Nhu cầu tăng cường năng lực phòng không tầm trung của Việt Nam
Việt Nam đang sở hữu mạng lưới phòng không đa tầng, từ các tổ hợp tên lửa tầm xa như S-300PMU1, tới hàng loạt hệ thống tầm trung như S-75M và S-125, cùng với đó là các loại tên lửa tầm ngắn, pháo phòng không các loại, gồm cả pháo tự hành ZSU-23-4.
Trong những năm qua, ngoài việc tăng cường năng lực phòng không tầm xa với tổ hợp S-300, các tổ hợp tên lửa S-125 cũng được đầu tư nâng cấp lên chuẩn S-125-2TM hiện đại. Trong khi đó, các hệ thống tên lửa S-75 cũng gần như không còn khả năng nâng cấp.
S-125-2TM dù khá tiên tiến và có nhiều tính năng ưu việt, nhưng để nâng cao khả năng tác chiến phòng không hiện đại, lực lượng phòng không Việt Nam vẫn cần bổ sung thêm vào lưới lửa phòng không những vũ khí mới, thực sự là xương sống trong vài chục năm tới.
Điều này buộc Quân chủng PKKQ phải tìm kiếm các ứng cử viên để tăng cường năng lực phòng không tầm trung cho Việt Nam.
Tên lửa phòng không Umkhonto do Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Denel Dynamics (Nam Phi) chế tạo.
Umkhonto - lựa chọn mới lạ!
Hiện có hai ứng cử viên đầy tiềm năng là SPYDER-MR (Israel) và Buk-M2E (Nga). Cả hai đều là những tổ hợp hiện đại và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Nhưng còn một lựa chọn khác là Umkhonto, tổ hợp tên lửa phòng không của Denel Dynamics (Nam Phi).
Umkhonto được thiết kế để chống lại hàng loạt mối đe dọa từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu và trực thăng, tên lửa chống hạm, tên lửa diệt radar, máy bay không người lái, cũng như các loại tên lửa hành trình.
Khi kết hợp với những hệ thống radar trinh sát và dẫn bắn hiện đại, Umkhonto có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc trong các đợt tấn công phủ đầu của đối phương.
Umkhonto được phát triển vào từ năm 1993, phiên bản tên lửa đất đối không hoàn thành quá trình thử nghiệm vào tháng 7/2005. Tên lửa tiêu diệt thành công mục tiêu bay với tốc độ cận âm ở độ cao thấp.
Một trong những điểm mạnh của Umkhonto chính là tên lửa được lắp trong ống phóng kiêm ống bảo quản. Điều này sẽ đơn giản hóa quy trình bảo quản đạn tên lửa, đồng thời bảo đảm khả năng trực sẵn sàng chiến đấu tốt hơn các tên lửa như S-75 và S-125.
Tên lửa Umkhonto sử dụng đầu dò hồng ngoại, cho phép tấn công mục tiêu một cách bất ngờ. Bên cạnh đó, Umkhonto sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), giúp tổ dễ dàng tiến công mục tiêu từ mọi hướng, thay vì phải quay bệ phóng đạn hướng về phía mục tiêu.
Với phiên bản Umkhonto Block 2, đường bay của mục tiêu sẽ được cập nhật trước pha cuối, nhờ đó tên lửa có thể bám sát và chọn đường bay tối ưu nhất.
Tổ hợp tên lửa phòng không BuK-M2E của Nga.
Có thực sự là lựa chọn hợp lý?
Umkhonto có nhiều điểm mạnh, chính vì thế mà khi đề cập đến sự lựa chọn để tăng cường năng lực phòng không tầm trung Việt Nam, một số người quan tâm đến tình hình quân sự nước nhà cho rằng nó hoàn toàn có thể là một ứng viên tiềm năng.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến Umkhonto khó có thể được lựa chọn.
Thứ nhất, các tính năng kỹ - chiến thuật không vượt trội so với Spyder-MR và Buk-M2E. Tầm bắn tối đa của tổ hợp này là 20km với phiên bản Block 2 tăng tầm, trong khi các đối thủ có tầm bắn lần lượt là 35km (Spyder-MR) và 50km (Buk-M2E).
Tầm bắn của Umkhonto Block 2 chỉ ngang ngửa đạn 56E7 của tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 và kém cả S-125-2TM trong trang bị của Việt Nam.
Hiện Denel Dynamics vẫn đang trong quá trình phát triển phiên bản Umkhonto-ER (tầm bắn 30km) và Umkhonto-R (60km), nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các mẫu tên lửa này sẽ được chế tạo hàng loạt và xuất khẩu trong tương lai gần.
Tốc độ bay của Umkhonto (Mach 2) cũng chỉ bằng một nửa đạn của Spyder và Buk (Mach 4). Trần bắn của Umkhonto chỉ đạt mức 8km, trong khi Spyder có thể bắn tới 16km và Buk-M2E là 25km.
Xe bệ mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Spyder-MR.
Thứ hai, Umkhonto được quảng cáo rất nhiều, nhưng lại quá ít khách hàng. Tới nay, ngoài Nam Phi, mới chỉ có Phần Lan trang bị phiên bản Umkhonto-IR Block 2 trên 4 tàu tên lửa lớp Hamina và hai tàu rải mìn lớp Hameenmaa.
Phiên bản mặt đất của Umkhonto còn chưa được đưa vào biên chế lực lượng phòng không của Nam Phi. Trong khi đó, SPYDER đã có mặt trong biên chế của lực lượng phòng không Ấn Độ, Peru và Singapore.
Với tổ hợp Buk, con số này còn ấn tượng hơn với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ được trang bị các phiên bản khác nhau như Buk-M1, Buk-M1-2 và Buk-M2.
Việt Nam thường lựa chọn các loại vũ khí đã được biên chế trong quân đội của một số nước, thay vì những vũ khí mới trong quá trình thử nghiệm và ít người sử dụng. Do vậy, Umkhonto đã đánh mất điểm số quan trọng trong cuộc đua với với 2 ứng viên trên.
Cuối cùng, hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Nam Phi dù đã có những bước tiến đang kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Trái lại, Nga hay Israel đều là bạn hàng quen thuộc của Việt Nam trong mua sắm trang bị vũ khí và được đánh giá là những đối tác tin cậy. Điều đó mở rộng cửa cho những tổ hợp tên lửa tầm trung của hai nước này tới Việt Nam, thay vì lựa chọn Nam Phi.
Như vậy, khó có khả năng Umkhonto sẽ được lựa chọn để tăng cường năng lực phòng không cho Việt Nam.
Cuộc đua cho vị trí này vẫn sẽ chứng kiến cuộc đấu tay đôi của Spyder và Buk-M2E hay thậm chí cả 2 ứng viên đều được chọn, bởi lẽ mỗi loại có một thế mạnh riêng, có thể bổ sung cho nhau, tạo thành lưới lửa phòng không mà bất cứ đối thủ nào cũng phải kiêng dè.