Tương lai "đại bàng" F-15 mong manh sau thất bại tại Hàn Quốc

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Quyết định loại bỏ F-15SE của Hàn Quốc là một cú sốc thật sự đối với hy vọng mang tên Hàn Quốc của Boeing.

Ngày 24/8 vừa qua, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin rằng các quan chức Bộ quốc phòng nước này đã quyết định không lựa chọn tiêm kích F-15SE cho gói thầu F-XIII, đồng thời cho biết nước này sẽ mở lại một phiên đấu thầu mới trong thời gian sớm nhất sau khi tái cân nhắc cả những yêu cầu về kỹ thuật của loại tiêm kích cần trang bị và ngân sách.

Với quyết định này của Seoul, tiêm kích F-35 do hãng Lockheed Martin sản xuất, sau khi bị loại ở gói thầu trước do giá thành quá cao, có thể sẽ quay trở lại đấu thầu với tư cách là ứng viên sáng giá nhất.

Hàn Quốc đã nói
Hàn Quốc đã nói "không" với "đại bàng thầm lặng" F-15SE

F-35 - Từ kẻ bại trận đến ứng viên sáng giá

Gói thầu F-X III đã đi vào bế tắc sau khi các cựu tướng lĩnh Không quân Hàn Quốc gửi tâm thư tới Tổng thống Park Geun-hye để phản đối quyết định lựa chọn tiêm kích F-15 Silent Eagle do Boeing sản xuất, trong đó họ khẳng định rằng Hàn Quốc rất cần phải trang bị những tiêm kích tàng hình đề đối phó với những mối đe dọa trong tương lai đến từ các quốc gia láng giềng bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như việc ngăn chặn mối đe dọa từ phía Bắc Triều Tiên.

Chỉ với khả năng tàng hình, Không quân của chúng ta mới có thể xuyên thủng mạng lưới phòng không dày đặc của Triều Tiên và loại bỏ mối đe dọa vũ các tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm xa. Trung Quốc và Nga đang phát triển máy bay tàng hình riêng của họ, trong khi đó Nhật Bản cũng đã quyết định trang bị 42 chiếc F-35, như vậy chúng ta không thể không chuẩn bị để đối phó với bất bì cuộc xung đột nào với các nước láng giềng” – Nội dung bức thư viết.

Sau thất bại của F-15, tiêm kích F-35 có thể sẽ trở thành ứng viên sáng giá nhất cho gói thầu F-XIII của Hàn Quốc
Sau thất bại của F-15, tiêm kích F-35 có thể sẽ trở thành ứng viên sáng giá nhất cho gói thầu F-XIII của Hàn Quốc

Theo một nguồn tin trong Cơ quan Quản lý mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA), quyết định loại F-15 của Không quân Hàn Quốc một phần xuất phát từ suy nghĩ họ không muốn là người bị tụt hậu so với nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia đã tuyên bố mua F-35 hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, những tiến bộ vượt bậc của quân đội Trung Quốc, bao gồm sự xuất hiện của các UAV quanh những hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản hồi đầu tháng 9 vừa qua cũng là một nhân tố.

Nguồn tin này cũng tiết lộ thêm rằng Hàn Quốc và hãng Lockheed hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận trong vòng 6-9 tháng tới, nhằm đáp ứng yêu cầu về thời hạn chót của việc cung cấp máy bay đầu tiên cho Hàn Quốc là vào cuối năm 2017.

Đề làm mềm lòng Hàn Quốc trong thương vụ này, Lockheed đã đề nghị sẽ cung cấp một vệ tinh thông tin liên lạc quân sự, hoạt động trong cả hai băng tần Ku và X-band, đây cũng là thiết bị mà Hàn Quốc đòi hỏi buộc phải trang bị vào cuối năm 2017 để tương thích với hoạt động của F-35 và UAV RQ-4 Global Hawk của Northrop Grumman mà nước này đang dự định mua.

Thêm nữa, Lockheed cũng đã hứa hẹn sẽ cung cấp nhân lực hỗ trợ Seoul phát triển một tiêm kích nội địa nhằm thay thế chiếc F-16. Hiện tại Lockheed đang mong chờ quyết định của Chính phủ Hàn Quốc.

Trong khi đó, ứng viên còn lại trong cuộc đấu thấu, hãng sản xuất Eurofighter, cho biết hãng này cũng sẽ cân nhắc tham dự cuộc cạnh tranh đối với gói thầu mới, liên quan nhiều hơn tới kế hoạch phát triển chiến đấu cơ nội địa của chính Hàn Quốc. Trước đó hãng sản xuất châu Âu này đã cam kết sẽ chuyển giao nhiều công nghệ hơn cho Seoul để giúp họ phát triển chiến đấu cơ của riêng mình.

Con đường nào cho F-15 của Boeing?

Đối với Boeing, lúc này điều duy nhất của họ có thể nói là “rất lấy làm tiếc”. Conrad Chun, người phát ngôn của Boeing cho hay “Chúng tôi rất thất vọng trước quyết định của DAPA. Boeing đã rất nỗ lực tuân thủ những hướng dẫn của DAPA trong toàn bộ quy trình. Chúng tôi chờ phản hồi chi tiết của DAPA về quyết định vừa qua”. Boeing vẫn còn bỏ ngỏ khả năng tái tham gia đấu thầu của mình.

Quyết định loại bỏ F-15SE của Hàn Quốc là một cú sốc thật sự đối với hy vọng mang tên Hàn Quốc của Boeing, cũng như mong muốn mở rộng mạng lưới F-15 bằng biến thể Silent Eagle trong thập kỷ tới của hãng này.

Tiêm kích F-15SE
Tiêm kích F-15SE

Hiện tại, F-15 có thể hy vọng vào một số hợp đồng tiềm năng nhỏ lẻ từ Saudi Arabia và Singapore, tuy nhiên chúng chưa đủ để bảo đảm tương lai của dòng máy bay này sau khi hợp đồng với Saudi Arabia kết thúc năm 2018.

Hiện nay có một giải pháp tiềm năng giành cho Boeing tại Hàn Quốc là tiếp tục cung cấp F-15K cho Chính phủ nước này trong thời gian họ chờ đợi F-35. Tuy nhiên khả năng này xem ra không mấy triển vọng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại