

Quỹ đạo và phương pháp dẫn của tên lửa

Quỹ đạo và phương pháp dẫn của tên lửa

Khi không sử dụng máy bay chỉ thị mục tiêu, tổ hợp sẽ chuyển sang “chiến thuật bầy sói”, tên lửa được phóng loạt từ 2 quả trở lên cùng lúc. Một trong số các tên lửa này bay cao hơn so với các tên lửa khác (4.000 - 7.000m). Tên lửa này sẽ chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa còn lại để cùng tấn công trong một loạt đạn lớn. P-35B có độ cao hành trình 100 - 400m, giai đoạn cuối tên lửa hạ thấp độ cao xuống dưới 100m và sẽ chui xuống nước cách mục tiêu từ 10 - 20m rồi nổ để tăng thiệt hại.

Rõ ràng với đầu đạn khủng 800 kg, tầm xa lên đến 460 km so với tên lửa Yakhont của tổ hợp Bastion có đầu đạn 200 kg, tầm xa 300 km thì Redut-M vẫn thực sự ẩn chứa trong mình sức mạnh của mãnh hổ trên biển Đông.

Mãnh hổ trong dáng hình cũ kỹ

Sẽ có những ý kiến cho rằng, Yakhont là tên lửa tối tân còn P-35B mà Việt Nam sở hữu chỉ là tên lửa thế hệ cũ, kích thước cồng kềnh, dễ bị hệ thống phòng không của đối phương tiêu diệt. Điều đó chỉ đúng một phần bởi trong suốt hơn 20 năm sở hữu Việt Nam đã tiến hành nhiều gói nâng cấp, cải tiến để P-35B trở thành một tên lửa hiện đại dưới lớp áo cũ kỹ.

Trước hết đó là gói nâng cấp hệ thống điện tử, các thiết bị điện tử thế hệ đèn bán dẫn cũ đã được thay thế bằng các thiết bị kỹ thuật số thế hệ mới, khiến cho tên lửa đã trở nên nhẹ hơn nhưng đạt độ chính xác cao hơn.

Một trong những tính năng mang tính bắt buộc khi cải tiến đó là nâng cao khả năng kháng nhiễu. Chúng ta đều biết Israel sau khi tìm ra phương pháp gây nhiễu, tên lửa P-15 trong cuộc chiến Yom Kippur đã làm cho rất nhiều tên lửa của Ai Cập phóng đi đều bắn trượt mục tiêu. Sau kỳ tích này, vị trí của tác chiến điện tử đã được nâng cao và các nước đã cho ra đời nhiều hệ thống tác chiến điện tử để phòng thủ cho chiến hạm trước sự tấn công của các tên lửa chống tàu do Liên Xô sản xuất.

Đứng trước tình thế này, Nga đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các gói nâng cấp, cải tiến đối với tên lửa chống hạm cũ, trong đó có P-35. Gói nâng cấp này không chỉ tăng cường tính kháng nhiễu mà còn giúp tên lửa hạ thấp độ cao hành trình giai đoạn cuối từ 100m xuống 24m so với mặt biển. Ở độ cao này xác suất vượt qua hệ thống phòng thủ của chiến hạm đối phương được tăng lên gấp nhiều lần.

Bên cạnh việc hạ thấp độ cao, tầm bắn của tên lửa còn được gia tăng từ 460 km lên đến 550 km, điều này có được chính là nhờ tên lửa đã nhẹ hơn và phương pháp dẫn bắn của tên lửa đã được điều chỉnh. Việc tăng tầm xa này cũng tương tự như gói nâng cấp tên lửa phòng không S-125 mà Việt Nam vừa bắn nghiệm thu khi không cần phải cải tiến hệ thống động cơ mà chỉ cần thay đổi phương pháp dẫn bằng phần mềm.

Một cải tiến quan trọng nữa đó đồng bộ hóa hệ thống chỉ huy điều khiển của Redut-M với toàn bộ hệ thống radar cảnh giới của quốc gia. Nghĩa là có thể chia sẻ thông tin, thay thế lẫn nhau giữa đài điều khiển của Redut-M với các đài radar trinh sát, điều khiển của tổ hợp Rubezh, tổ hợp Bastion, máy bay An-26RT, tàu chiến và những hệ thống radar cảnh giới khác.

Nhược điểm dễ nhận thấy nhất của Redut-M là việc sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng khiến việc chuẩn bị nạp nhiên liệu chuyển trạng thái chiến đấu mất nhiều thời gian, công tác bảo dưỡng trở nên phức tạp. Đây là đặc điểm chung của nhiều loại tên lửa chống hạm kể cả loại hiện đại như Kh-35 Uran. Mặc dù Việt Nam đã tiến hành nhiều cải tiến kỹ thuật nhưng việc chuyển trạng thái cho Redut vẫn mất đến 30 phút.

Rõ ràng với các cải tiến trên, tổ hợp Redut-M đã thực sự tiệm cận tới trình độ của một tổ hợp tên lửa bờ hiện đại có uy lực cực chiến đấu cao. Dễ hiểu vì sao hiện nay Redut-M vẫn được Việt Nam tin tưởng giao phó nhiệm vụ bảo vệ vịnh Bắc Bộ - vùng biển cực kỳ quan trọng của đất nước. Đóng quân ở Hải Phòng, được các ngọn núi vùng Đông Bắc che chắn, tổ hợp Redut-M của Việt Nam thực sự là “mãnh hổ tọa sơn” đầy uy lực.

Tổ hợp Redut-M của Lữ đoàn 679 huấn luyện

Tổ hợp Redut-M của Lữ đoàn 679 huấn luyện

Hệ thống tên lửa bờ Redut

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại