Ngày 27-10, tàu khu trục USS Lassen (DDG-82) đã lần đầu tiên tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này đã điều tàu khu trục Lanzhou và tàu tuần tra Taizhou đeo bám và cảnh cáo chiến hạm Mỹ trong quá trình tuần tra.
Đáng chú ý trong 2 tàu của Trung Quốc, tàu khu trục Lanzhou là một trong những tàu mạnh nhất của Hạm đội Nam Hải và được gọi là chiến hạm Aegis phiên bản Trung Quốc.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052C lớp Luyang II là lớp tàu đầu tiên của hải quân Trung Quốc có khả năng phòng không tầm xa đúng nghĩa.
Chiếc đầu tiên thuộc lớp này và cũng là con tàu đeo bám chiến hạm USS Lassen của Hải quân Mỹ hôm 27/10 mang tên Lanzhou, số hiệu 170, được đưa vào biên chế Hạm đội Nam Hải tháng 09-2005.
Việc Trung Quốc lựa chọn tàu Lanzhou để "cảnh cáo" chiến hạm Mỹ làm nảy sinh một câu hỏi: Phải chăng nước này tự tin rằng tàu Lanzhou có đủ sức mạnh để khiến USS Lassen phải e ngại?
Hãy đặt 2 con tàu này lên bàn cân để tìm câu trả lời.
Tàu khu trục Lanzhou của hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục USS Lassen (DDG-82) của Hải quân Mỹ.
Kích cỡ
Các tàu khu trục Type 052C sử dụng chung khung thân với tàu khu trục thế hệ trước là Type 052B, tuy nhiên, toàn bộ phần thượng tầng cũng như các loại vũ khí đã được thiết kế lại. Tàu có chiều dài 153m, rộng 16,5m, lượng giãn nước 6.600 tấn.
So với tàu khu trục USS Lassen thì kích cỡ của 2 tàu không có sự chênh lệch lớn nhưng lượng giãn nước của tàu Lassen vượt trội hơn nhiều (9.200 tấn).
Radar
Trang thiết bị trên tàu Type 052C là sự kết hợp giữa các thiết bị của Nga và Trung Quốc.
Điểm đặc trưng dễ nhận ra nhất của Type 052C so với các tàu trước đây của Hải quân Trung Quốc là 4 radar Type 348 lắp vào phần thượng tầng, tương tự như cách bố trí radar ở tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Radar Type 348 trên tàu khu trục Type 052C.
Nhìn bên ngoài, 4 radar Type 348 nằm lồi ra nhưng thực chất đây chỉ là phần bảo vệ che bên ngoài radar, phía trong các chấn tử vẫn được lắp phẳng với phần thượng tầng như trên tàu lớp Arleigh Burke.
Các thông số kỹ thuật chi tiết của Type 348 không được Trung Quốc tiết lộ nhưng do đây là biến thể đầu tiên được đưa vào sử dụng nên tính năng kỹ thuật chưa thể sánh với các radar AN/SPY-1D trên tàu USS Lassen.
Vũ khí
Pháo hạm chính trên Type 052C là mẫu pháo Type 210 cỡ nòng 100mm, đây là mẫu pháo được Trung Quốc chế tạo từ pháo hạm Creusot-Loire T100C cỡ nòng 100mm của Pháp.
Pháo Type 210 có thể tiêu diệt được cả mục tiêu trên không, trên biển, ven bờ với tốc độ bắn tối đa 90 phát/phút.
Hệ thống CIWS Type 730.
Hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) gồm 2 pháo bắn nhanh Type 730 với tốc độ bắn từ 4.600 - 5.800 phát/phút, tầm bắn hiệu quả lên đến 3km. Hai hệ thống này được bố trí ở phía trước phần thượng tầng và trên nóc nhà chứa trực thăng.
Trong khi đó, tàu USS Lassen trang bị 1 pháo chính Mk 45 Mod 4 có tầm bắn tối đa 37km và có chế độ bắn tự động hoàn toàn mà không cần người ngồi bên trong điều khiển.
Ngoài ra, phiên bản này có thể bắn các loại đạn thế hệ mới. Hệ thống CIWS Phalanx của USS Lassen có tốc độ bắn tối đa 4.500 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 3,5km, đây là một trong những hệ thống CIWS tốt nhất hiện nay.
Vũ khí chống hạm trên tàu khu trục Type 052C gồm 8 tên lửa YJ-62 (C-602), tên lửa này có tầm bắn tối đa 280km, tốc độ từ 0,6 - 0,8 Mach, mang được đầu đạn nặng 300kg.
Còn tàu khu trục USS Lassen đã loại bỏ các tên lửa chống hạm Harpoon nhưng vẫn có thể sử dụng tên lửa SM-2 để làm nhiệm vụ chống hạm.
Tên lửa SM-2 trên tàu USS Lassen có khả năng bắn qua đường chân trời nhờ pha đầu dẫn đường quán tính và pha sau sử dụng đầu dò hồng ngoại. Tuy nhiên, SM-2 lại có ưu điểm tốc độ bay nhanh hơn so với YJ-62 của Type 052C.
Pháo hạm Type 210 cùng 6 bệ phóng với tổng cộng 36 ống phóng cho tên lửa phòng không HHQ-9 phía trước thượng tầng.
Về phòng không, Type 052C được trang bị 48 tên lửa phòng không HHQ-9 (phiên bản hải quân của HQ-9) bố trí trong 6x6 ống phóng thẳng đứng phía trước phần thượng tầng và 2x6 ống phóng ở nhà chứa trực thăng.
Không nói về tính năng kỹ chiến thuật, nếu chỉ xét về số lượng tên lửa mang theo thì tàu khu trục USS Lassen mang được số tên lửa đánh chặn SM-2 gấp đôi (96 tên lửa) so với Type 052C.
Ngoài ra, điểm ưu việt của tàu USS Lassen là các ống phóng thẳng đứng Mk 41. Chúng là loại ống phóng đa năng có thể bắn được nhiều loại tên lửa tùy mục đích như: tên lửa đánh chặn SM-2, tên lửa đánh đất Tomahawk, tên lửa chống ngầm VL-Asroc.
Còn với Type 052C, các ống phóng thẳng đứng chỉ có thể sử dụng với tên lửa phòng không HHQ-9.
Về chống ngầm, cả 2 con tàu đều được trang bị 2x3 ống phóng ngư lôi, trên tàu khu trục Type 052C còn có thêm các ống phóng rocket chống ngầm.
Song, về khả năng tiếp nhận trực thăng, tàu USS Lassen vượt trội hơn khi nó có sàn đáp rộng hơn và có nhà chứa cho 2 trực thăng thay vì chỉ 1 trực thăng như trên tàu Type 052C.
Kết luận
Như vậy, có thể thấy rằng so với tàu khu trục Lan Châu, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn cả về kích thước, hệ thống điện tử, vũ khí.
Còn một yếu tố rất lớn ảnh hưởng đến khả năng tác chiến chính là trình độ vận hành của thủy thủ đoàn. Hải quân Mỹ cực kỳ chú trọng điều này.
Các chiến hạm cùng thủy thủ đoàn của họ thường xuyên được luân chuyển tới các vùng biển để tăng cường khả năng tác chiến trong mọi tình huống.
Với Trung Quốc, trong vài năm gần đây, nước này mới bắt đầu đưa hải quân tiến xa bờ và còn chưa thể sánh bằng hải quân Mỹ.
Riêng với tàu Type 052C, vào cuối năm 2014, trong một chuyến hải trình ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, tàu khu trục Trịnh Châu thuộc lớp này đã gặp sự cố khiến 2 người bị thương. Điều đó cho thấy khả năng xử lý tình huống yếu kém của thủy thủ đoàn.
Đây sẽ là điều mà rất lâu nữa hải quân Trung Quốc mới có thể đuổi kịp Mỹ.
Tàu khu trục Type 052 Trung Quốc bị sóng đánh bung cửa