Bất ổn chính trị tại Ukraine đang mang lại những ảnh hưởng nhất định đến các kế hoạch chiến lược lâu dài của Moscow. Chính phủ thân Nga của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đã bị lật đổ, một chính phủ thân châu Âu đã được lập nên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự hiện diện của Hải quân Nga tại Sevastopol.
Không chỉ ảnh hưởng về mặt chính trị, biến cố tại Ukraine còn đe dọa khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tên lửa chiến lược Moscow bởi có một thực tế khá trớ trêu là việc duy trì thời gian hoạt động của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-20V (SS-18 Satan), RS-18 (SS-19 Stiletto) lại do Ukraine đảm nhận, trong đó RS-20V vẫn được coi là một trong những quân bài trọng yếu của lực lượng hạt nhân Nga.
Trang mạng topwar của Nga đưa tin lực lượng tên lửa chiến lược của nước này đang có kế hoạch phát triển tên lửa ICBM mới nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ukraine. Dự án phát triển ICBM mới được gọi là Sarmatian, đây là một ICBM hạng nặng. Kế hoạch phát triển dự kiến được hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020.
Theo cựu Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Viktor Esin, Sarmatian sẽ thay thế cho RS-20V (SS-18 Satan). Ông Esin tiết lộ, ICBM mới không chỉ thừa hưởng các đặc tính ưu việt của RS-20V mà trong một số khía cạnh còn vượt trội hơn.
Việc kéo dài tuổi thọ cho tên lửa đạn đạo liên lục đia RS-20V (SS-18 Satan) lại do phía Ukraine đảm nhận.
Để thực hiện điều này, các nhà thiết kế đã tính toán một cách rất kỹ lưỡng về tải trọng và hệ thống khởi động. Đây sẽ là một tên lửa năng lượng cao, không chỉ tăng cường hiệu quả tác chiến mà còn có khả năng đa dạng hóa trong các phương thức phòng thủ tên lửa, bao gồm cả vũ khí không gian.
ICBM hạng nặng mới sẽ dựa trên các silo phóng trong lòng đất để mang đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu, nó cũng được tối ưu hóa cơ chế dẫn đường và có thể tấn công từ nhiều hướng khác nhau bao gồm cả hướng tấn công qua Nam cực.
Ông Vladimir Vasilenko, cựu lãnh đạo Viện nghiên cứu trung tâm số 4 của Bộ Quốc phòng Nga lưu ý rằng, thời hạn hoạt động của RS-20 và RS-18 liên tục được kéo dài nhưng không thể vô hạn định. Ngoài vấn đề thời gian, việc duy trì hoạt động của tên lửa còn ảnh hưởng do yếu tố địa lý.
RS-20 và RS-18 được chế tạo từ thời Xô Viết và từng được sản xuất tại nhà máy Pivdenmash ở thành phố Dnipropetrovsk (Ukraine). Vì vậy, mỗi lần kéo dài tuổi thọ của 2 loại tên lửa này, Nga phải đàm phán với đối tác nước láng giềng. Do đó, ICBM mới cần loại bỏ sự phụ thuộc trên. Vấn đề này càng trở nên quan trọng khi do sự thay đổi quyền lực ở Kiev.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Pivdenmash bị đóng cửa hoặc bị buộc phải chấm dứt hợp đồng để duy trì tuổi thọ của tên lửa của Nga. Đó là một ảnh hướng lớn với lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Ông Viktor Esin chia sẻ “Tôi tin rằng sự hợp tác giữa Nga và Ukraine trong lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp tục dù chính phủ nào lên cầm quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp thỏa thuận liên chính phủ với Ukraine bị đổ vỡ, ngành công nghiệp của Nga vẫn sẵn sàng độc lập thực hiện việc bảo dưỡng các tên lửa này. Sự hợp tác với Ukraine trong quá trình sản xuất tên lửa nhiên liệu lỏng sẽ giúp Nga có khả năng đảm nhận việc duy trì các tên lửa RS-20. Nhưng vấn đề này sẽ có một số khó khăn bởi tài liệu kỹ thuật do phía Ukraine nắm giữ”.
Các chuyên gia Ukraine từng đề cập đến việc khôi phục dự án hệ thống tên lửa chiến đấu đặt trên đường sắt BZHRK, dự án này thường được gọi là “đoàn tàu tử thần”. Công tác phát triển dự án đang được tiến hành tại Nga do Viện công nghệ nhiệt Moscow đảm nhận.
Tuy nhiên, ông Esin đã đặt ra một câu hỏi lớn về tính hợp lý của dự án. Nước Nga không có nền tảng kỹ thuật cho dự án BZHRK như thời Liên Xô, tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-23 Molodets trang bị trên đoàn tàu vốn được sản xuất ở Ukraine. Ngoài ra, toàn bộ cơ sở hạ tầng liên quan đến dự án đã bị phá hủy, để hồi sinh nó cần một khoản tiền khổng lồ.
Cuối cùng một vấn đề lớn phát sinh khác là công tác quản lý hệ thống đường sắt này. Theo một vị tướng thì chi phí quản lý hệ thống này quá đắt so với yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga. Thế nhưng, các chuyên gia quân sự Nga đều cho rằng, hồi sinh “đoàn tàu tử thần” là điều cần thiết. Hệ thống này đặc biệt hữu ích để đối phó với các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.