Nhân dân Nhật báo đưa tin ngày 23/1 vừa qua, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã tiếp nhận 2 tàu mới số hiệu 1401 và 3306 trong một phần kế hoạch mở rộng quy mô các lực lượng hành pháp trên biển của nước này.
Tờ báo nhận định hiện tại, so sánh với lực lượng tuần duyên Nhật Bản, Trung Quốc vẫn thua kém hơn bởi Nhật Bản đang sở hữu nhiều tàu lớn và hiện đại hơn.
Tuy nhiên cán cân này sắp có sự thay đổi về phía Trung Quốc khi nước này đang dự định đóng thêm vài chục tàu có lượng giãn nước từ 3.500 tấn-6.000 tấn.
Điều đặc biệt ở các tàu mà Trung Quốc đang đóng là việc nó được thiết kế có thể chịu được va chạm mạnh hoặc sử dụng để đâm húc. Đây là điều được Trung Quốc tính toán ngay trong lúc thiết kế.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản hiện tại đang có 13 tàu với lượng giãn nước trên 3.000 tấn, 38 tàu trên 1.000 tấn. Tuy nhiên, theo Nhân dân Nhật báo, hơn 40% số này được đóng từ những năm 80 của thế kỷ XX. Trung Quốc tự tin rằng sau khi hoàn thành kế hoạch trên thì đội tàu của họ sẽ hiện đại hơn và có lượng giãn nước gấp 3-4 lần đội tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiết lộ về loại tàu tuần duyên lớn nhất thế giới mà họ chuẩn bị đóng, với lượng giãn nước tới 10.000 tấn. Theo một số nguồn tin, tàu sẽ được trang bị 1 pháo cỡ nòng 76mm, 2 pháo 30 hoặc 23mm, sàn đáp trực thăng lớn cùng nhà chứa cho 1 trực thăng tuần tra và 1 trực thăng không người lái. Đặc biệt, con tàu này còn có khả năng tiếp nhiên liệu cho các tàu khác.
Với tham vọng lớn như trên, có thể thấy sắp tới Trung Quốc sẽ thông qua các tàu gắn mác "hành pháp trên biển" này để tăng cường hoạt động bành trướng và xâm phạm chủ quyền biển đảo của nhiều quốc gia trong khu vực.