Uy lực 'sát thủ xe tăng' Mi-35

Không giống với số phận của “siêu” trực thăng RAH-66 Comanche của Mỹ, mẫu trực thăng chiến đấu đa nhiệm có khả năng tàng hình, Mi-35 của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport đang trở thành một mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Nga.

Được ra đời dựa trên thiết kế của trực thăng tấn công Mi-24, Mi-35 sở hữu những cải tiến trong hoạt động bay cũng như hệ thống vũ khí hiện đại. Mi-35 có khả năng hoạt động trong phạm vi lên tới 1.085km với bình nhiên liệu phụ.

Trần bay tối đa của Mi-35 đạt 5.700m trong khi trần bay hiệu quả đạt 4.000m giúp chiếc máy bay tránh được phần lớn hỏa lực từ dưới mặt đất. Sở hữu 2 động cơ VK-2500, Mi-35 có khả năng bay với vận tốc tối đa 315km/h cùng tải trọng tối đa đạt 11,5 tấn.

'Sát thủ xe tăng' Mi-35
'Sát thủ xe tăng' Mi-35

Mi-35 được trang bị dàn vũ khí cực mạnh, với 6 giá treo vũ khí được phân bố đều trên 2 cánh phụ bên thân. Ở phần mũi còn được trang bị một khẩu súng máy YakB cỡ nòng 12,7mm, cho phép bắn ra 4.000-4.500 viên/phút với tốc độ đầu đạn đạt 860m/s.

Dưới 2 giá treo nằm ở 2 bên cánh, Mi-35 được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống tăng Shturm. Với đầu đạn nổ phân mảnh 5,4kg cùng hệ thống dẫn đường ra-đa, tên lửa này có thể phá thủng lớp giáp dày 650mm của xe tăng trong phạm vi tối đa 5km.

Ngoài ra, loại tên lửa chống tăng Ataka tầm xa cũng có thể được lắp đặt trên Mi-35 để đáp ứng nhiệm vụ tác chiến khác. Các giá treo còn cho phép Mi-35 trang bị hệ thống phóng rốc-két bắn hạ các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất.

Trên phương diện phòng thủ, khoang lái của Mi-35 được thiết kế theo bố cục trục dọc và được bảo vệ bởi kính chống đạn. Bình nhiên liệu của nó sử dụng công nghệ chống thấm nên khả năng tồn tại trên chiến trường đặc biệt nổi trội. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống vũ khí của Mi-35 đều được điều khiển bằng hệ thống máy tính chuyên dụng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, chiếc máy bay có thể được hiện đại hóa theo nhiều cách thức khác nhau.

Những tính năng kỹ thuật chính xác của siêu trực thăng Mi-35 vẫn được giữ bí mật. Bề ngoài, Mi-35 hay còn được NATO gọi là Mi 24P giống như chiếc "Cá sấu" nổi tiếng - biệt hiệu của máy bay Mi-24. Nhiều trang mạng quân sự cũng nói về khả năng “tàng hình” trước các loại ra-đa của Mi-35.

Năm 2010, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua 22 chiếc Mi - 35. Mới đây, đã có 10 chiếc trực thăng vũ trang loại này được đưa vào biên chế. Trên thị trường thế giới, Brazil là một trong những khách hàng lớn nhất mua Mi-35. Không quân Brazil được giao nhiệm vụ ngăn chặn những chuyến hàng chở ma túy qua rừng A-ma-dôn bằng máy bay. Vì thế, việc đưa một cơ số trực thăng vũ trang Mi-35 vào phục vụ sẽ tăng đáng kể sức mạnh của không quân. Mi-35 sẽ trở thành “sát thủ” thực sự của những chiếc máy bay chuyên chở ma túy của bọn tội phạm.

Những chiếc Mi-35 mà Nga bán cho Brazil được trang bị hệ thống hỏa lực hiện đại 9K113K phát huy hiệu quả cả ban ngày lẫn ban đêm và hệ thống thiết bị điều khiển điện tử thế hệ mới nhất. Mi-35 còn thiết kế một khoang đặc biệt có thể chứa 8 binh sĩ hoặc 4 cáng cứu thương, rất phù hợp với mục đích sử dụng trực thăng vũ trang vào hoạt động chống tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Hơn nữa, Mi-35 vừa là “sát thủ” đối với những chiếc trực thăng hạng nhẹ chuyên được sử dụng để vận chuyển ma túy, đồng thời chế áp hoàn toàn các hệ thống hỏa lực mặt đất chống lực lượng tuần tra của chúng.

Chính vì ưu thế đó, Mi-35 đã đánh bại các đối thủ là trực thăng vũ trang hiệu TIGER của châu Âu và dòng Mangusta hiện đại của I-ta-li-a để kiếm được đơn đặt hàng của người Bra-xin.

Báo chí Bra-xin tiết lộ, Mi-35 sẽ được không quân nước này lập tức đưa vào phục vụ các chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán ma túy xuyên biên giới bằng máy bay ở khu vực giáp với Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a. Trước đó, không quân Bra-xin chủ yếu sử dụng chiến đấu cơ hạng nhẹ Super Tucano và trực thăng vũ trang Pave Hawk S-70.

Cùng với Brazil, Peru cũng là một bạn hàng đáng kể. Nga đã bàn giao hai máy bay trực thăng tấn công Mi-35P Hind E, một biến thể của Mi-35 cho phía Peru. Đây là một phần của hợp đồng mua bán vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh của không quân Peru để đối phó với các băng đảng ma túy và khủng bố. Những chi tiết riêng biệt của 2 chiếc Mi-35P Hind E được chuyển tới Peru bằng máy bay không vận An-124-100 condor. Quá trình lắp ráp được các kỹ thuật viên người Nga tiến hành.

Ngày nay, quân đội các nước trên thế giới sử dụng ngày càng nhiều máy bay trực thăng tấn công vào nhiều mục đích khác nhau: Để tham gia vào các chiến dịch tác chiến đặc biệt, tập trận phối hợp trên không, yểm trợ cho bộ binh, lính thủy đánh bộ trong các hoạt động tác chiến, huấn luyện bay tác chiến cho phi công, tham gia tìm kiếm, cứu nạn, tuần hành trên không, trinh sát... Hay đơn giản là để tấn công vào các mục tiêu mặt đất (bộ binh, phương tiện bọc thép, các trận địa hỏa lực, các cứ điểm, các sở chỉ huy, các hầm, hào, lô cốt…), mặt nước (tàu chiến mặt nước, tàu ngầm), trên không (đánh chặn tên lửa, tiêu diệt máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng đối phương).

Tuy nhiên, trực thăng chiến đấu ngày nay có hai vai trò chính là bảo đảm yểm trợ tác chiến cho bộ binh và các phương tiện tác chiến mặt đất, mặt nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chống xe thiết giáp địch, trinh sát mục tiêu.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại