Tướng Lê Kế Lâm khuyên ông Trân điều gì về chế tạo tàu ngầm?

Lý Minh Sơn |

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chính là người đã khuyến khích ý tưởng chế tạo tàu ngầm của ông Phan Bội Trân.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Bội Trân từng nhiều lần nhắc đến sự giúp đỡ, động viên của Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm để được nghe ông chia sẻ thêm thông tin về dự án tàu ngầm của ông Phan Bội Trân.

PV: Thưa Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, lần đầu tiếp xúc và nói chuyện với ông Phan Bội Trân, ông có cảm nghĩ như thế nào?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Anh Phan Bội Trân là một Việt kiều người Pháp. Anh ấy xung phong vào Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh.

Tôi thấy một người Việt Nam ở nước ngoài lâu năm mà khi thành lập Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh lại tự giác tham gia thì rất cảm động. Tôi thấy Hội đón được một người như vậy thì cũng rất hay.

Từ đó, tôi có cảm tình với anh ấy và cố gắng, động viên khuyến khích anh ấy làm được việc gì có ích cho nước, cho dân.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Mua tàu ngầm để chặn 'cái đầu nóng'

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm

PV: Trong lần tiếp xúc đầu tiên, ông Phan Bội Trân đã chia sẻ với ông về ý tưởng chế tạo một chiếc tàu ngầm vỏ composite…?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Không. Sau khi vào Hội, anh Phan Bội Trân bảo là muốn có một cái gì đó đóng góp cho đất nước.

Tại thời điểm đó, anh ấy nhìn nhận và đánh giá về tình hình Biển Đông trong thời gian tới sẽ căng thẳng, do vậy, Việt Nam phải có lực lượng để bảo vệ chủ quyền.

"Cha đẻ" tàu ngầm Yết Kiêu
Phan Bội Trân
  Ngay khi nói chuyện với ông Lê Kế Lâm, tôi đã nghĩ rằng đây chính là người sẽ giúp tôi mở toang cánh cửa thành công đối với công việc chế tạo tàu ngầm.

PV: Xin ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về buổi nói chuyện ấy?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Lúc đó tôi hỏi: “Anh làm được cái gì?

Anh ấy nói: “Tôi có thể làm một cái tàu ngầm”.

Tôi mới bảo rằng: “Làm tàu ngầm không đơn giản đâu. Nó cần rất nhiều công nghệ và cần cả một bộ máy khoa học lớn hiện đại mà Việt Nam chưa đủ sức làm”.

Anh ấy đáp: “Nhưng tôi không làm loại vỏ sắt mà tôi làm loại vỏ composite”.

Làm bằng composite thì chỉ làm được cái nhỏ chứ cái to thì sợ không làm nổi” - tôi nói. Anh ấy bảo rằng vậy thì làm thử cái nhỏ trước.

Sau đó, tôi khuyến khích anh ấy làm để rồi từ đó có sản phẩm thuyết phục các cơ quan chức năng. Với người Việt Nam mình, nếu chỉ nói lý thuyết thì rất khó nghe.

Nghe tôi nói, anh ấy về nhà, tự bỏ tiền ra và âm thầm làm. Anh Trân làm chiếc tàu ngầm đó mất gần 2 năm rồi đặt tên là Yết Kiêu. Tôi còn nhớ, chiếc tàu ngầm đó được thử ở hồ bơi của trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm là người đã khuyến khích ý tưởng chế tạo tàu ngầm của ông Phan Bội Trân.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm là người đã khuyến khích ý tưởng chế tạo tàu ngầm của ông Phan Bội Trân.

PV: Trong 2 năm đó, ông đã giúp đỡ ông Phan Bội Trân như thế nào?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Một chiếc tàu ngầm có thể hoạt động ngoài biển được thì không đơn giản vì nó đòi hỏi rất nhiều loại kỹ thuật đi theo.

Tôi chỉ khuyên anh ấy là: Làm thế nào để có kính tiềm vọng quan sát trên mặt biển, làm thế nào để giải quyết thông tin liên lạc?

Vì liên lạc trên tàu ngầm thì cần một loại sóng riêng chứ không thể dùng sóng điện từ vẫn dùng để truyền trong không khí mà phải dùng loại sóng khác.

Khi đó, anh ấy nói: “Tôi biết, tôi biết. Cái đó phải dùng sóng dài. Việc đó khó khăn nhưng vẫn phải quyết tâm làm cái ban đầu”.

Tôi ủng hộ: “Nếu làm được thì tốt quá. Anh cứ làm rồi tôi báo cáo với Bộ Tư lệnh Hải quân để họ xem và giúp đỡ anh”.

Sau đó tôi có báo cáo với Bộ Tư lệnh Hải quân. Ở Bộ Tư lệnh Hải quân, có người rất ủng hộ nhưng có người lại bảo là phải thông qua Cục khoa học công nghệ của Bộ Quốc phòng…

PV: Thưa Chuẩn Đô đốc, theo ông, tàu ngầm của ông Phan Bội Trân còn cần khắc phục những điểm yếu nào để trong tương lai, nếu đất nước cần, những chiếc tàu ngầm đó có thể gia nhập Hải quân?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Nói về thiếu sót thì còn rất nhiều. Đó là chiếc tàu để thí nghiệm, từ đó có kiến thức tạo nên một vật bơi dưới nước, có thể lặn xuống, có thể nổi lên. Tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Để biến nó thành phương tiện phục vụ cho du lịch biển hay phục vụ cho quốc phòng thì còn phải có một bước rất dài và phải đầu tư không ít. Trong những vấn đề đó, tôi nghĩ anh Phan Bội Trân có thể giải quyết được mấy vấn đề như sau.

Tàu ngầm Yết Kiêu thử nghiệm

Tàu ngầm Yết Kiêu chạy thử nghiệm

Thứ nhất, có thể tạo cái vỏ composite ở mức lớn hơn với chiều dài khoảng 15-17 mét, đường kính tàu khoảng 1,5-2 mét. Thứ hai là có thể dùng nguồn điện ắc quy biến thành nguồn điện xoay chiều để quay chân vịt.

Còn lại, những bộ phận kỹ thuật như kính tiềm vọng để quan sát biển, thông tin liên lạc, nếu mang theo vũ khí thì đó là vũ khí gì, độ an toàn của tàu trong quá trình lặn cũng như quá trình di chuyển khi nổi thì còn phải bàn thêm.

Như vậy là còn rất nhiều vấn đề cần đầu tư suy nghĩ mà tôi cho rằng chỉ một cá nhân thì không làm được.

Cần phải huy động trí tuệ của rất nhiều bộ phận mà đặc biệt là chuyên ngành về Hải quân, Thông tin, Vũ khí thì mới có thể sản xuất được một tàu ngầm loại nhỏ “made in Việt Nam”.

(Còn tiếp...)

** Mọi ý kiến, phản hồi, đóng góp, xin vui lòng nhập vào ô Bình luận bên dưới bài viết. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại