Tuần tra, chống ngầm: Be-220 hay P-3C Orion?

Phi Yến |

Be-220 là phiên bản máy bay tuần tra săn ngầm được phát triển trên cơ sở thủy phi cơ Beriev Be-200 Altair.

Vào hôm 4/1, thủy phi cơ Beriev Be-200 Altair của Nga cùng nhóm thợ lặn được cử tới Indonesia để hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 của AirAsia bị rơi đã bắt đầu thực hiện công việc.

Một điều đáng chú ý đó là mẫu thủy phi cơ Be-200 đang được Nga chào hàng rất tích cực cho các quốc gia Đông Nam Á. Do vậy chuyến đi này của Be-200 không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo đơn thuần mà còn có mục đích trình diễn tính năng.

Thủy phi cơ Be-200 tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ chuyến bay QZ 8501 của Air Asia

Beriev Be-200 Altair (tiếng Nga: Бериев Бе-200) là một loại máy bay lưỡng cư đa năng do công ty Beriev phát triển từ nguyên mẫu A-40/ Be-42 Mermaid và được chế tạo tại nhà máy của Irkut.

Thủy phi cơ Be-200 có thể cất cánh từ các sân bay loại B với chiều dài đường băng chỉ 1.800 m hoặc từ các vùng nước với quãng đường tối thiểu 2.300 m.

Nhờ thiết kế và khả năng chống ăn mòn đặc biệt, Be-200 có thể vận hành ở ngoài khơi cũng như có thể cất và hạ cánh trên mặt nước khi chiều cao sóng lên tới 1,3 m.

Be-200ChS trình diễn tại Triển lãm hàng không MAKS 2009

Be-200ChS trình diễn tại Triển lãm hàng không MAKS 2009

Be-200 có chiều dài 32,05 m; sải cánh 32,78 m; cao 8,9 m; trọng lượng rỗng 27.600 kg; trọng lượng cất cánh tối đa trên đất liền/ mặt nước 41.000/ 37.900 kg; sức chứa tối đa với nước/ hàng hóa 12.000/ 7.500 kg, sức chứa tối đa hành khách 72 người.

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực D-436TP công suất 7.500 kgf mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa 700 km/h; tầm bay chuyển sân (với 1 giờ bay dự trữ) 3.300 km; trần bay 8.000 m.

Be-200 có thể đảm nhiệm tốt nhiều nhiệm vụ từ cứu hộ, chữa cháy cho đến khai thác phục vụ thương mại.

Đặc biệt, Be-200 còn có một biến thể tuần tra săn ngầm được định danh là Be-220 (Be-200P). Máy bay được trang bị các thiết bị cực kỳ hiện đại của Hải quân Nga gồm sonar, radar trinh sát và nhiều thiết bị khác để tìm kiếm phát hiện mục tiêu dưới tầng biển sâu.

Vào tháng 12/2012 hãng tin Interfax - AVN cho biết, các chuyên gia Nga đã có một bài thuyết trình về biến thể Be-220 có thể mang và phóng tên lửa chống hạm từ trên không Kh-35UE Super Uran cho Việt Nam.

Vậy khi so sánh với một loại máy bay tuần tra săn ngầm khác cũng đang được Việt Nam quan tâm là P-3C Orion thì Be-220 có những ưu và nhược điểm gì?

Máy bay tuần tra săn ngầm Be-220

Những ưu điểm của Be-220 so với P-3C Orion

Trước hết, Be-220 là máy bay mới sản xuất do đó tuổi thọ khung thân chắc chắn sẽ cao hơn so với P-3C Orion đã trải qua nhiều năm hoạt động.

Bên cạnh đó, khả năng cất hạ cánh trên mặt nước của Be-220 tỏ ra rất phù hợp với máy bay dành cho hải quân, điều này P-3C Orion không thể làm được.

Quan trọng nhất, vũ khí trang bị cho Be-220 gồm bom chìm, ngư lôi và tên lửa đối hạm đều do Nga sản xuất đã quen thuộc với bộ đội Việt Nam, đặc biệt là tên lửa Kh-35 Uran, chúng có thể được cung cấp nhanh chóng mà không vướng phải bất cứ rào cản nào.

Trong khi đó nếu Việt Nam mua P-3C Orion thì trong tương lai gần các máy bay này chỉ có thể đảm trách chức năng tuần tra do chưa có vũ khí đi kèm. Thông tin trên được Giám đốc chương trình tuần tra biển của Lockheed Martin, ông Clay Fearnow cho biết.

Be-220 có một số lợi thế khi so sánh với P-3C Orion

Những hạn chế của Be-220 so với P-3C Orion

Tuy nhiên, Be-220 lại có những nhược điểm rất lớn sau đây đã được các chuyên gia quân sự Trung Quốc chỉ ra khi họ tìm hiểu về loại máy bay này.

Đầu tiên, biến thể tuần tra săn ngầm Be-220 chỉ có thể mang theo tối đa 7.500 kg vũ khí trang bị ở trong khoang hoặc các điểm treo bên ngoài cánh, ở trên P-3C Orion con số này là 9.100 kg.

Tiếp theo, Be-220 là một thủy phi cơ không được thiết kế để bay với tốc độ chậm ở độ cao thấp (yêu cầu cực kỳ quan trọng đối với máy bay tuần tra săn ngầm).

Động cơ phản lực D-436TP của Be-220 tỏ ra kém tin cậy và không đạt được hiệu suất cao nếu phải làm việc ở chế độ này, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho máy bay.

Trong khi đó đây lại là điểm mạnh của P-3C Orion, khi cần thiết P-3C còn có thể tắt bớt 2 động cơ cánh quạt để bay rất chậm và rất thấp nhằm phát huy tối đa hiệu suất của các thiết bị dò tìm tàu ngầm trên máy bay, tránh việc bỏ sót mục tiêu do thiếu thời gian.

Thời gian hoạt động liên tục của Be-220 cũng tương đối ngắn, chỉ được khoảng 4 giờ so với 12 giờ của P-3C Orion, khiến loại máy bay này chỉ thích hợp cho các nhiệm vụ tuần tra ven biển, rất khó để triển khai tại các vùng biển xa.

Một điều nữa cũng rất đáng để cân nhắc đó là P-3C Orion đã chứng minh được năng lực của mình qua thời gian dài hoạt động, trong khi Be-220 chưa hề được kiểm nghiệm thực tế.

Qua phân tích kể trên, có thể thấy, P-3C Orion là một sự lựa chọn hợp lý nếu Việt Nam muốn nâng cao khả năng tuần tra, chống ngầm.

Mặt khác, Be-220 cũng có những thế mạnh riêng, nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại, nó chưa phải là ưu tiên số một?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại