Là một quốc gia thừa hưởng số lượng trang thiết bị quân sự nhiều thứ 2 của Liên Xô (chỉ sau Nga), Ukraine sở hữu nhiều công nghệ vũ khí hiện đại nhất trên thế giới, trong đó có công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Kể từ sau cuộc chính biến tại Ukraine, đã xuất hiện nhiều lo ngại về việc kho vũ khí của nước này có thể lọt vào tay những đối tượng xấu. Mới đây nhất, theo trang mạng Topwar (Nga), Ukraine có thể bán các công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cực kỳ nhạy cảm sang một quốc gia khác (ngoài Nga).
Hiện tại ở Ukraine đang có viện thiết kế phía Nam mang tên MK Yangelya - nhà phát triển chính của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đây là nơi thiết kế ra loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa uy lực R-36M (NATO định danh là Satan). Dù hiện tại, loại tên lửa này đã không còn được sản xuất nhưng tài liệu về nó vẫn do phía Ukriane sở hữu.
Bên cạnh đó, R-36M vẫn đang trong biên chế của lực lượng tên lửa chiến lược Nga và các chuyên gia Ukraine chịu trách nhiệm giám sát, bảo trì các tên lửa này cho Moscow. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36M có tầm bắn tối đa lên đến 16.000km có thể mang tối đa 10 đầu đạn, tên lửa R-36M được cho là có thể phá hủy khoảng 65-80% số lượng hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của phía Mỹ. Ngoài tên lửa R-36M, viện thiết kế phía Nam còn sở hữu thiết kế của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23, đây là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trên tàu hỏa độc đáo nhất trên thế giới.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trên tàu hỏa RT-23.
Ngày 29-3 vừa qua, giám đốc điều hành của tập đoàn Ukroboronprom, ông Yuriy Tereshchenko đã tuyên bố đóng băng việc xuất khẩu vũ khí sang phía Nga. Tuy nhiên, nếu không co các đơn đặt hàng từ phía Nga thì các công ty quốc phòng của Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản. Do đó các công ty quốc phòng của Ukraine sẽ tìm kiếm nguồn khách hàng mới mà theo Topwar, khả dĩ nhất là Israel và Trung Quốc, đây là 2 quốc gia có mối quan tâm đặc biệt đến công nghệ tên lửa đạn đạo.
Topwar cho biết, ngay từ đầu cuộc chính biến ở Ukraine, phía Israel không có bất kỳ phản ứng nào cho dù đó được cho là những cuộc chính biến do phe Tân Phát xít tiến hành, kể cả việc một giáo sĩ Do Thái bị tấn công tại Kiev hồi giữa tháng 3 năm nay, cũng như việc thánh đường Do thái bị đốt cháy hay việc những dòng chữ có nội dung chống Do thái. Điều đó cho thấy Israel không muốn phá hỏng mối quan hệ với Kiev. Theo các chuyên gia, chỉ có một thứ làm Israel giữ mối quan hệ với quốc gia này, đó là công nghệ tên lửa.
Trong khi đó, Trung Quốc đã cố tình lờ đi vấn đề Nga sáp nhập Crimea. Điều này được cho là nhằm giữ mối quan hệ với chính quyền mới của Kiev. Người Trung Quốc xưa nay vốn không tiếc tiền chi cho việc sở hữu các công nghệ vũ khí hiện đại và Ukraine vốn là nguồn cung cấp công nghệ quân sự rất lớn cho Trung Quốc.
Việc phá sản của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine sẽ dẫn đến điều gì? Theo Topwar, thứ nhất, đó là sự tư nhân hóa. Tư nhân hóa sẽ diễn ra hoàn toàn hoặc từng phần. Khi đó, Trung Quốc có thể chi tiền cứu các nhà máy quốc phòng của Ukraine và sau đó mua nhà máy hoặc cả Cục thiết kế cùng với các tài liệu lưu trữ của Ukraine. Thứ hai, Trung Quốc có thể đơn giản là mua tài liệu từ nhân viên hoặc lãnh đạo của các xí nghiệp này. Thứ ba, Bắc Kinh có thể ký những hợp đồng hấp dẫn với các nhà thiết kế hàng đầu của Ukraine, hay đưa họ rời khỏi đất nước này để sau đó phục dựng lại những tài liệu quan trọng. Và cuối cùng, giới lãnh đạo lâm thời của Kiev vì những khoản tín dụng ưu đãi lớn của Trung Quốc có thể tự hiến dâng những công nghệ của mình cho Bắc Kinh.
Như vậy, nguy cơ Trung Quốc sở hữu một phiên bản R-36M Satan và phiên bản tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trên tàu hỏa cho riêng mình là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có một sự tác động từ phía Mỹ nhằm ngăn chặn việc Ukraine bán các công nghệ này.