LTS: Như vậy, chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên HQ-182 Hà Nội trong tổng số 6 chiếc do Nga sản xuất cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký vào năm 2009 đã về đến cảng Cam Ranh. Sự kiện này đang được các nhà phân tích quân sự và chính trị trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Đó cũng là chủ đề cuộc trao đổi của chúng tôi với Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng. Và dưới đây là phần cuối của cuộc trò chuyện thú vị này.
Phần 1: "Việt Nam không cần tàu sân bay nhưng rất cần tàu ngầm"
Phần 2: Tướng Lê Kế Lâm nói về thái độ của Trung Quốc khi Việt Nam có tàu ngầm Kilo
PV: Sự kiện chiếc tầu ngầm đầu tiên về đến Việt Nam chỉ diễn ra sau sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chưa đầy 3 tháng. Thưa ông, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp có khi nào nói về việc chúng ta cần phải có tàu ngầm và cần phải sử dụng như thế nào?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đại tướng là vị tướng tài của đất nước ta. Chính sự kiện chúng ta giải phóng 5 đảo ở Trường Sa do Việt Nam Cộng hòa đóng ngày trước dưới sự chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói lên sự quan tâm của Đại tướng đối với vấn đề biển đảo và hải quân như thế nào.
Lúc sinh thời, Đại tướng đến thăm hải quân rất nhiều lần. Tôi cũng có vinh dự được tiếp xúc và làm việc với Đại tướng. Mong muốn lực lượng quốc phòng nói chung và lực lượng hải quân, không quân lớn mạnh là mong muốn hết sức to lớn của Đại tướng. Tôi cũng tin rằng nếu tàu ngầm Kilo Hà Nội về đến Việt Nam khi Đại tướng còn sống thì hẳn là Người sẽ rất vui và thỏa lòng mong mỏi.
PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy sử dụng chiến lược chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, như Thiếu tướng nói, tàu ngầm có phạm vi hoạt động đặc thù là dưới mặt nước. Vậy khi vận dụng chiến lược chiến tranh trên, Đại tướng đã có ý kiến như thế nào và theo ông, hẳn cách chiến đấu của tàu ngầm của Việt Nam cũng sẽ có những nét rất đặc thù so với các nước trong khu vực cũng như theo lý thuyết chung trong hải quân?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Theo tôi được biết thì Đại tướng chưa có ý kiến chỉ đạo nào đối với việc sử dụng tàu ngầm phải chiến đấu như thế nào để phối hợp với các bộ phận khác trong chiến lược chiến tranh nhân dân. Hồi đó, chiến tranh chống xâm lược chủ yếu diễn ra trên đất liền. Trong thời chống Mỹ, Đại tướng có quan tâm đến hải quân và không quân. Nhưng khi đó, cả hải quân và không quân của chúng ta đều rất mỏng. Mong mỏi của Đại tướng khi đó là muốn có một quân chủng hải quân đầy đủ binh chủng và có sức mạnh lớn để bảo vệ đất nước.
Về tàu ngầm đó là một binh chủng đặc thù nên cách hoạt động của nó có một đặc điểm riêng và ai muốn sử dụng tàu ngầm đó thì đều phải học khóa huấn luyện riêng về tàu ngầm. Tôi cũng đã được học chiến thuật tàu ngầm và đã xuống tàu ngầm nhưng chưa đi với kíp tàu dài ngày.
Mỗi một quân đội khi sử dụng lực lượng của mình để chống lại kẻ thù thì đều có những sáng tạo riêng. Quân đội nào có sức sáng tạo lớn, nhuệ khí cao thì quân đội đó chiến thắng.
PV: Tàu ngầm đã về đến Việt Nam và việc sử dụng tàu ngầm của Việt Nam cũng sẽ có những sáng tạo riêng. Vậy theo Thiếu tướng, để phát huy tối đa sức mạnh của tàu ngầm, Việt Nam còn phải làm gì nữa?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Trước hết là phải làm thế nào để giữ cho tàu ngầm không xuống cấp. Thứ hai là phải đào tạo kíp tàu có tinh thần dũng cảm, có nhuệ khí và đó là những người thông minh sáng tạo, một lòng vì nước vì dân thì ta mới phát huy được hết binh lực đó.
PV: Hiện nay, một vấn đề rất được các bạn đọc quan tâm. Đó là đội ngũ thủy thủ vận hành tàu. Chúng ta đã có bước chuẩn bị như thế nào cho việc phát triển đội tàu ngầm, thưa ông?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tôi biết Đảng ủy Bộ tư lệnh Hải quân và Quân ủy Trung ương hết sức quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh việc đặt hàng mua tàu ngầm, chúng ta cũng cử người đi học và chủ yếu ở Nga. Ấn Độ hiện nay cũng sẵn sàng đào tạo giúp chúng ta vài kíp tàu ngầm. Đó là những kíp đầu tiên phục vụ dưới tàu ngầm.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có những kíp tàu ngầm khác để thay đổi. Chính vì thế, việc huấn luyện những kíp tiếp theo là hết sức quan trọng. Việc đó chúng ta đã tính rồi. Cái chính là những lớp thanh niên khỏe mạnh phải sẵn sàng gia nhập lực lượng tàu ngầm bảo vệ Tổ quốc giữ gìn độc lập chủ quyền và toàn vẹn biển đảo của chúng ta. Tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ điều đó.
PV: Như ông đã nói, có thêm tàu ngầm thì càng tốt nhưng việc có nhiều tàu ngầm cũng sẽ khiến ngân sách quốc phòng phải chi nhiều hơn cho việc bảo dưỡng và vận hành chúng. Với điều kiện địa lý và kinh tế của Việt Nam trong thời điểm này, theo ông chúng ta nên có bao nhiêu tàu ngầm?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đúng là không phải nhiều mà là tốt nhưng ít quá thì không được. Hiện chúng ta có được 6 chiếc tàu ngầm Kilo là tạm đủ nhưng nếu chúng ta có được gấp đôi thì càng tốt. Lực lượng đưa ra biển hoạt động được nhiều hơn.
Hiện nay, chỉ có khoảng 2 chiếc ra biển hoạt động, số còn lại phải ở cảng để bảo dưỡng và bổ sung những thiết bị, khí tài cần thiết sau những chuyến đi dài ngày. Nếu có nhiều hơn, chúng ta sẽ đánh được nhiều đòn đánh hơn và uy hiếp được kẻ thù nhiều hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!