Trong nhiệm vụ giám sát đường không, đường biển để phát hiện sớm các mục tiêu xâm nhập chủ quyền quốc gia, giám sát bờ biển được xem là nhiệm vụ khó khăn nhất. Các radar giám sát hoạt động theo nguyên lý sử dụng sóng bức xạ điện từ và có xu hướng đi theo đường thẳng. Trong khi đó, trái đất lại có dạng hình cầu, điểm giao nhau giữa đường thẳng của sóng radar và hình cầu của trái đất được gọi là “giới hạn đường chân trời".
Minh họa giới hạn đường chân trời của radar. Giới hạn này làm cho việc giám sát bờ biển trở nên khó khăn hơn.
Điều đó đồng nghĩa với việc các trạm radar cảnh giới bố trí từ mặt đất sẽ không thể phát hiện được các mục tiêu di chuyển ngoài giới hạn này, nhất là các mục tiêu di chuyển trên mặt biển nơi mà giới hạn đường chân trời được phát huy tối đa.
Giới hạn đường chân trời sẽ phụ thuộc vào độ cao bố trí ăng ten phát sóng của radar. Thông thường nếu một ăng ten đặt ở độ cao 10 mét thì giới hạn đường chân trời tiêu chuẩn là 13 km, độ cao của ăng ten phát sóng càng cao thì giới hạn đường chân trời càng dài hơn.
Các radar giám sát bờ biển theo công nghệ cũ rất khó khăn để phát hiện các tàu thuyền di chuyển ngoài giới hạn đường chân trời. Người ta buộc phải đưa các hệ thống radar lên các đỉnh núi cao để tăng phạm vị phát hiện sớm mục tiêu, nhưng việc này cũng không thể xóa đi giới hạn mà các radar này gặp phải.
Với radar Coast Watcher 100 thì giới hạn đường chân trời đã bị loại bỏ do sóng truyền từ ăng ten có khả năng truyền đi theo chiều cong của trái đất.
Để khắc phục điểm yếu “chết người” này, các nhà khoa học trên thế giới đã phát triển một công nghệ radar mới cho phép sóng radar truyền đi theo chiều cong của trái đất, cho phép phát hiện các mục tiêu di chuyển trên mặt biển vượt radar ngoài giới hạn đường chân trời.
Một trong những hệ thống radar giám sát theo công nghệ tối tân này đang có mặt trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam phục vụ cho nhiệm vụ giám sát bờ biển là Coast Watcher 100 do tập đoàn Thales của Pháp chế tạo.
Coast Watcher 100 là một hệ thống radar giám sát HF, sử dụng sóng truyền bề mặt dựa vào sóng đất với bước sóng khoảng 10 mét. Công nghệ này cho phép sóng radar truyền đi theo đường cong của trái đất đồng nghĩa với giới hạn đường chân trời trong trường hợp này bị loại bỏ.
Cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang bảo quản định kỳ radar Coast Watcher 100 được triển khai cho nhiệm vụ giám sát bờ biển. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Radar này hoạt động ở băng tần X, tần số 300MHz, phạm vi phát hiện mục tiêu tới 170 km ở góc phương vị 90 độ. Cụ thể, phát hiện tàu thuyền nhỏ tàng hình có diện tích phản hồi radar (RCS) 1m2 ở cự ly 45 km, phát hiện máy bay tuần tra hàng hải có diện tích phản hồi radar 25 m2 bay ở độ cao 170 mét ở cự ly 90 km, tàu cá có RCS 50m2 chiều cao 3 mét trên mực nước biển từ cự ly 145 km, tàu chiến có RCS 10.000 m2, chiều cao 10 mét trên mực nước biển từ cự ly 170 km.
Coast Watcher 100 được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Đây là loại radar đầu tiên trên thế giới với hệ thống ăng ten được làm hoàn toàn từ sợi carbon nên có độ bền khi hoạt động rất cao. Coast Watcher 100 cung cấp khả năng giám sát bờ biển liên tục 24 giờ/ngày liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì.
Coast Watcher 100 biến thể sản xuất bằng sợi carbon áp dụng công nghệ tiên tiến mới được tập đoàn Thales giới thiệu vào năm 2008 và được đánh giá là một trong những hệ thống giám sát bờ biển tối tân nhất thế giới hiện nay.
Thales là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ radar, nhằm đáp ứng nhiệm vụ giám sát bờ biển trong tình hình tranh chấp hàng hải đang trở nên ngày càng phức tạp. Việt Nam đã chọn Thales để ký hợp đồng mua hệ thống giám sát bờ biển tối tân này.
Với những hệ thống radar giám sát bờ biển Coast Watcher 100 được triển khai dọc theo bờ biển, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có thêm công cụ tối tân cho nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn vùng biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.