Tướng Nga: PAK-DA mạnh hơn nhiều Tu-160

PAK-DA sẽ là máy bay ném bom tàng hình cận âm nhưng mạnh hơn cả loại máy bay ném bom lớn nhất thế giới Tu-160.

Một mô hình máy bay được cho là PAK-DA thử nghiệm trong đường hầm gió.
Một mô hình máy bay được cho là PAK-DA thử nghiệm trong đường hầm gió.

Theo tiết lộ của Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Viktor Bondar cho biết máy bay ném bom tàng hình mới PAK-DA sẽ có sức mạnh lớn hơn Tu-160 và khả năng vượt qua được các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại.

Theo ông Bondar, PAK-DA khác biệt so với Tu-160 ở đặc điểm tốc độ bay cận âm (trong khi Tu-160 bay với tốc độ siêu âm), nhưng bù lại nó (PAK-DA) sẽ mạnh hơn nhờ khả năng mang được nhiều vũ khí và được thiết kế tàng hình cùng hệ thống tác chiến điện tử phức tạp nhất và những vũ khí có độ chính xác cao nhất để vượt qua các hệ thống phòng không của đối phương.

Theo chương trình mua sắm máy bay ném bom của Không quân Nga, Hiệp hội hàng không Kazan sẽ là nơi chế tạo ra những máy bay PAK-DA trong tương lai.

Một cấu hình mô hình PAK-DA khác trong đường hầm gió.
Một cấu hình mô hình PAK-DA khác trong đường hầm gió.

Hồi đầu năm 2013, Không quân Nga đã chọn ra một thiết kế máy bay ném bom tàng hình cận âm sử dụng cánh bay của Viện thiết kế hàng không Tupolev cho chương trình phát triển máy bay ném bom tầm xa tương lai PAK-DA của họ.

Tiết lộ này cũng sẽ đồng nghĩa với sự chấm hết một chiến dịch vận động lâu dài của Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin để phát triển một máy bay ném bom tàng hình siêu vượt âm.

Moscow đã công bố một cuộc thi thiết kế máy bay ném bom trong năm 2012 và chương trình này đã thu hút được một số đề xuất thiết kế từ nhiều văn phòng thiết kế máy bay khác nhau, bao gồm cả thiết kế máy bay ném bom có cánh bay của Tupolev và ít nhất là một đề xuất thiết kế máy bay siêu vượt âm.

Một thiết kế máy bay ném bom có cánh bay sẽ cho phép các kỹ sư Nga có thể lắp đặt các thiết bị máy móc bên trong máy bay, tối đa hóa khả năng tàng hình và giảm thiểu mức bộc lộ hồng ngoại của máy bay.

Sở dĩ không quân đưa ra quyết định lựa chọn thiết kế PAK-DA có tốc độ bay cận âm chứ không phải là máy bay siêu vượt âm như những đồn đoán trước đó là vì, thiết kế máy bay tốc độ cao chứa đựng những rủi ro kỹ thuật rất lớn.

Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, công nghệ siêu vượt âm có thể là một phần của chương trình PAK-DA. Nhưng là một vũ khí tấn công có tốc độ bay siêu vượt âm (trên Mach 5.0, tương đương 6.125km/h) được mang ở khoang vũ khí trong thân hoặc trên cánh của máy bay.

Bằng chứng là năm ngoái, Phó Thủ tướng Nga Rogozin đã công bố việc hình thành một liên doanh giữa Tổng Công ty tên lửa chiến dịch - chiến thuật (KTRV) và NPO Mashinostroyenia để nghiên cứu và phát triển công nghệ siêu vượt âm.

Viện Thiết kế Tupolev sẽ hoàn thành một đề nghị phác thảo cho máy bay ném bom mới và đề xuất ngân sách cho công tác thiết kế chi tiết vào đầu năm 2014. Kế hoạch sản xuất máy bay dự kiến vào năm 2020 và sẽ thay thế cho 2 loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa hiện nay là Tu-95MS và Tu-160.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại