Từ chỗ chỉ có thể áp dụng diesel hóa trên một số loại xe có cấu tạo đơn giản ở thời điểm ban đầu, đến nay, nhiều đơn vị trong toàn quân đã có thể tự chủ hoàn toàn về quy trình công nghệ diesel hóa trên nhiều loại trang bị xe máy đặc chủng có cấu tạo phức tạp.
Hiệu quả, thiết thực
Trong lúc hàng nghìn người dân ở khu dân cư thuộc các phường: Hà Tu, Hà Phong của TP Hạ Long; Quang Hanh, Mông Dương của TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đang phải đối mặt với hiểm nguy do nước lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2015, thì các xe lội nước, các phương tiện đặc chủng của Lữ đoàn 147, Lữ đoàn 170 (Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân) xuất hiện kịp thời để cứu hộ, cứu nạn, sơ tán nhân dân.
Là người trực tiếp chỉ huy lực lượng, phương tiện cơ động cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Quốc Doanh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 147, chia sẻ:
"Ngay khi nhận lệnh của cấp trên, chúng tôi đã nhanh chóng huy động 10 xe thiết giáp đặc chủng BTR, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng cơ động đến hiện trường tham gia ứng cứu nhân dân.
Do chuẩn bị tốt về công tác kỹ thuật, đặc biệt là số xe thiết giáp BTR được diesel hóa, nên khả năng cơ động của đơn vị rất cao. Nhờ đó mà chúng tôi đã kịp thời có mặt tại các địa bàn để ứng cứu nhân dân"…
Công nhân kỹ thuật Nhà máy Z151 (Tổng cục Kỹ thuật) kiểm tra động cơ diesel trước khi lắp đặt lên xe ô tô quân sự. Ảnh: Xuân Giang.
Đại tá Chu Minh Trí, Phó cục trưởng Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật) khẳng định: Việc ứng dụng công nghệ diesel hóa cho các loại xe máy quân sự đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Ví dụ như việc sản xuất động cơ diesel có giá thành thấp hơn; độ an toàn, tính ổn định của phương tiện được nâng cao; công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật thực hiện đơn giản, tiết kiệm nhân công, chi phí; đặc biệt là hiệu quả kinh tế từ tiết kiệm nhiên liệu.
Theo tính toán của các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, động cơ diesel tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng 40 - 50% so với động cơ xăng có cùng công suất.
Cụ thể, định mức tiêu thụ nhiên liệu hơn 100km, đối với xe GAZ-66 sử dụng động cơ xăng là 32,5 lít, động cơ diesel là 18 lít; xe ZIL-131 sử dụng động cơ xăng là 52 lít, động cơ diesel là 25 lít; xe URAL-375 sử dụng động cơ xăng là 75 lít, động cơ diesel là 32 lít…
Như vậy, trung bình mỗi phương tiện sau khi được diesel hóa, nếu cơ động khoảng 50.000 km sẽ tiết kiệm được số nhiên liệu tương đương giá trị kinh tế cho chi phí đầu tư thực hiện diesel hóa.
Tự chủ quy trình, đa dạng chủng loại
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong tự chủ quy trình diesel hóa các loại xe máy của đơn vị mình, Thượng tá Dương Danh Hùng, Chính trị viên Xưởng Z735 (Cục Kỹ thuật Quân khu 7), cho biết:
Nhiệm vụ diesel hóa một số loại xe máy quân sự là nhiệm vụ mới, rất khó khăn, vất vả, nhất là khi cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị của đơn vị còn nhiều hạn chế; trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa đồng đều.
Để hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa, diesel hóa đủ số lượng xe máy được giao, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã chủ động lựa chọn những đồng chí có trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu trước, sau đó phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho cán bộ, nhân viên.
Nhờ vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, Xưởng Z735 đã sửa chữa được hơn 300 xe máy các loại, trong đó đơn vị đã tổ chức diesel hóa được gần 20 chiếc xe ZIL-130 và xe thiết giáp BTR-152 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cũng theo Thượng tá Dương Danh Hùng, để hạ giá thành sửa chữa và diesel hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn, tiết kiệm...
Cán bộ, nhân viên của đơn vị luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm chủ quy trình công nghệ.
Ví dụ như những năm trước đây, Phân xưởng Sửa chữa ô tô rất vất vả trong kiểm tra tình trạng kỹ thuật của bộ chế hòa khí. Mỗi lần kiểm tra, đơn vị thường phải chuyển đến phòng thí nghiệm hoặc nhà máy lớn.
Khắc phục khó khăn trên, Thiếu tá QNCN Hà Duy Tài, nhân viên Ban Kỹ thuật của xưởng đã có sáng kiến xây dựng hộp dụng cụ kiểm tra phục hồi nhanh bộ chế hòa khí. Sáng kiến được đưa vào áp dụng đã góp phần giúp phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Tại hội nghị tổng kết công tác kỹ thuật năm 2015, Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cho biết:
Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong năm 2015, Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật) tiếp tục tổ chức đồng bộ kết hợp diesel hóa cho 148 xe ZIL-130;
Cục Kỹ thuật Binh chủng tổ chức đồng bộ cho 282 xe của 11 tiểu đoàn tăng-thiết giáp; 82 xe BTR-152 của các quân khu; sửa chữa, đồng bộ, diesel hóa cho 20 khẩu SU-85, SU-122, SU-152 của Quân khu 2 và Binh chủng Pháo binh.
Hiện đã có 12 đơn vị trong toàn quân có thể tự chủ được quy trình diesel hóa các loại xe máy đặc chủng với chất lượng tốt như: Xưởng Z735 (Cục Kỹ thuật Quân khu 7), Xưởng X79 (Cục Kỹ thuật Quân khu 1)…
Theo kế hoạch, đề án diesel hóa sẽ được tiến hành từ năm 2013 đến năm 2017 với 4 nhãn xe GAZ-66, ZIL-131, URAL-375, PAZ-320567.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhận thấy hiệu quả từ việc diesel hóa các loại xe máy đem lại là rất lớn, Tổng cục Kỹ thuật đã lập kế hoạch và được Bộ Quốc phòng phê duyệt cho phép một số đơn vị được tổ chức diesel hóa thêm một số loại xe máy đặc chủng khác từ nguồn ngân sách địa phương.