Đóng vai trò lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên vùng biển và vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Coast Guard) được chú trọng trang bị nhiều tàu tuần tra cũng như các loại vũ khí đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
Với đặc thù nhiệm vụ, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam cũng được trang bị vũ khí nhưng chỉ là pháo cỡ nòng nhỏ và súng máy hạng nặng đủ để đảm bảo tính răn đe thay vì pháo lớn hay các loại tên lửa như trên tàu Hải quân, đây cũng là điểm chung của các lực lượng tuần duyên và cảnh sát biển trên thế giới.
Tàu CSB 4031 (TT-400) với 2 tháp pháo 2M-3 và 2 súng máy hạng nặng KPVT.
Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay được trang bị chủ yếu các loại vũ khí như sau: pháo nòng đôi 2M-3 cỡ 25 mm, đây là loại pháo có cỡ nòng lớn nhất biên chế cho Cảnh sát biển. Hiện nay, pháo 2M-3 đang lắp trên các tàu tuần tra: TT-120, TT-200, TT-400, tàu 2015, 2016, 8003,... Ngoài pháo 2M-3 còn có pháo ZU-23-2 cỡ nòng 23 mm, loại pháo này lắp trên tàu 4001 và 4002. Bên cạnh pháo thì trên các tàu cảnh sát biển còn lắp đặt súng máy hạng nặng KPVT cỡ 14,5 mm.
Pháo nòng đôi 2M-3 trên tàu CSB 2008 (TT-200).
Nhìn chung các loại vũ khí trang bị trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam đủ đảm bảo tính răn đe và phòng vệ khi cần thiết. Tuy nhiên chúng cũng có một số nhược điểm như sau: Pháo 2M-3 là loại vũ khí thế hệ cũ, được Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1952 (tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ), mặc dù không nói đến sức mạnh hỏa lực nhưng thế hệ pháo này được điều khiển và ngắm bắn toàn toàn thủ công, điều này cũng tương tự với pháo ZU-23-2 và súng máy hạng nặng KPVT.
Việc sử dụng pháo và súng máy điều khiển thủ công sẽ làm giảm độ chính xác của vũ khí do phụ thuộc vào việc lấy đường ngắm của xạ/pháo thủ cũng như khó điều chỉnh khi gặp tác động của sóng biển, hơn nữa việc trực tiếp vận hành ngay trên bệ pháo hoặc giá súng sẽ gây nguy hiểm cho xạ/pháo thủ khi tác chiến.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại pháo và súng máy điều khiển tự động. Các loại vũ khí này có ưu điểm là hệ thống ngắm bắn tốt (trang bị các hệ thống quang tuyến hiện đại đảm bảo ngắm bắn cả ngày và đêm), điều khiển đơn giản và đảm bảo an toàn khi tác chiến,...
Súng máy hạng nặng KPVT cỡ nòng 14,5 mm trên tàu CSB 2008.
Tuy nhiên để lựa chọn được mẫu pháo/súng điều khiển tự động nhằm lắp đặt trên các tàu Cảnh sát biển Việt Nam sẽ phụ thuộc vào một số tiêu chí sau: đầu tiên là chúng ta phải mua được (do hiện nay các loại vũ khí như trên chủ yếu là sản phẩm của các quốc gia phương Tây mà chúng ta ít có hợp tác quốc phòng), đảm bảo đồng bộ với các loại vũ khí hiện có trong quân đội ta nói chung và lực lượng Cảnh sát biển nói riêng.
Một trong những mẫu vũ khí được đánh giá đáp ứng 2 yêu cầu nói trên là hệ thống vũ khí điều khiển tự động Typhoon do Hãng Rafale, Israel chế tạo.
Hệ thống Typhoon cùng 1 pháo 2A14 của pháo phòng không ZU-23-2.
Hệ thống Typhoon được thiết kế thích hợp lắp đặt kèm các loại pháo cỡ nòng tối đa 30 mm, toàn bộ thiết bị quang tuyến, pháo, hộp tiếp đạn bố trí trên cùng một bệ điều khiển từ xa (thiết bị điều khiển của hệ thống đặt bên trong phòng tác chiến của tàu) với khối lượng chỉ từ 690 - 750 kg, gọn nhẹ, phù hợp trang bị trên các tàu tuần tra (hoặc làm vũ khí phòng thủ trên các tàu chiến cỡ lớn).
Những hệ thống quang tuyến, ngắm bắn lắp đặt trên Typhoon có thể là CCD/FLIR/LRF, việc trang bị các thiết bị ngắm bắn hiện đại này giúp pháo lắp kèm Typhoon bắn với độ chính xác lên đến 0,25 mrad, tức là nó cho phép giữ vũ khí bắn chính xác trong phạm vi 250 mm với mục tiêu nằm cách xa 1.000 m (vượt xa hoàn toàn so với việc lấy đường ngắm bằng mắt thường). Bên cạnh đó, việc có các hệ thống quang tuyến, ngắm bắn hiện đại giúp vũ khí có thể vận hành chính xác ngay cả trong điều kiện ban đêm, điều mà các loại pháo điều khiển thủ công không làm được.
Ngoài việc có thể lắp đặt nhiều loại pháo với cỡ nòng tối đa 30 mm, hệ thống Typhoon còn có khả năng lắp kèm các loại tên lửa đất đối đất cỡ nhỏ hoặc tên lửa phòng không vác vai giúp tăng cường sức mạnh. Ưu điểm lớn nhất của Typhoon so với các hệ thống tương tự của phương Tây đó là việc bản thân hệ thống Typhoon đã thiết kế có thể lắp đặt với các loại pháo do Nga sản xuất vốn đang có trong biên chế của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Cụ thể, hệ thống Typhoon có thể lắp đặt với 1 pháo 2A14 thuộc pháo nòng đôi ZU-23-2. Theo đó, 1 nòng pháo của pháo phòng không ZU-23-2 sẽ được tháo ra và lắp vào bệ của hệ thống Typhoon mà không cần phải thay đổi bất cứ gì về cấu trúc.
Hệ thống Typhoon GSA với pháo 2A14 và tên lửa phòng không vác vai.
Ngoài hệ thống Typhoon cho các loại pháo cỡ nòng dưới 30 mm, Rafale còn giới thiệu hệ thống Mini Typhoon dành cho các loại súng máy hạng nặng cỡ 12,7 mm, súng máy cỡ 7,62 mm, súng phóng lựu liên thanh, hệ thống này có thể thích hợp lắp đặt cùng với súng máy hạng nặng KPVT 14,5 mm.
Hệ thống Mini Typhoon cùng súng máy hạng nặng M2.
Nếu lắp đặt được hệ thống Typhoon hoặc Mini Typhoon lên các tàu Cảnh sát biển Việt Nam sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu, phòng thủ của những tàu này, đồng thời cũng nâng cao mức độ an toàn cho pháo/xạ thủ - đối tượng trực tiếp vận hành.
Hệ thống Mini Typhoon của Israel
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA