Tờ The Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết cho hay, tình báo Mỹ cho rằng đơn vị đặc nhiệm của cục tình báo quân đội Nga GRU, lực lượng được tin là đứng đằng sau phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine hiện nay, nằm trong số những đơn vị hưởng lợi từ sự hợp tác về huấn luyện với Đức.
Dưới đây là nội dung bài viết trên The Daily Beast:
Nhiều nước thành viên NATO đã hỗ trợ Nga hiện đại hóa quân đội của mình. Nhưng giờ đây đang có những lo ngại nhất định liên quan đến việc một tập đoàn quốc phòng Đức tham gia huấn luyện cho quân đội Nga.
Chiến dịch chiếm giữ Crimea của Nga đã làm thế giới bất ngờ với công nghệ hiện đại, trang bị mới, cùng với sự bí mật khiến tình báo Mỹ thất bại trong việc dự báo. Trong lúc Washington đang phân tích những nguyên nhân đằng sau sự kiện này, thì một trong những yếu tố được xem xét là sự hỗ trợ từ phương Tây.
Một ví dụ là hợp đồng trị giá 140 triệu USD của tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall để xây dựng một trung tâm huấn luyện mô phỏng đặt tại Mulino, tây nam nước Nga. Mỗi năm 30.000 lính Nga có thể được huấn luyện tại đây. Mặc dù dự kiến phải đến cuối năm nay, trung tâm này mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng các quan chức Mỹ tin rằng người Đức đã tham gia việc huấn luyện cho quân đội Nga từ trước đó.
Rheinmetall bảo vệ tính chính đáng của dự án này ngay cả sau khi Nga chiếm giữ Crimea. Song chính phủ Đức đã cho dừng dự án này hồi cuối tháng trước. Tuy vậy, vẫn có nhiều luồng ý kiến từ Washington không hài lòng với cách người Đức xử lý vấn đề này, và lo ngại rằng một số đơn vị đặc nhiệm đang có mặt tại Ukraine đã từng tham gia huấn luyện tại trung tâm trên.
Một trợ lý thượng nghị sĩ Mỹ nói với báo giới: “Việc các công ty Đức trực tiếp hỗ trợ và huấn luyện cho quân đội Nga ngay cả khi Ukraine đang bị tấn công là rất đáng tiếc. Chính phủ Mỹ cần kêu gọi các thành viên NATO ngừng mọi hợp tác quân sự với Nga cho đến khi họ rời khỏi Ukraine, kể cả Crimea”.
Theo một báo cáo của quốc hội Mỹ, đối tác Nga của Rheinmetall trong dự án trên là công ty quốc doanh Oboronservis. Trung tâm huấn luyện này tương tự như trung tâm đang được quân đội Đức sử dụng, và được giới thiệu là có công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay. Rheinmetall xem đây là bước đệm để tiếp cận các dự án khác, trong bối cảnh Nga đang đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng để hiện đại hóa quân đội.
Phía Mỹ giờ đây không tránh khỏi cảm giác thất vọng và bối rối khi nhìn lại quá trình hợp tác quân sự giữa Đức và Nga trong những năm qua. Họ tin rằng sự hợp tác này góp phần vào sự thay đổi nhanh chóng của quân đội Nga so với những cuộc xung đột trước đây, mặc dù không có bằng chứng cụ thể. Tình báo Mỹ cho rằng đơn vị đặc nhiệm của cục tình báo quân đội Nga GRU, lực lượng được tin là đứng đằng sau phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine hiện nay, cũng nằm trong số những đơn vị hưởng lợi từ sự hợp tác về huấn luyện với Đức. Rheinmetall cho đến nay vẫn giữ im lặng trước những thông tin trên.
Nga vẫn luôn có quan hệ kinh tế khắng khít với nhiều nước thành viên NATO, đặc biệt là Đức. Chỉ riêng năm ngoái, Nga nhập khẩu từ Đức một lượng hàng hóa ước tính 50 tỷ USD. Hàng trăm nghìn công việc tại Đức có liên quan ít nhiều đến quan hệ thương mại với Nga.
Quân đội các nước thuộc Châu Âu cũng có những hình thức hợp tác khác nhau với quân đội Nga từ nhiều năm qua. Cả Đức và Mỹ đều đã từng tổ chức tập trận chung với Nga. Mỹ từng mua trực thăng của Nga cho hoạt động tại Afghanistan. Nga cũng cho phép các phương tiện của NATO phục vụ chiến tranh tại Afghanistan được trung chuyển qua lãnh thổ của mình.
Do đó, ngay bản báo cáo của quốc hội Mỹ cũng thừa nhận rằng dự án của Rheinmetall nên được xem xét trong bối cảnh chung về mối quan hệ giữa Nga và Đức, và nó phù hợp với chính sách nhất quán của chính phủ Đức về thúc đẩy hợp tác quân sự với những nước đối tác.
Song vẫn có nhiều quan chức Mỹ xem dự án của Rheinmetall như là một trong nhiều ví dụ về việc các nước NATO không cưỡng lại được các hợp đồng quân sự hấp dẫn với Nga, nhất là sau khi Tổng thống Obama thực hiện chính sách làm tan băng quan hệ ngoại giao với Nga. Những ví dụ khác bao gồm hợp đồng bán các tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp, hay Ý bán các xe bọc thép chở quân Lynx.
Trong một cuộc điều trần trước quốc hội tháng trước, phó đô đốc Frank Pandolfe, phụ trách chiến lược và hoạch định chính sách của bộ tổng tham mưu, cho biết học thuyết quân sự mới của Nga tập trung vào khả năng có thể triển khai một lực lượng phản ứng nhanh, linh hoạt, nhấn mạnh vào việc sử dụng các lực lượng đặc nhiệm. Nga không xem một cuộc chiến thông thường ở quy mô lớn là ưu tiên chính, thay vào đó là việc bảo vệ người Nga và lợi ích của nước này ở những khu vực bất ổn, chống lại ảnh hưởng của phương Tây.
Giới phân tích tình báo Mỹ nhận định sự thay đổi này không phải diễn ra mới đây, nhưng ít được phương Tây chú ý. Các thành viên NATO từng tin rằng họ có thể kiềm chế Nga thông qua hợp tác nhưng rõ ràng là Nga có ý định khác. Andranik Migranyan, một cố vấn của chính phủ Nga, nói với các phóng viên rằng kể từ sau cuộc chiến tại Gruzia, Nga đã chi mạnh tay để nâng cấp quân đội của mình và nếu phương Tây không làm điều tương tự thì đó là lỗi của họ.
Lực lượng Nga chiếm giữ căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea tháng 3/2014