Ukraine rắp tâm nhờ Thổ Nhĩ Kỳ “nhốt” Nga trong Biển Đen

Quang Huy |

Ukraine sẽ phải thiết lập một lực lượng chung với Thổ Nhĩ Kỳ, và nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ, để hạn chế tầm hoạt động của các phương tiện quân sự Nga trên Biển Đen.

Mượn tay Thổ Nhĩ Kỳ "nhốt" Nga trong Biển Đen

Thông tin này được nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Vladimir Ogryzko, chia sẻ tại một buổi họp báo diễn ra mới đây tại Kiev. Theo ông Ogryzko, Nga sẽ không được phép hoạt động trên biển, mà là trong một "cái hồ", rất khó để thoát ra.

“Chúng ta cần tăng cường đáng kể hợp tác quân sự với Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta cần thiết lập một vài lực lượng chung với Thổ Nhĩ Kỳ như chúng ta từng làm với Ba Lan, để khi Nga thoát ra cánh phía Nam (của Biển Đen) thì đã có Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại.

Chúng ta cần suy tính lại sự hợp tác trên biển với Thổ Nhĩ Kỳ, Rumania, Bulgaria và Gruzia. Và điều quan trọng là kêu gọi Mỹ tham gia vào nhóm hợp tác quân sự Biển Đen này.

Chúng ta cần gây khó khăn cho các tàu chiến của Nga khi đi qua vùng biển này, tạo ra những điều kiện không thuận lợi tối đa cho Nga trong khu vực Biển Đen. Nga phải hiểu rằng đây là cái hồ mà Nga không thể tiến xa được”, ông Ogryzko tuyên bố.

Cần phải nêu rõ rằng Ukraine cố gắng phá tan gần như toàn bộ phần Hạm đội Biển Đen mà nước này được thừa kế lại từ Liên Xô.

Sau khi mất Crimea, hạm đội này của Ukraine gần như biến thành thứ trang trí – trên 67 tàu chiến của Hải quân Ukraine tại Crimea có 54 tàu treo cờ Andreevsky.

Ngoài ra, một đoàn thanh tra kín do Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Ukraine thành lập cách đây không lâu đã phát hiện ra rằng các thủy thủ Ukraine đồng loạt đào ngũ sang Crimea.

Vì vậy, không thể hiểu được Kiev có gì để mang ra hợp tác quân sự với các đồng minh được coi là tiềm năng của mình.


Hải quân Ukraine với nhiều tàu cũ nát.

Hải quân Ukraine với nhiều tàu cũ nát.

Khôi phục hoạt động chế tạo tên lửa tầm ngắn

Bên cạnh đó, ông Ogryzko cho rằng, Ukraine cần phải khôi phục hoạt động chế tạo tên lửa tầm ngắn và tầm trung để dọa Nga. Theo lời của ông, cần phải sản xuất các tên lửa này kể cả khi Ukraine đang bị hạn chế sản xuất chúng.

“Tôi ủng hộ quyết định của ban lãnh đạo Nhà nước Ukraine bắt đầu chương trình phục hồi sản xuất các tên lửa tầm ngắn. Chúng ta cũng nên nghĩ tới cả các tên lửa tầm trung.

Đó là bán kính từ 1.000 tới 5.500 nghìn km. Đó chính là yếu tố kìm hãm Nga một cách nghiêm túc. Chúng ta cần phải làm chủ các lợi ích an ninh của chính mình”, ông Ogryzko tuyên bố.

Điều đáng nói rằng ông Ogryzko không phải là người đầu tiên nói về các tên lửa mà Ukraine có thể chế tạo.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine Alexandr Turchinov tuyên bố về việc Kiev sẵn sàng bắt tay vào việc thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất tên lửa bằng các phù tùng có được khi hợp tác với Nga trước đây.

Ông Turchinov nhấn mạnh rằng, Kiev trong thời gian tới dự kiến “tiến hành sản xuất các tên lửa hoàn toàn của Ukraine, được các doanh nghiệp của Ukraine liên kết chế tạo”.

Ngoài ra, ông Turchinov còn đề nghị Ukraine sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa kéo dài từ Na Uy tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia phân tích chính trị của tổ chức giám sát quốc tế CIS-EMO, ông Stanislav Byshok cho rằng, sự hợp tác của Ukraine với Thổ Nhĩ Kỳ hiện mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố mạnh mồm chống Nga.

Ông Byshok nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại Ukraine và bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ thì sự hợp tác rộng mở trong lĩnh vực thương mại, quân sự giữa hai nước khó có thể được triển khai.

Mặt khác, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất thuộc khối NATO. Chính vì lẽ này, không nên coi thường khả năng triển khai các căn cứ quân sự hoặc quân đoàn trên lãnh thổ Ukraine.

Nếu quyết định này được thông qua thì có thể coi đó là một tuyên bố mang tính biểu tượng của sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này.

Giới chuyên gia cũng đề cập nhiều tới khả năng lượng người nhập cư và tị nạn sẽ chuyển hướng từ Hy Lạp sang Ukraine. Tuy nhiên, phương án này, theo ông Byshok, không mang tính thực tiễn.


Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ biểu dương lực lượng.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ biểu dương lực lượng.

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã?

Liên quan tới sự hợp tác với những nước không có cảm tình với Nga như Ba Lan, Rumania, Bulgaria và Gruzia, theo chuyên gia Byshok, NATO được thành lập để chống lại Liên Xô. Mặc dù Liên Xô đã tan rã, nhưng liên minh này vẫn tồn tại và tiếp tục mở rộng.

Bởi vậy đối với bất cứ quốc gia nào có định hướng chính sách chống Nga thì hợp tác với NATO là một lựa chọn có thể hiểu được.

Thực tế, Gruzia không còn muốn đối đầu với Nga sau thất bại trong cuộc chiến vào năm 2008, Bulgaria đang gặp khủng hoảng triền miên nên việc triển khai một quyết định mang tính chiến lược là điều hết sức khó khăn với quốc gia này.

Còn sự hợp tác chặt chẽ hơn với Ba Lan và Rumania là điều hoàn toàn có thể xảy ra và Ukraine có lẽ sẽ cho mượn lãnh thổ của mình để các nước này tiến hành tổ chức tập trận và triển khai các căn cứ quân sự tạm thời.

Một số chuyên gia thì cho rằng Kiev có thể mời các tàu chiến của Mỹ đóng quân thường xuyên tại các bến cảng của mình. Tuy nhiên, vấn đề này là một hiện tượng thường thấy sau cuộc đảo chính tại Ukraine.

Mặt khác, việc triển khai các tàu chiến của Mỹ tại các cảng của Ukraine sẽ được Washington bàn bạc với Moscow, chứ không phải với Kiev. Và quyết định này, dù đồng ý hay không, sẽ được đưa ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Liên quan tới việc Mỹ có cần các căn cứ quân sự trên khắp thế giới hay không và những căn cứ này có đảm bảo được an ninh quốc gia của Mỹ hay không thì chưa có câu trả lời thống nhất.

Đánh giá về tuyên bố của ông Ogryzko cho rằng Ukraine cần khôi phục công tác chế tạo tên lửa tầm ngắn và trung để dọa Nga cũng như khả năng của Ukraine tự sản xuất được loại vũ khí này và sự trợ giúp của Mỹ, chuyên gia Byshok nhận định:

"Ông Ogryzko dù muốn hay không, thì trong những tuyên bố của mình đã nhấn mạnh vị trí của Ukraine sách lược địa chính trị của Mỹ là Ukraine tồn tại và nhận sự hỗ trợ về tài chính, chính trị… khi còn có thể nhận hoặc tuyên bố về khả năng “dọa dẫm” được Nga".

Giới cầm quyền và các nhân vật chính trị trẻ tuổi của Ukraine mà từng nhiều năm được Mỹ và nhiều nước phương Tây đào tạo trong khuôn khổ các chương trình dân chủ và bài Liên Xô cảm thấy rất thoải mái với vai trò này của Ukraine kể cả về mặt lý tưởng lẫn tài chính.

Nói chung, người dân Ukraine hoàn toàn không được hưởng lợi từ vị thế hiện tại của đất nước.

Từ quan điểm chính sách đối ngoại của Mỹ, triển khai trên lãnh thổ Ukraine các đơn vị vũ trang của mình với những tên lửa do họ sản xuất đơn giản hơn là giúp đất nước Ukraine đang trong tình trạng thiếu ổn định sản xuất tên lửa.

Nhưng những nước cờ bất ngờ này sẽ được Mỹ thực hiện, tuy nhiên, chỉ sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào mùa thu năm nay.


Quân đội Ukraine.

Quân đội Ukraine.

Giám đốc nhóm chuyên gia “Dự án Crymsky” (Nga), ông Igor Ryabov, thì chắc chắn rằng để hạn chế tầm hoạt động của hạm đội hải quân Nga trên biển Đen chỉ có thể bằng một cách:

"Chế tạo vài chục tàu ngầm mini có chức năng phá hoại và đưa chúng tới để phá hủy cầu vượt biển Kerch do Nga đang xây dựng nối Nga với bán đảo Crimea".

Những kế hoạch còn lại không mang tính thực tiễn: Nga đang chiếm ưu thế trên biển Đen. Trước khi tưởng tượng điều gì, thiết nghĩ Ukraine nên tạo lập các điều kiện cần thiết cho các thủy thủ và chấm dứt tình trạng đào ngũ.

Không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ukraine mà bất cứ cuộc tập trận nào của NATO trên Biển Đen đều không thể diễn ra trong thời gian tới. Kịch bản thực tế nhất có thể xảy ra là việc Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine gây khó dễ cho đội tàu thuyền dân sự và thương mại của Nga.

Những nước này có thể bắt giữ các tàu thuyền từng neo đậu tại các cảng của Nga trên biển Đen đi vào cảng Odessa (Ukraine). Nhưng đó lại không phải vấn đề của Moscow.

Điều duy nhất Ukraine có thể đưa ra để đổi lấy sự hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ đó là đội quân các nữ sinh viên hấp dẫn muốn lấy chồng Thổ giàu có mà thôi.

Sau khi Nga rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ bị trói tay. Chính quyền Ankara không có cơ sở chính trị để triển khai hoạt động phá hoại, thêm vào đó Nga đã áp dụng đủ các biện pháp cần thiết để đáp trả sau vụ Su-24 bị bắn hạ.

Vấn đề chủ yếu của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đó là người Kurd. Họ đang khiến cho Erdogan phải mất ăn mất ngủ.

Ukraine không có đủ phương tiện cũng như năng lực sản xuất để chế tạo tên lửa tầm ngắn và trung. Nói chung, đằng sau những tuyên bố kiểu này là một nỗi buồn khôn tả. Không thể xây dựng một ngành công nghiệp chế tạo tên lửa bằng sự lừa dối chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại